Mô hình nuôi tôm trên cát theo công nghệ cao tại Xuân Phổ - Nghi Xuân |
Được sự hỗ trợ, Sở KH&CN, năm 2011 HTX Xuân Thành áp dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát vụ đông. Bằng việc áp dụng quy trình, công nghệ mới, các hộ nuôi tôm chỉ việc thiết kế ao nuôi ở độ sâu 2m để duy trì mực nước, ổn định nhiệt độ môi trường và xây dựng hệ thống nhà bạt nilon xung quanh ao. Vào thời điểm nhiệt độ thấp, dùng nhà bạt nilon che phủ, sử dụng ống xả đáy với thiết kế có các lỗ thoát nước ở các tầng khác nhau để ổn định nhiệt độ cho tôm cũng như hạn chế dịch bệnh. Nhờ áp dụng công nghệ mới, mỗi năm, HTX Xuân thành đã chủ động xuống giống vụ 3 mà không còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Năng suất và sản lượng tôm cũng vì thế mà được tăng lên gần ½ so với trước.
“Nuôi tôm vụ đông không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, do tôm được giá mà còn giảm bớt được chi phí bão dưỡng, duy tu. Từ khi xuống giống vụ 3 doanh thu mỗi năm tăng từ 4 tỷ đồng lên hơn 8 tỷ đồng, sau khi trừ chí phí bình quân 1ha mặt nước nuôi/năm cho lợi nhuận 1,5 tỷ đồng”. Chủ nhiệm HTX Xuân Thành Hồ Quang Dũng cho biết.
Dự án ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát vụ đông ở Hà Tĩnh là một trong 43 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học được triển khai năm 2012. Theo Trưởng phòng Quản lý Khoa học Nguyễn Phong An, các đề tài, dự án khoa học những năm gần đây đã được triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu được chuyển giao ngay cho các đơn vị để ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Riêng năm 2012 các đề tài, dự án trên lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đã thực sự phát huy tối đa hiệu quả sau khi ứng dụng vào thực tiễn. Các đề tài, dự án nghiên cứu đã tập trung đi sâu vào giải quyết nhu cầu cấp bách về giống, cây, con, các quy trình, giải pháp công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bằng niềm say mê nghiên cứu của các nhà khoa học, nhiều giống cây trồng có chất lượng đã được tuyển chọn, khảo nghiệm và đưa vào sản xuất đại trà như: giống lúa OM4218, OM448, RVT.., Lạc L26, giống ớt F1 -209, dưa chuột Nhật Bản, Bí xanh Tre Việt, Nấm...mang lại hiệu quả kinh tế cao, được bà con nông dân thừa nhận. Thông qua việc triển khai các dự án đã đào tạo, nâng cao khả năng tiếp cận KH&CN cho người dân, đồng thời xây dựng nhiều mô hình điểm về phát triển kinh tế, góp phần đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đưa sản phẩm của bà con đến với thị trường.
Ngoài ra, năm 2012, hoạt động KH&CN đã tập trung vào việc thử nghiệm và áp dụng thành công các biện pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn như: công nghệ trồng hoa trong nhà lưới, sản xuất rau sạch theo hướng VietGap, công nghệ sản xuất giống ương nuôi tôm, công nghệ rút ngắn thời gian chế biến nước mắm bằng năng lượng mặt trời... Các vấn đề liên quan đến việc nâng cao đời sống cho người dân các xã vùng bãi ngang ven biển, miền núi, đưa các ngành nghề mới về nông thôn được tập trung nghiên cứu thông qua việc triển khai xây dựng các mô hình trình diễn về ứng dụng KH&CN ở các địa phương...
Xây dựng đội ngũ trí thức đủ năng lực tâm huyết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển |
Theo Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Khoa Văn, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động khoa học đã tạo động lực thúc đẩy tiến trình phát triển chung của tỉnh. Những luận cứ khoa học sau khi được nghiên cứu đã giúp các nhà quản lý hoạch định chủ trương, chính sách, lập kế hoạch, quy hoạch chiến lược phát triển của tỉnh, góp phần quan trọng vào việc tiếp thu , làm chủ, thích nghi và khai thác có hiệu quả những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển trên địa bàn. Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, công tác quản lý nhà nước trên địa bàn đã được triển khai đồng bộ, tích cực, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực hoạt động.
Nói về định hướng phát Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh Đỗ Khoa Văn cho rằng, để cụ thể hóa Nghị quyết hội nghị lần thứ VI Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN vào điều điều kiện cụ thể của Hà Tĩnh, năm 2013 ngành KH&CN Hà Tĩnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí KH&CN. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi xây dựng nông thôn mới, mang tính bền vững trong xu hướng hội nhập.
Cùng với việc xây dựng, đổi mới cơ chế hoạt động, ngành khoa học sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện tốt công tác đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Đồng thời, quan tâm xây dựng hạ tầng phục vụ hoạt động khoa học - công nghệ, chủ động liên kết với ngành khoa học của các tỉnh trong nước để xây dựng và triển khai chương trình phát triển thị trường công nghệ, thúc đẩy năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Tích cực ứng dụng công nghệ sinh học trong việc chọn, nhân giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất hàng hóa, bảo quản và chế biến nông sản. Tăng cường hỗ trợ các ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các vùng nông thôn. Chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ, phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ về cơ sở.
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn