Ông Đỗ Mạnh Hùng: Nhu cầu tìm liệt sĩ, tìm người thân là rất chính đáng của người dân. Nhiều gia đình thậm chí bức xúc khi chưa tìm thấy con em của mình. Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm và cũng có rất nhiều giải pháp thỏa mãn nhu cầu chính đáng này.
Trong pháp lệnh người có công, có quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Nghị quyết 494, quy định xây dựng triển khai hai đề án: Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và liệt sĩ có mộ trong nghĩa trang.
Tuy nhiên, việc thực hiện còn rất nhiều khó khăn, hạn chế, cho nên nhiều gia đình xuất phát từ tình cảm và mong muốn của mình đã chủ động tìm kiếm thông qua các nhà ngoại cảm.
Thực tế đúng là có những người lợi dụng tình cảm đó để có những hoạt động trái pháp luật. Trong cơ quan rõ ràng là phải xử lý nghiêm theo pháp luật.
Thực tế cũng cho thấy trong quản lý nhà nước có sự trùng lấn. Có thể ví dụ ngay bằng câu chuyện cấp phép cho một thẩm mỹ viện hay là chuyện ngành y tế đổi tên thuốc thành thực phẩm chức năng khiến các DN lợi dụng đưa vào nhóm hàng không bình ổn để tăng giá.
Trong lĩnh vực này, ngành được giao quản lý NN về chính sách người có công là LĐ-TB và XH đã có những văn bản xác định chưa thừa nhận tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng ngoại cảm, nhưng ở địa phương, ở các ngành khác, vẫn thiếu sự phối hợp.
Cũng có thể do sức ép của gia đình người thân liệt sĩ, nhưng cũng có thể là do sự thiếu phối hợp trong quản lý. Và rõ ràng, cần xác minh làm rõ trách nhiệm của các địa phương, bộ ngành để có cách quản lý phù hợp.
PV: Thưa ông, phải chăng các gia đình phải nhờ tới ngoại cảm là do ngành LĐ-TB và XH đang chưa làm tốt, đang nợ người dân việc đưa con em họ “trở về” dù chiến tranh đã chấm dứt từ gần 1/3 thế kỷ?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Đúng là như thế. Việc còn gần 500 ngàn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, hoặc chưa xác minh được danh tính mộ phần là mối quan tâm chung của Đảng, NN, các bộ ngành, cả XH và các gia đình.
Chưa hẳn là ngành LĐ-TB và XH chưa làm tốt, bởi thực tế cho thấy việc tìm kiếm, xác minh thông tin trong nhiều trường hợp là rất khó khăn. Chiến tranh thì ác liệt. Thời gian thì càng ngày càng lùi xa. Có thể nói đây là công việc khó.
Thực tế nguyện vọng tìm kiếm người dân là chính đáng, nhiều gia đình tự mình tìm kiếm hài cốt co em. Có bệnh thì vái tứ phương mà. Họ tìm mọi cách, mọi con đường. Vì thế, mình bên cạnh việc thông tin, tuyên truyền, còn phải tìm ra những giải pháp để đáp ứng nhu cầu chính đáng này.
Thứ nhất tăng cường trách nhiệm của cơ quan chức năng. Làm công việc này, ngoài trách nhiệm cần có cái tâm, cần sự nhiệt tình, chia sẻ.
Thứ hai cần mở rộng diện tra cứu, tìm kiếm thông tin bằng các con đường, biện pháp. Theo tôi, Bộ Quốc phòng cần sớm hoàn thành chương trình xác định phiên hiệu các đơn vị trong chiến tranh.
Thứ 3 là phải dựa vào dân. Chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân, vùng nào cũng có dân, và người dân có thông tin về sự hy sinh mất mát.
Thứ 4 là tăng cường tiến bộ khoa học, đặc biệt các công nghệ mới, trong đó có việc xây dựng các ngân hàng dữ liệu thông tin để cung cấp cho người dân.
Thứ 5 là cần tăng cường hợp tác quốc tế. Có trường hợp tổ chức Cựu chiến binh Úc đã cung cấp những thông tin khá chính xác về những trận giao chiến, về những hy sinh mất mát của cả 2 bên, ở những địa điểm cụ thể.
Nếu tích cực chắc chắn sẽ có kết quả tốt hơn.
PV: Trở lại câu chuyện giải ngân 75 triệu đồng cho một trường hợp tìm thấy hài cốt liệt sĩ, và số tiền 7,8 tỷ đã được giải ngân mà VTV đã nêu. Nếu câu chuyện này đúng sự thật thì ông thấy sao?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Cái này phải xác minh làm rõ cơ chế giải ngân theo chương trình nào, từ đó mới có thể xác định trách nhiệm và xử lý cụ thể đối với tổ chức tín dụng đã giải ngân.
PV: Trong các văn bản về tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, có quy định nào nói Nhà nước dùng tiền ngân sách từ thuế để thông qua một cơ quan tổ chức nào chi phí cho việc tìm mộ liệt sĩ không, thưa ông?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Trong các văn bản thì không có quy định nào như vậy. Nhất là chi phí cho các nhà ngoại cảm. Họ có thể lợi dụng một chương trình nào đó chứ không chương trình nào quy định dùng tiền ngân sách, hoặc của các tín dụng để chi phí cho việc này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông
Tôi cho rằng sự vào cuộc của Công an đối với các đối tượng mạo danh là nhà ngoại cảm để trục lợi, đặc biệt là việc bắt đối tượng Thúy (Cậu Thủy) là rất kịp thời. Đối tượng tự xưng là nhà ngoại cảm – nhà tâm linh này đã hành nghề từ rất lâu rồi và đã làm hại rất nhiều gia đình, khiến nhiều gia đình vừa mất thời gian lại tốn tiền trong khi điều thu về mà đối tượng gọi là hài cốt liệt sỹ chỉ là xương động vật. Như vậy là quá nhẫn tâm, và bộc lộ dã tâm của đối tượng này, đó là điều không thể chấp nhận được đối với một nhà tâm linh lấy đồng tiền trên xương máu của gia đình liệt sĩ. Theo tôi điều quan trọng nhất là do công tác quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực người có công. Thậm trí đâu là nhà ngoại cảm thực sự thì các cơ quan quản lý nhà nước cần thông báo để mọi người biết, còn đối với những người không có cái khả năng ngoại cảm ấy mà cố tạo ra chứng cứ giả để lừa người dân, lừa thân nhân của họ thì chúng ta phải xử lý nghiêm. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, TNTN và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn