Lô xương bò, đuôi bò thối phát hiện ở Thanh Oai, Hà Nội.
Báo động tình trạng ngộ độc tập thể
Điều đáng báo động là số vụ ngộ độc tập thể, chủ yếu tại các khu công nghiệp, khu chế xuất mà nạn nhân phần lớn là công nhân trong thời gian gần đây đang có dấu hiệu gia tăng, cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Ngộ độc xảy ra nhiều nhất tại vùng Đông Nam bộ, chiếm tỷ lệ 66,7% tổng số vụ xảy ra trong cả nước. Trong số 72 vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại các KCN, KCX từ trước tới nay thì nguyên nhân do độc tố chiếm 19,4%, vi sinh vật chiếm 33,3%, hoá chất chiếm 11,1%, còn 36,1% số vụ chưa xác định được nguyên nhân.
Tiêu biểu nhất là vụ ngộ độc xảy ra tại bếp ăn tập thể của Công ty Hansoll Vina (đóng tại khu công nghiệp Sóng Thần I, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) ngày 27/9/2012 khiến gần 2000 công nhân bị trúng độc, trong đó hơn 200 người phải nhập viện cấp cứu. Theo kết quả kiểm tra của lực lượng chức năng thì nguyên nhân gây ngộ độc là các món ăn nhiễm khuẩn được sử dụng trong bữa ăn chiều (các món bún riêu cua, thịt, rau sống...) dành cho công nhân.
Trước đó không lâu, vào ngày 3/7/2012, tại hai công ty Trường Vinh và Smart Elegant (đóng tại quận 12, TP.Hồ Chí Minh) cũng xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm khiến 183 công nhân phải nhập viện trong tình trạng bụng đau dữ dội, kèm theo đó là triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy. “Thủ phạm” gây ngộ độc được xác định là 1.131 suất cơm hộp do Công ty TNHH Tú Anh (đường D2, Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) cung cấp cho các công nhân của hai công ty này. Ngay sau khi vụ ngộ độc xảy ra, lực lượng chức năng ngành Y tế của TP.Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra hiện trạng kinh doanh thực phẩm tại công ty Tú Anh và phát hiện toàn bộ công nghệ chế biến thực phẩm (cơm hộp) của công ty này (từ dụng cụ, trang thiết bị nấu nướng đến cơ sở vật chất) đều không đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong năm 2013 cũng ghi nhận nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Tiêu biểu nhất là vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong một đám cưới của gia đình ông Nguyễn Đăng Tiến, tại thôn Thủy Bạn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, Quảng Trị vào ngày 22/5/2013 khiến 22 người trúng độc, trong đó 15 người phải nhập viện cấp cứu. Trước đó, ngày 29/4, tại thôn Lùng Vái, xã Cán Tỷ, huyện Quảng Bạ, Hà Giang cũng xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm khiến 7 thành viên trong một gia đình người Mông bị trúng độc, 4 người trong số đó đã tử vong. Nguyên nhân vụ ngộ độc được xác định là do ăn bánh trôi ngô để lâu ngày.
Bắt không hết ?!
Trong những năm gần đây, lực lượng chức năng ngành Y tế, Công an, Quản lý thị trường liên tiếp phát hiện và bắt giữ những vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm thiu thối, không rõ nguồn gốc, tịch thu và thiêu hủy hàng trăm tấn thực phẩm độc hại. Tại Hà Nội, ngày 22/05/2013, Đội cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) phối hợp trạm thú y Biên Hòa kiểm tra xe container mang biển số 51C-219.92 do tài xế Nguyễn Xuân Vượng (31 tuổi, quê Thái Bình) đang chở 30 thùng xốp chứa khoảng 1,6 tấn nội tạng động vật. Tất cả số nội tạng đã rỉ nước, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Lực lượng chức năng đã buộc phải lập biên bản tịch thu và tiêu hủy tại chỗ lô nội tạng bẩn này.
Tại Hà Nội, ngày 10/04/2013, Đội CSĐT tội phạm về quản lý trật tự Kinh tế và Chức vụ thuộc Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã kiểm tra, phát hiện chiếc taxi BKS 30L-8548 do tài xế Lê An Ninh (35 tuổi, ngụ xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) điều khiển chở theo 5 thùng hàng (hơn 1 tạ) nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, đã bốc mùi hôi thối lưu thông trên đường 70 thuộc địa bàn quận Hà Đông. Toàn bộ lô hàng trên đều không có giấy tờ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và vệ sinh an toàn thực phẩm. Lái xe khai nhận vừa nhận lô hàng từ sân bay Nội Bài và đang trên đường chở về cho một chủ nhà hàng ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông.
Gần đây nhất, tối 19/6/2013, cán bộ trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức (TP.HCM) phối hợp với Đội CSGT Rạch Chiếc, Công an P.Đông Hòa (TX Dĩ An, Bình Dương) truy bắt xe khách biển số Thái Bình do tài xế Vũ Ngọc Thế (38 tuổi, ngụ Tiền Hải, Thái Bình) điều khiển đang vận chuyển 7 thùng xốp đựng thịt và nầm lợn thối từ Thái Bình vào TP.HCM tiêu thụ. Khi bị phát hiện, lái xe đã tìm cách bỏ trốn và phi tang số thực phẩm trên nhưng không thành công.
Khó xử lý
Luật sư Nguyễn Đông Khánh, Trưởng Văn phòng Luật sư Việt Quốc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Tại Điều 244 BLHS quy định Tội vi phạm quy định về ATVSTP thì người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Tuy nhiên, theo Luật sư Khánh, nếu chiếu theo đúng quy định này thì rất khó chứng minh được hành vi phạm tội để đem ra xử lý. “Trong luật quy định mức độ vi phạm cấu thành tội phạm là “xâm phạm nghiêm trọng sức khỏe cho người tiêu dùng” nghe rất chung chung, rất khó để xác định một cách cụ thể. Mặt khác, chủ thể của tội phạm là cá nhân nên trong trường hợp tổ chức vi phạm thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự người đứng đầu tổ chức hay một cá nhân khác lại chưa được quy định cụ thể”, luật sư Khánh phân tích. Đây chính là nguyên nhân trong những năm qua chưa từng ghi nhận bất cứ vụ ngộ độc thực phẩm nào được đưa ra khởi tố hình sự, bất chấp việc số vụ ngộ độc và số người chết vì ngộ độc thực phẩm vẫn không ngừng gia tăng.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm ( Bộ Y tế) thừa nhận, dù các cơ quan chức năng rất nỗ lực kiểm soát và xử lý tình trạng buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ thực phẩm bẩn trên thị trường nhưng để loại trừ hoàn toàn loại hàng hóa độc hại này ra khỏi đời sống xã hội là bài toán cực kỳ nan giải. “Nhiều người có thói quen phó mặc cho “đạo đức” và “tín nhiệm” của người bán. Cũng có một số biết rõ là bẩn nhưng vì tham rẻ nên vẫn mua. Đây chính là một trong những lý do giúp thực phẩm bẩnvẫn có tồn tại”, ông Phong nói.
Chỉ riêng trong tháng 5/2013 đã xảy ra 20 vụ ngộ độc Theo thống kê của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế) thì chỉ tính riêng trong tháng 5/2013, trên cả nước đã xảy ra 20 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 373 người mắc, 369 người nhập viện và 11 trường hợp tử vong. Tính từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 15 vụ với hơn 1.350 người bị ngộ độc thực phẩm. Trong đó, có đến 85% số vụ ngộ độc xuất phát từ tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) từ nơi cung cấp dịch vụ. Đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể, cơ sở nấu ăn sẵn Phân tích các vụ ngộ độc cho thấy, phần lớn các vụ xảy ra tại gia đình (55,4%) và bếp ăn tập thể (16,9%). Nguyên nhân gây ngộ độc chính là vi sinh vật chiếm 50,8%, độc tố tự nhiên 27,7%, hóa chất 6,2%. Trong 15 ca tử vong thì nguyên nhân do ngộ độc rượu chiếm 26,7%, nấm độc 20%, sử dụng thịt cóc 13,3%. Thủ phạm chính gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu là do vi sinh vật, độc tố tự nhiên, hóa chất... |
Theo Hòa Thắng (Dân tin)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn