Lồng ghép dự án, hỗ trợ tối đa cho nông dân

Thứ ba - 06/06/2017 22:49
Nhờ cách làm sáng tạo - lồng ghép các chương trình dự án, chính sách của T.Ư và địa phương - Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã phát huy được nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). Phóng viên Dân Việt có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Gia - Chủ tịch Hội ND Hà Tĩnh về nội dung này.

Ông Trần Đình Gia cho biết: Quỹ HTND  ở Hà Tĩnh ra đời năm 2009, lúc đó nguồn vốn chỉ có 317 triệu đồng từ vận động đóng góp. Đến năm 2013 Qũy HTND có hơn 6,3 tỷ đồng chủ yếu nguồn của T.Ư Hội NDVN ủy thác.

Sau năm 2013, Hội ND tỉnh làm việc với thường trực Tỉnh ủy, được Tỉnh ủy đồng ý xây dựng đề án về đổi mới nâng cao hiệu quả của Quỹ HTND. Ngày 30.6.2014, UBND tỉnh quyết định thành lập Quỹ HTND cấp tỉnh, mỗi năm ngân sách tỉnh cấp 2 tỷ đồng cho quỹ. Đến nay, tổng nguồn vốn của quỹ đạt hơn 18 tỷ đồng.

Quỹ HTND được vận hành ra sao, thưa ông?

- Bản chất Quỹ HTND không phải quỹ xóa đói giảm nghèo mà nhằm mục đích để Hội ND các cấp vận động hội viên xây dựng các mô hình kinh tế theo tổ hợp tác, hợp tác xã (THT, HTX), trong đó hướng vào các sản phẩm chủ lực mà tỉnh đang khuyến khích phát triển. Sau khi Hội ND khảo sát địa bàn sản xuất, thành lập THT, HTX và có đề án sản xuất khả thi  xác nhận của chính quyền địa phương lúc đó, Hội tổ chức tập huấn hoặc dạy nghề cho ND, sau đó mới cho vay theo dự án. Quy mô cho vay từ 300-500 triệu đồng/dự án. Bình quân mỗi hộ được vay từ 30-50 triệu đồng.

Ông có thể chia sẻ một số tác động tích cực của Quỹ HTND đối với đời sống sản xuất của ND?

 

Tổ hợp tác chăn nuôi bò xã Ân Phú (Vũ Quang) được Quỹ HTND cho vay vốn mua bò giống còn dự án SRDP hỗ trợ kinh phí xây dựng đồng cỏ. Ảnh: L.K

 

"So với các tỉnh, thành khác, quy mô Quỹ HTND còn khá khiêm tốn, nhưng nó thể hiện sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, Hội ND các cấp tỉnh Hà Tĩnh trong việc nghiêm túc thực hiện Kết luận số 61/2009 của Ban Bí thư và Quyết định số 673/2011 của Thủ tướng Chính phủ”. 

Ông Trần Đình Gia

- Thông qua Quỹ HTND, các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 72 THT, HTX sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; thành lập 60 tổ nhóm ND trồng rừng tại 18 xã của huyện Hương Sơn.

Doanh số cho vay trong 5 năm qua là 28 tỷ đồng với gần 2.000 lượt hộ vay. Đến nay, chưa có THT, HTX nợ đọng kéo dài, không trả được vốn và phí quản lý.  Theo đó, nội dung, phương thức hoạt động của Hội ND các cấp được đổi mới, cán bộ hội năng động, trưởng thành lên, uy tín, vai trò của tổ chức hội nâng lên rõ rệt, cấp ủy, chính quyền tín nhiệm và hội viên, ND phấn khởi…

Quy mô còn khá khiêm tốn, nhưng Hội ND Hà Tĩnh có cách làm như thế nào để phát huy tối đa ý nghĩa của Quỹ HTND?

- Hà Tĩnh còn khó khăn nên ngân sách hỗ trợ cho ND qua nguồn quỹ này khá khiêm tốn. Vì vậy, để phát huy tối đa ý nghĩa cũng như tác động hỗ trợ ND, Hội phải lồng ghép, kết hợp nhiều nguồn lực, chính sách, chương trình. Chẳng hạn, Hội kết nối doanh nghiệp với ND hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó ND được hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, vật tư, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Hội phải kết hợp nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách của T.Ư và tỉnh để cùng đầu tư cho mô hình nhằm phát huy hiệu quả của Quỹ HTND. Điển hình là phối hợp Dự án SRDP trong chăn nuôi bò. Dự án hỗ trợ ND kinh phí mua giống cỏ, xây dựng hạ tầng đồng cỏ, còn Quỹ HTND hỗ trợ vốn mua bò giống. Hội còn lồng ghép các nguồn hỗ trợ của tỉnh cho ND trong quá trình vay Quỹ HTND. Cụ thể, 1 hộ nuôi bò được hỗ trợ 2 triệu đồng/con; nuôi lợn được hỗ trợ 750.000 đồng/con. Ví dụ, 1 hộ tham gia THT hay HTX nuôi 20 con lợn  được hỗ trợ tối thiểu 15 triệu đồng xây dựng chuồng trại…

Xin cảm ơn ông!

Theo Dân Việt

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây