Mới đây, trong tọa đàm lịch sử về Hoàng hậu Bạch Ngọc, GS Phan Huy Lê đã khẳng định, tuy những cứ liệu lịch sử về nhân vật Hoàng hậu Bạch Ngọc từ trước đến nay chỉ bằng con đường truyền miệng trong dân gian nhưng nhân vật này là có thật và những kiến thức các nhà sử học đã dày công nghiên cứu và công bố tại buổi tọa đàm này là cứ liệu lịch sử tin cậy để tiếp tục nghiên cứu các di tích về Hoàng hậu Bạch Ngọc, nhằm tôn vinh công lao của bà đối với dân tộc, với quê hương Hà Tĩnh.
Hoàng hậu Bạch Ngọc tên thật là Trần Thị Ngọc Hào là thôn nữ ở làng Tri Bản, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Thời con gái, bà là người nổi tiếng nết na xinh đẹp, có tài đối đáp. Trong một lần du sơn phía Nam huyện Hương Khê, Vua Trần Duệ Tông đã vô tình gặp rồi cảm mến và đưa cô gái tài sắc vẹn toàn này về cung. Sau đó nhờ công, dung và tài trí khác người của mình bà được nhà vua vô cùng sủng ái rồi phong cho làm Hoàng Hậu, đặt hiệu là Bạch Ngọc. Trong quá trình đó, bà cũng đã giúp vua Trần Duệ Tông rất nhiều việc lớn.
Chùa Am "thi gan cùng tuế nguyệt" |
Năm 1377, trong một lần đem quân chinh phạt Chiêm Thành, nhà vua không may tử trận tại thành Đồ Bàn, thừa cơ, Hồ Quý Ly đã cướp ngôi, đất nước lâm vào biến loạn. Lợi dụng điều đó, nhà Minh nhiều lần sang điều đình với bà mượn tiếng giúp nhà Trần đánh nhà Hồ để kéo quân sang chiếm nước ta nhưng bà cảnh tỉnh không chịu khuất phục, bà đã đưa con gái cùng hơn 572 người giả cách ăn mặc người tu hành để trốn bỏ kinh thành về quê hương, sau 50 ngày vất vả, không quản đường xá xa xôi bà mới về đến quê nhà. Bà quyết định dừng chân, dựng trại trên núi Vua (tên núi do nhân dân đặt về sau để tỏ lòng ghi ơn bà), một vùng thâm sơn cùng cốc thuộc dãy Trà sơn. Tại đây bà và tùy tùng chiêu mộ được gần 3.000 người nghèo khổ rồi cùng họ tiến hành công cuộc phá núi, san đồi, khai hoang, mở đất. Khai hoang đến đâu, bà cho lập làng đến đó. Kết quả có 45 xã thôn, trang ấp được thiết lập trên địa bàn 6 tổng của 4 huyện Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn, Can Lộc (Hà Tĩnh) với 3.965 mẫu ruộng cùng nhiều kho lẫm dự trữ lương thực.
Năm Ất Tỵ (1425), khi nghĩa quân Lam Sơn từ Nghệ An tiến vào vùng đất này, biết bà đang khai hoang ở đây, Lê Lợi đã cho vời bà theo nghi lễ của một bà hoàng. Sau lần gặp gỡ ấy, bà xin hiến lương thực, thực phẩm đã dự trữ bấy lâu cùng nhiều ruộng đất vào công cuộc kháng chiến chống quân Minh và gả công chúa Huy Chân cho Bình Định vương. Sau khi Lê Lợi đánh thắng giặc Minh, bà xin nhà vua lập chùa Diên Quang (chùa Am) và chùa Tiên Lữ ở xã Đức Lập rồi xuất gia về tu hành tại chùa Am, ngày ngày tụng kinh niệm Phật cầu cho Quốc thái dân an, cầu cho vong linh các quân sỹ đã hy sinh cho đất nước được siêu thoát. Bà mất ngày 22 tháng 6 (không rõ năm) niên hiệu Hồng Đức.
Thể theo nguyện vọng của bà lúc sống, vua Lê Thánh Tông giao các tướng sĩ đưa thi hài của bà về an táng tại quê nhà. Nhưng không hiểu sao trên đường về thuyền bị gió bão và nước lũ cuốn trôi, thi thể Hoàng hậu dạt vào vùng đất hai thôn Yên Mỹ, Yên Phú (nay thuộc xã Liên Minh, Đức Thọ). Nhân dân trong vùng ghi nhớ công ơn đã an táng và lập miếu thờ Hoàng hậu tại đó, rồi xây cất thành ngôi đền Liên Minh như ngày nay. Tưởng nhớ bà, nhân dân trong vùng thường hương khói phụng thờ hàng ngày. Các đời vua Lê thấy công đức lớn lao của bà cũng đã cho tạc tượng bằng đồng thờ tại chùa Am, tưởng nhớ công ơn của và nhân dân khắp vùng thường đến đây thắp hương, đi lễ. Ngoài ra bà còn được nhân dân kính ngưỡng thờ ở nhiều nơi ở Đức Thọ, Hương Sơn…
600 năm đã trôi qua nhưng những câu chuyện xung quanh cuộc đời Hoàng hậu Bạch Ngọc vẫn luôn là niềm tự hào của nhân dân Hà Tĩnh. Dẫu lúc thăng lúc trầm nhưng những gì bà đã làm cho dân cho nước, mãi mãi được thế hệ sau khắc cốt ghi tâm. Và dường như anh linh của bà đã phù hộ cho chùa Am trường tồn cùng sương gió thời gian, vững chãi đi qua sự tàn phá của chiến tranh…
Phong Linh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn