Gặp khó về tiền nhưng "Tổng" Sông Đà vẫn muốn "ôm" dự án 800 tỷ

Thứ ba - 06/06/2017 22:12
Dù đang gặp khó về vốn chủ sở hữu nhưng Tổng công ty Sông Đà vẫn muốn “ôm” Dự án đầu tư mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang, với tổng vốn lên tới gần 800 tỷ đồng.
Hầm Đèo Ngang mới dự kiến sẽ cách hầm hiện hữu hơn 200m về phía Tây

Góp vốn bằng... hầm

Nguồn tin của PLVN cho hay, từ nay đến hết năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự kiến sẽ hoàn tất việc lựa chọn nhà đầu tư để triển khai hơn 20 dự án PPP (đối tác công - tư) với tổng mức đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả Dự án mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang trên tuyến QL1A.

Sở dĩ Tổng công ty Sông Đà muốn tham gia dự án trên vì cách đây hơn 10 năm, doanh nghiệp này từng là nhà đầu tư Dự án hầm đường bộ thứ nhất nối hai tỉnh Quảng Bình - Hà Tĩnh. Vì thế đầu năm ngoái, đơn vị này đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép được làm nhà đầu tư xây dựng đường hầm thứ hai qua Đèo Ngang, theo hình thức Hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Cụ thể, hầm này có tổng chiều dài là 2,76km, với đường dẫn phía Bắc và phía Nam hầm là 1,9km, chiều dài cầu dẫn phía Bắc và phía Nam hầm 181m, chiều dài ống hầm giao thông 630m. Chiều rộng nền đường 12m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa trên lớp móng cấp phối đá dăm, tốc độ thiết kế để xe chạy trong hầm khoảng 60km/giờ. Dự án có điểm đầu tại km591+550 huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và điểm cuối là km594+339 thuộc huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).

Sau khi tiến hành rà soát năng lực nhà đầu tư, Bộ GTVT mới đây cho hay: “Theo báo cáo tài chính năm 2014, Tổng công ty Sông Đà hiện không còn vốn chủ sở hữu để đầu tư bổ sung mở rộng hầm Đèo Ngang. Tại Văn bản số 2721/TCT-CLĐT ngày 9/12/2015, Tổng công ty Sông Đà đã báo cáo Bộ Xây dựng và đề nghị cho phép liên kết với một công ty con (trực thuộc Tổng công ty Sông Đà) để thực hiện bổ sung hạng mục nêu trên. Theo đó, phần góp vốn của Sông Đà là dự án cũ đã thực hiện, công ty liên kết sẽ góp vốn để thực hiện hạng mục bổ sung. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có ý kiến của Bộ Xây dựng”. 

Trước đó - vào cuối tháng 3/2015, trong một văn bản gửi các bộ, ngành và địa phương liên quan nhằm thuyết phục để được trở thành nhà đầu tư Dự án BOT nói trên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Sông Đà từng khẳng định: “Tổng công ty Sông Đà cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực để khẩn trương lập và trình Bộ GTVT phê duyệt đầu tư mở rộng dự án, tổ chức triển khai thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ theo đúng quy định”?. 

Có “xoay” đủ vốn chủ sở hữu?

Theo kế hoạch thì Dự án mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang sẽ được phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý I/2016; phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và đền bù giải phóng mặt bằng trong quý I và quý II/2016; thời gian xây dựng dự kiến từ quý III/2016 đến quý III/2018 và sẽ hoàn thành bàn giao công trình đưa vào khai thác trong năm 2018.

Theo Bộ GTVT, sự cấp bách, khẩn trương không chỉ là yêu cầu đối với dự án này mà với tất cả các dự án PPP đã lên kế hoạch triển khai trong năm nay, nhưng như đã nói ở trên, tỷ lệ vốn chủ sở hữu cần có để có thể triển khai dự án đang là một thách thức đối với “Tổng” này. 

Theo đó, con số cần thiết để tham gia dự án là  khoảng hơn 100 tỷ, nhưng theo thẩm tra sơ bộ của Bộ GTVT thì Tổng công ty Sông Đà đang gặp khó. Và trên thực tế, vấn đề này lại đang  diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo Bộ GTVT vừa chỉ thị cho các đơn vị chức năng của Bộ cần tăng cường công tác kiểm tra, thẩm định chặt chẽ các dự án đầu tư, đặc biệt là vấn đề năng lực tài chính. Vì vậy, điều mà dư luận quan tâm nhất hiện này là “Tổng” này sẽ tìm cách  “xoay” đủ vốn hay vẫn theo đuổi phương án lấy giá trị hầm một để góp vào xây dựng hầm hai như đã trình ban đầu? 

“Theo chúng tôi nắm được thì Tổng công ty Sông Đà đang tiến hành cổ phần hóa và họ cũng đang dần thoái vốn tại một số dự án. Việc này tạo điều kiện cho doanh nghiệp có một nguồn tiền gửi vào ngân hàng để triển khai dự án. Theo tính toán, Tổng công ty Sông Đà phải góp đủ vốn chủ sở hữu  khoảng 130 tỷ đồng, phần còn lại có thể vay thương mại để làm hầm”, Phó Trưởng ban Quản lý các Dự án PPP (Bộ GTVT) Nguyễn Viết Huy xác nhận với Pháp Luật Việt Nam.

Rõ ràng hiện nay việc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là cần thiết, nhưng không phải vì thế mà làm bằng mọi giá, để lọt những nhà đầu tư thiếu năng lực hoặc bỏ qua các thủ tục bắt buộc khi kiểm tra, thẩm định dự án...

Phải góp đủ 130 tỷ đồng

“Tổng công ty Sông Đà đang tiến hành cổ phần hóa và họ đang dần thoái vốn tại một số dự án. Việc này tạo điều kiện cho doanh nghiệp có một nguồn tiền gửi vào ngân hàng để triển khai dự án. Theo tính toán, nếu triển khai thì Tổng công ty Sông Đà phải góp đủ vốn chủ sở hữu khoảng 130 tỷ đồng, phần còn lại có thể vay thương mại”, Phó Trưởng ban Quản lý các dự án PPP (Bộ GTVT) Nguyễn Viết Huy.

Theo Báo Pháp luật Việt Nam

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây