Hy hữu: Vay 1,6 tỷ, chi "quà đáo hạn" nhà băng gần 5 tỷ

Thứ sáu - 09/06/2017 12:55
Chỉ với một tờ giấy ghi nợ đơn giản, chủ một doanh nghiệp đã bị người khác khởi kiện đòi trả tiền. Xoay quanh vụ án hy hữu này, xuất hiện nhiều dấu hiệu pháp lý bất thường.
Khoản nợ “trên trời” rơi xuống.

Ông Ngô Quang Sơn (Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu, Nghệ An) có gửi đơn kêu cứu gửi đến báo điện tử Người đưa tin vì cho rằng ông bị người khác giả mạo giấy tờ, vu khống cho khoản vay mà tính cả gốc lẫn lãi lên đến gần 7 tỷ đồng.

Theo trình bày của ông Sơn, ông Sơn với ông B. D. Năm (Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu, Nghệ An) có hợp tác mở công ty trong lĩnh vực xây dựng từ năm 2008 đến cuối năm 2011 thì kết thúc vì ông Năm có khó khăn về kinh tế. Quá trình làm ăn kinh doanh phía công ty có vay của một Ngân hàng số tiền 1,6 tỷ đồng.

Hết thời hạn vay nhưng công ty vẫn muốn vay tiếp nên đã thống nhất làm thủ tục đáo hạn ngân hàng. Cũng theo ông Sơn để đáo hạn ngân hàng phía công ty ông có chi số tiền quà đáo hạn ngân hàng là 9.000.000 đồng. Tuy nhiên trong số tiền vay ngân hàng có bao gồm cả phần vay dành cho cá nhân ông Sơn sử dụng nên chia ra công ty chịu 4.035.000 đồng đã được vào phiếu chi công ty ngày 20/8/2011, còn của ông Sơn chịu 4.965.000 đồng. Các khoản này đã được ghi cụ thể tại hệ thống chứng từ ghi sổ của công ty mà ông Năm cũng được giữ 01 bộ gốc để theo dõi. Và sau đó các khoản nợ ông Sơn đã trả cho ông Năm hết.

Ông Ngô Quang Sơn trình bày vụ việc với phóng viên.

Tuy nhiên, “không biết bằng cách nào ông Năm đã sửa số tiền “quà đáo hạn” từ con số 4.965.000 đồng thành 4.965.000.000 đồng”, ông Sơn cho biết thêm.

Về tờ giấy ông B.D. Năm đưa ra khởi kiện, ông Sơn cho biết đó là tờ giấy nháp trong tập giấy nháp để ghi công việc thu chi hàng ngày của cá nhân và công ty, tờ giấy đề ngày 20/08. Nó không phải giấy vay nợ giữa hai người và tờ giấy đó không có giá trị về việc vay mượn vì không có chữ ký của ông Năm và cũng không phải giấy tổng nợ như ông Năm trình bày.

Ông Sơn lý giải: “Vì giấy vay nợ phải có nội dung rõ ràng vì nếu thực hiện một giao dịch gần 5 tỷ đồng thì ông Năm không dại gì mà chấp nhận cầm một tờ giấy mà nội dung chỉ có mấy chữ đó, trong khi vợ ông Năm là thủ quỹ của công ty lại không yêu cầu gì về hình thức giấy vay.

Tờ giấy ông Năm đưa ra kiện tôi vay tiền ông năm là hoàn toàn không có cơ sở, vì là tờ giấy nháp nên các con số và nội dung tôi đều thể hiện rất sơ sài vì vậy mà đã tạo kẽ hở cho ông Năm lợi dụng dựng chuyện vu khống cho tôi”

Chi quà gần 5 tỷ để đáo hạn khoản vay 1,6 tỷ đồng?

Phóng viên báo Nguoiduatin.vn sau khi nhận được đơn thư phản ánh của ông Ngô Quang Sơn đã vào cuộc xác minh vụ việc. Từ những chứng cứ và tài liệu ban đầu có thể thấy đây là một vụ án có nhiều dấu hiệu bất thường.

Đầu tiên, Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An thụ lý vụ án dựa trên một tờ giấy ghi nhận nợ chỉ có vỏn vẹn mấy dòng, trong đó có khoản nợ ghi là “Sơn nợ chú năm Quà đáo hạn…4.965.000.000 đồng.”

Giấy ghi nợ chỉ ghi vỏn vẹn vài từ và ghi rất rõ số tiền quà đáo hạn "bất thường"

Qua xác minh được biết số tiền doanh nghiệp của anh Sơn vay của ngân hàng là 1,6 tỷ đồng, tại ngân hàng Công Thương và để đáo hạn vay này công ty đã chi một chút quà. Tuy nhiên, một điều vô cùng phi lý là một khoản vay chỉ có 1,6 tỷ đồng thì không thể chi một suất quà lên đến gần 5 tỷ để tiếp tục vay một khoản vay như thế. Bởi lẽ nếu có số tiền đó người ta cũng không cần phải vay nữa.

Theo lý giải của anh Sơn thì có ai đó đã chỉnh sửa lại con số và thêm ba số 0 ở đằng sau. Chứ thực tế khoản quà đáo hạn ngân hàng mà ông Sơn nợ ông Năm chỉ là 4.965.000 đồng. Trình bày của anh Sơn cũng phù hợp với những chứng cứ là giấy tờ phiếu chi, thu của công ty do kế toán lập.

Mâu thuẫn trong lời khai tại Tòa án

Dấu hiệu bất thường thứ hai trong vụ án này chính là những lời khai có dấu hiệu mâu thuẫn và vô lý từ phía nguyên đơn, người khởi kiện. Bởi lẽ theo bản tự khai tại Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An ngày 02/4/2013 ông Năm có khai là: Ông Năm có mượn của người khác để cho ông Sơn vay mượn nhiều lần từ năm 2008 đến 8/2011, mỗi lần vay có giấy viết tay của ông Sơn viết. Đến ngày 20/8/2008 hai bên thống nhất ghi nợ bằng một giấy viết tay, tuy nhiên sau đó thống nhất bằng một văn bản đánh máy và ông Năm giao toàn bộ giấy tờ vay gốc cho ông Sơn, còn ông Năm giữ giấy ghi nhận nợ.

Xét về mặt logic thì có thể thấy giấy viết tay ghi “quà đáo hạn” ngân hàng thế nhưng thực tế phía nguyên đơn lại khai là từ 2008 đến 8/2011 có nhiều lần vay và tổng nợ thành giấy viết tay. Như vậy về mặt bản chất hai khoản vay nợ này là hoàn toàn không thống nhất.

Mặt khác, nếu từ năm 2008 đến tháng 8/2011 ông Năm cho ông Sơn vay làm nhiều lần và mỗi lần đều có giấy viết tay. Tại sao ông Năm lại không xuất trình được một giấy vay tiền nào mà do ông Sơn viết kể cả đó là giấy vay nợ bản sao. Không lẽ cho vay một số tiền lớn và nhiều lần như vậy ông Năm lại không lưu giữ ra bản riêng nào?

Một điểm rất đáng lưu ý nữa là ông Năm khai tại Tòa là: “Ông Sơn trả lãi suất cho tôi theo mức lãi suất của người cho vay theo từng thời kỳ”. Như vậy, chắc chắn nếu có thực nhiều khoản vay từ năm 2008 đến 8/2011 thì sẽ có nhiều mức lãi suất khác nhau. Vậy tạo sao văn bản ghi nhận tổng nợ ngày 20/8/2011 chỉ ghi vỏn vẹn mấy dòng “số tiền này sẽ được tính lãi suất theo từng thời điểm thỏa thuận của người cho vay” mà lại không ghi rõ tính lãi suất như thế nào, trong khi ông Sơn không hề biết từng thời điểm vay, ông Năm Thỏa thuận với người cho vay (cho ông Năm vay) là như thế nào? Nếu không biết thì làm sao có thể trả lãi cho ông Năm đây?

Thực tế, trước khi ông Năm khởi kiện ông Sơn ra Tòa, giữa ông Năm và ông Sơn cũng từng có những mâu thuẫn tại địa phương. Và mâu thuẫn này đã phải nhờ công an vào cuộc can thiệp giải quyết. Tuy nhiên thời điểm này ông Năm không hề đả động gì đến khoản vay hơn 5 tỷ (nếu có) của ông Sơn mà chỉ đặt vấn đề chia quyền lợi của công ty. Đây cũng là điểm bất hợp lý với một người đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn và nếu có khoản nợ cá nhân có thể đòi để giải quyết khó khăn đó.

Từ những điều trên, sau khi được biết đến vụ án này, không ít người đặt dấu hỏi về việc có hay không khoản nợ mà ông Năm đã nêu? Hay đây chỉ là hành vi giả mạo giấy tờ, vu khống cho người khác?

Vì thực tế đây là số tiền không hề nhỏ, việc khởi kiện có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế bình thường của một doanh nghiệp cũng như cá nhân ông Sơn. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng, cơ quan công an cũng như Tòa án nhân nhân huyện Quỳnh Lưu Nghệ An cần phải làm rõ những nghi vấn trên để tránh “hàm oan” người vô tội, gây hoang mang cho nhiều người về những rắc rối pháp lý từ những văn bản dạng “ghi nợ” đơn giản như thế này.

Luật gia Nguyễn Hữu Thực, chi hội luật gia Đông Đô chia sẻ với phóng viên báo Nguoiduatin.vn: “Trường hợp nếu người khởi kiện cố tình giả mạo chứng cứ, giấy tờ để khởi kiện đòi tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu Khống và có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm theo khoản 1, Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009”.

  Theo Băng Tâm - Nhật Quang nguoiduatin.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây