Đá Chông là một địa danh nằm dưới chân núi Ba Vì, trước đây thuộc huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, nay là huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Đá Chông cách thị xã Sơn Tây về phía tây theo Đường 87 khoảng 20km; tiếp giáp với ba xã Minh Quang, Thuần Mỹ và Ba Trại thuộc huyện Ba Vì và qua sông Đà là xã Đồng Luận, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Nơi đây có rất nhiều tảng đá thon nhọn, tựa như những mũi chông, ngọn mác từ dưới đất nhô lên, có thể vì thế mà nhân dân địa phương gọi địa điểm này là Đá Chông. Diện tích khu Đá Chông chừng 234ha, phần lớn là đồi rừng, có hai hồ nước rộng khoảng 15ha. Trong thời kỳ Pháp thuộc, thực dân Pháp đã mở đồn điền trồng thông và khai thác quặng ở đây. Ngày nay, khu vực này còn giữ được nhiều đồi thông có độ tuổi trên dưới 100 năm, xen kẽ với những cây gỗ cao, tán rộng như: Long não, trò, trám… tạo thành những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp. Với độ cao từ khoảng 40m đến hơn 200m so với mặt nước biển, Đá Chông dựa vào thế núi Ba Vì và dưới chân là dòng sông Đà hùng vĩ, tạo nên một địa thế hiểm trở, “sơn thủy hữu tình”.
Sau năm 1954, mặc dù miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, nhưng với tầm nhìn chiến lược thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác và Trung ương đã nhận định, nhất định đế quốc Mỹ sẽ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, do đó, việc tìm một nơi sơ tán khi có chiến tranh xảy ra là một việc cần thiết. Theo lời kể của ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, để thực hiện ý định trên đây, từ cuối năm 1956, Bác đã giao nhiệm vụ cho Ty Công an Sơn Tây đi khảo sát, lựa chọn một số địa điểm vùng Ba Vì, Sơn Tây để báo cáo với Bác. Tháng 5-1957, khi đến thăm một đơn vị quân đội diễn tập bên sông Đà, Bác và các đồng chí cùng đi đã dừng chân, ăn cơm trưa trên một quả đồi vùng Đá Chông. Nhận thấy nơi đây có nhiều điểm thuận lợi về địa hình, giao thông, khí hậu mát mẻ, Người đã trao đổi với mọi người và ngỏ ý muốn chọn nơi này để Bác và Trung ương làm việc khi cần thiết.
Sinh thời, vào những ngày Tết hay sinh nhật, để tránh sự chúc tụng của mọi người, Bác và các đồng chí phục vụ lại về với Đá Chông. Bác dành thời gian đi thăm hỏi cán bộ và nhân dân địa phương, cùng anh em phục vụ cuốc đất, trồng rau, tăng gia sản xuất. Chính vì thế, ngôi nhà Bác làm việc ở Đá Chông còn được mọi người đặt tên là “Ngôi nhà Cần Kiệm”…
Tháng 9-1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định lựa chọn K9 làm nơi giữ gìn thi hài Bác. Để bảo đảm bí mật cho nhiệm vụ, K9 được đổi tên thành K84. Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ quản lý K84, Đoàn 69 (tiền thân của Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay) được giao nhiệm vụ cùng với các chuyên gia y tế Liên Xô giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong 6 năm chiến tranh, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học y tế Liên Xô lập nên một kỳ tích vĩ đại, đó là giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong điều kiện khó khăn về mọi mặt. Chính điều đó đã tạo ra một tiền đề rất cơ bản cho chúng ta từng bước vươn lên làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhớ lại những năm giữ gìn thi hài Bác ở Đá Chông, có nhiều điều tưởng chừng như không thể vượt qua được, nhưng dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 đã chủ động, sáng tạo tìm ra những giải pháp tối ưu để triển khai thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Mỗi cán bộ, chiến sĩ được vinh dự làm nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác giai đoạn đó, sau này khi gặp nhau đều bồi hồi nhớ lại kỷ niệm khi bị coi là những chiến sĩ “B quay” (chỉ những người đào, bỏ ngũ không đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam thời kỳ đó). Điều đó thật dễ hiểu, vì yêu cầu bí mật của nhiệm vụ, mọi người thân trong gia đình cũng như nhân dân địa phương nơi đơn vị làm nhiệm vụ đều không được biết con em mình, địa phương mình đang có niềm vinh dự đặc biệt.
Lịch sử đã ghi lại rất rõ, sau năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội, liên tục từ năm 1957 đến 1960, Bác đã dành thời gian đi thăm các địa phương vùng Tây Bắc, Hà Tây, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Khi đến các địa phương, Bác thường căn dặn cán bộ, nhân dân quan tâm chăm lo đời sống, phát triển kinh tế, xã hội, thi đua lao động sản xuất, sẵn sàng chi viện cho miền Nam và cảnh giác, đề phòng đế quốc Mỹ liều lĩnh mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Xâu chuỗi lại các sự kiện đó, đồng thời gắn với sự kiện lịch sử Bác Hồ chọn Đá Chông là nơi làm việc, sơ tán của Trung ương khi cần thiết, chúng ta nhận thấy tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lựa chọn vị trí đặt “đại bản doanh” của Trung ương khi có tình huống chiến tranh xảy ra. Mặt khác, qua lời kể của nhân dân địa phương, trong suốt thời kỳ đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân phá hoại miền Bắc, mặc dù các khu vực lân cận bị Mỹ ném bom, nhưng Đá Chông không phải chịu một quả bom nào. Điều đó đã khẳng định vị trí đặc biệt của nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn lúc sinh thời, và khi Người qua đời, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định đây là nơi giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đá Chông-một vùng đất linh thiêng.
Tháng 5-2017
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn