Hơn 100 triệu giao dịch điện tử đã diễn ra tại Trung Quốc trong Ngày độc thân. Ảnh: The Economist |
Thương mại điện tử là một điểm sáng ít ỏi trong nền kinh tế Trung Quốc năm qua, theo Zeng Ming, Giám đốc Chiến lược Alibaba. Tổng giá trị giao dịch điện tử trên các trang của Alibaba đạt 1.000 tỷ NDT (159 tỷ USD) trong năm 2012, lớn hơn của cả Amazon và eBay gộp lại.
Số liệu công bố này được cho là có cơ sở. Minh chứng cho điều này là ngày Chủ nhật độc thân. Ra đời vài năm trước từ ý tưởng của một số sinh viên và nhanh chóng được các nhà tiếp thị điện tử tận dụng, đây là lễ hội cho những người độc thân, diễn ra vào ngày 11 tháng 11 (1 được xem là con số lẻ loi nhất). Gần tương tự như lễ Valentine nhưng ở mức độ hoang phí hơn, những người độc thân mua hàng núi quà tặng, trang sức và đồ ngọt để tặng nhau.
Năm 2012, nhóm khách hàng này đã chi con số đáng nể 19 tỷ nhân dân tệ trên các trang của Alibaba, tăng gấp bốn so với năm trước đó và gấp đôi giá trị mà người Mỹ mua sắm online vào ngày Siêu thứ Hai (thứ Hai đầu tiên sau lễ Tạ Ơn, các nhà bán lẻ vận động người Mỹ mua hàng online). Hơn 100 triệu giao dịch được ghi nhận, chiếm 80% đơn hàng vận chuyển trong ngày. Các nhà chuyển phát ngập chìm trong bưu kiện.
Vậy ngành bán lẻ online Trung Quốc đang ăn nên làm ra? Sự thật ngược lại. Số lượng nhà tiếp thị điện tử đang gia tăng và kinh doanh online nở rộ. Người tiêu dùng tận hưởng mức giá thấp hơn cùng dịch vụ và chủng loại hàng tốt hơn. Elinor Leung từ Công ty môi giới CLSA cho rằng vấn đề ở chỗ áp lực lợi nhuận ở Trung Quốc nặng nề hơn ở Mỹ rất nhiều, và vì vậy gần như chẳng ai thu lời được.
Cuộc cạnh tranh căng thẳng nhất diễn ra giữa những nhà bán lẻ online và đối thủ offline truyền thống. Các công ty online như Dangdang (hoạt động tương tự Amazon) và 360Buy đã tiến hành giảm giá không thương tiếc. Tencent, một người khổng lồ giàu tiền mặt và nổi tiếng với phần mềm gửi tin nhắn đang chi mạnh tay để chiếm lĩnh thị phần. Tương tự, 360Buy cũng vừa huy động 400 triệu USD từ cổ đông. Điều đáng quan tâm là những công ty này sẽ còn xoay sở dựa vào vốn trong bao lâu.
Thống kê thị trường thương mại điện tử Trung Quốc. Ảnh: The Economist |
Điều này đặc biệt quan trọng khi mà các nhà bán lẻ truyền thống bắt đầu phản kháng. Walmart đã tăng cổ phần trong Yihaodian, một công ty bán lẻ địa phương. Jeff Walters của BCG, một đơn vị tư vấn cho rằng trong điều kiện thuận lợi, Walmart cũng chỉ có thể mở 40 – 50 cửa hàng trong một năm, một con số rất khiêm tốn đối với thị trường Trung Quốc. Đó là lý do vì sao thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng đến vậy với họ. Thêm nhiều đối thủ phương Tây đã nhảy vào Trung Quốc với những chiến lược tầm cỡ, bao gồm gần đây nhất là Best Buy (chuỗi cửa hàng điện máy) hay Home Depot (cửa hàng đồ tự lắp ráp).
Suning and Gome, một thương hiệu bán lẻ điện máy cao cấp của Trung Quốc đang đa dạng hoá các sản phẩm bán online. Alan Lau từ công ty tư vấn McKinsey & Co cho biết công ty trên cũng đang gây sức ép với các nhà sản xuất để họ dừng chiết khấu hậu hĩnh cho những nhà kinh doanh online. Ông này ước tính vào năm 2011, sản phẩm như máy tính và điện thoại rẻ hơn 12% trên các kênh online, nhưng trong năm 2012, tỷ lệ này chỉ là 7%. Khoảng cách nhỏ hơn đồng nghĩa lợi nhuận cho các bên cũng mỏng dần.
Ngoại lệ lớn nhất là Alibaba, vốn chịu trách nhiệm gần 3/4 giao dịch điện tử ở Trung Quốc. Mô hình bán hàng đến người tiêu dùng Taobao và đến doanh nghiệp Tmall của công ty này kết nối người bán và người mua, giúp công ty không mất chi phí hậu cần và lưu kho. Bản thân công ty không sản xuất sản phẩm nào. (Công ty này bất bình với việc các cơ quan Mỹ xem đây như một thị trường hàng nhái tai tiếng). Lợi nhuận thu về chủ yếu từ quảng cáo chứ không phải phí thành viên, một mô hình hiệu quả nhờ vị trí thống lĩnh của Alibaba.
Doanh nghiệp này không bình luận về tình hình tài chính, nhưng Yahoo sở hữu cổ phần (hiện đang giảm dần) tại đây. Yahoo hé lộ doanh thu của Alibaba tăng gấp đôi qua mỗi năm. Đến tháng 6/2012, doanh thu ba quý liên tiếp đạt 2,9 tỷ USD và lợi nhuận đã tăng gấp ba, đạt 730 triệu USD.
Tương lai của Alibaba đầy hứa hẹn. Tại Trung Quốc, thương mại điện tử đã đạt gần 5% tổng doanh thu bán lẻ, con số gần tương đương với Mỹ. Nhưng theo Alibaba, triển vọng thị trường còn lớn hơn nữa. Ở Mỹ, các nhà bán lẻ truyền thống hoạt động năng suất và có mặt khắp nơi. Nhưng ở Trung Quốc, họ chủ yếu kinh doanh nhỏ nhặt, kém hiệu quả và ít xuất hiện ngoài đô thị lớn. Các công ty bán lẻ online vì vậy có thể vượt mặt họ.
Ông Zeng cũng cho hay còn một số lượng lớn người Trung Quốc chưa tham gia mua hàng online. Ngay khi họ bắt đầu, Alibaba sẽ theo dõi, ghi nhận và phân tích thói quen mua sắm của họ. Công ty đã vạch ra chiến lược “cơ sở dữ liệu lớn”, với hy vọng trợ giúp người bán khai thác thông tin khách hàng nhanh chóng, cũng như chia sẻ kinh nghiệm của nhau. Điều này sẽ cho phép họ đẩy nhanh vòng đời sản phẩm.
Tham vọng to lớn của công ty này là biến những mô hình thời thượng như “tiếp thị cá thể hoá theo số đông” hay “sáng tạo bởi người tiêu dùng” thành hiện thực ở Trung Quốc. Zeng khẳng định toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ tham gia thương mại điện tử; đây không còn chỉ là một công cụ, mà là trái tim của cả nền kinh tế.
Theo The Economist
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn