Ông Võ Xuân Vinh (xã Kỳ Thư) thu dọn những xác tôm thẻ chân trắng bị bệnh dịch chết hàng loạt tại hồ nuôi tôm. |
“Khóc” tôm
Một ngày cuối tháng 6-2013, vượt hơn 50km theo tuyến QL1A dưới trời nắng khô khốc của vùng Bắc miền Trung, tôi tìm về huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Địa phương hiện đang “dẫn đầu” cả tổng diện tích và số lượng tôm giống bị chết vì dịch bệnh lớn nhất tỉnh. Đặt chân vào trụ sở UBND xã Kỳ Thư, vừa nêu vấn đề muốn tìm hiểu dịch tôm, nhiều cán bộ và người dân đến làm việc ở đây đều thở dài, lắc đầu ngán ngẩm, “có chi mô nựa chú ơi, rứa là mùa này dịch đốm trắng ăn hết cả tôm mất rồi, phía trước nợ lại chồng thêm nợ…”.
UBND xã Kỳ Thư cho biết, vụ mùa 2013, toàn xã có 58ha nuôi trồng thủy sản, trong đó 48 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng. Dịch bệnh đốm trắng xuất hiện 2 tuần qua và đến thời điểm hiện tại đã có 27,5ha với hơn 7 triệu con tôm giống nhiễm dịch, chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Trong đó, riêng hộ anh Nguyễn Văn Tám, ở xóm 2 có 3 trên 4ha nuôi tôm thẻ chân trắng với 70 vạn con tôm giống bị nhiễm dịch chết, thiệt hại từ 200 - 300 triệu đồng…
Ngồi lặng nhìn các hồ tôm của mình cạnh tuyến QL1A, đang bị dịch “gặm nhấm”, anh Nguyễn Ngọc Mưu (38 tuổi, ngụ ở xóm 7, xã Kỳ Thư) thẫn thờ nói, bỏ bao nhiêu công sức, tiền của, thời gian vào giống tôm thẻ chân trắng này, vậy mà đùng một cái dịch bệnh xuất hiện khiến tôm chết nổi trắng cả lòng hồ, xót lắm. Năm nay tôi nuôi 2,3ha, đến thời điểm này hơn 1,3ha tôm giống 33 ngày tuổi chết hết rồi. Nếu tính cả tiền đầu tư giống, làm ao hồ, thức ăn, thuê nhân công, máy móc trang thiết bị… sơ sơ cũng bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Theo ông Võ Xuân Vinh (58 tuổi, ở xóm 6, xã Kỳ Thư) cho biết, hầu hết các hộ dân nuôi tôm ở xã Kỳ Thư trước và trong vụ mùa này đã gom góp, vay vốn ngân hàng về đầu tư làm ao hồ, mua con giống, thức ăn… rất tốn kém. Nhưng khi dịch bệnh đốm trắng xuất hiện khiến tôm chết sạch thiệt hại nặng nề, nợ vay ngân hàng chồng chất thêm.
Rời xã Kỳ Thư, chúng tôi cũng đã tìm đến một số vùng nuôi tôm ở xã Kỳ Khang, Kỳ Ninh, Kỳ Thọ, Kỳ Hải, Kỳ Hà (thuộc huyện Kỳ Anh), xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà), xã Xuân Trường, Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân), xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên)… Tại những địa phương này dịch bệnh đốm trắng cũng đang hoành hành, khiến hàng triệu con tôm giống thẻ chân trắng chết hàng loạt.
Do vệ sinh, tiêu độc chưa tốt
Theo Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh, dịch bệnh đốm trắng trên tôm xuất hiện đầu tiên tại ao nuôi của hộ Lê Thị Hạnh (ở vùng Đồng Khẩu, xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh) trên diện tích 0,4ha với 6 vạn con, cỡ giống 2-3cm, sau đó bùng phát, lan rộng. Tính đến thời điểm này tổng diện tích nuôi tôm xuân hè 2013 của tỉnh Hà Tĩnh là 2.050ha với lượng giống thả 380 triệu con. Trong đó, diện tích bị bệnh dịch 89,76ha, số giống thiệt hại 18,22 triệu con, của 74 hộ, 22 vùng nuôi tại 10 xã, thuộc 4 huyện Kỳ Anh, Lộc Hà, Nghi Xuân và Cẩm Xuyên. Tỉnh cũng đã cấp 4.450kg hóa chất về cho các địa phương để triển khai dập dịch. Tuy nhiên, hiện tại nguồn hóa chất Chlorine tại kho dự trữ đã hết, nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan ra trên diện rộng là rất cao và càng phức tạp.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, bà Đặng Thị Thu Hoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nguyên nhân xuất hiện, bùng phát dịch đốm trắng trên tôm là do cơ sở hạ tầng không đảm bảo, công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực nuôi, xử lý nguồn nước cấp và quản lý các yếu tố môi trường chưa tốt, chưa thực hiện các biện pháp kiểm soát các vật chủ trung gian như, tôm rảo, cua, còng… mang mầm bệnh. Phần lớn người dân sử dụng tôm giá rẻ, trôi nổi, chất lượng thấp, trong khi điều kiện thời tiết nắng nóng xen lẫn những đợt mưa lũ đã gây sốc cho tôm…
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản khẩn cấp đề nghị Bộ NN-PTNT, Cục Thú y cấp hỗ trợ cho tỉnh 40 tấn hóa chất Chlorine từ nguồn dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin phúc đáp.
Theo Dương Quang (SGGP)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn