Lạc mất mùa còn... mất giá
Từ lâu, cây lạc vốn là cây hoa màu chủ đạo mang lại kinh tế cao cho người nông dân miền Trung, nhất là khu vực Hà Tĩnh. Những năm trước vào mùa thu hoạch tại các huyện như: Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân... người nông dân vui mừng, hối hả trên đồng ruộng để thu hoạch cho kịp thương lái thu mua. Hàng trăm tấn lạc được bán với giá dao động từ 23.000 - 25.000 đồng/1kg, thương lái cho xe đến từng thôn xóm, vào từng hộ thu mua thì nay, lạc đã thu hoạch gần 1 tháng vẫn không thấy bóng thương lái.
Năm nay, bước vào vụ gieo trỉa lạc, người dân đã điêu đứng vì hàng ngàn hecta lạc nảy mầm kém do nguồn giống không đảm bảo, người dân phải gieo trỉa lại mất một khoản lớn chi phí mua giống, nay đến mùa thu hoạch bà con lại “khóc ròng” vì phải đối mặt với cảnh năng suất thấp, giá lạc lại giảm sâu.
Theo ghi nhận của phóng viên, năm 2017, toàn huyện Nghi Xuân gieo trỉa 2.120 ha lạc giống, huyện Lộc Hà gieo trỉa hơn 1.247 ha. Tiếp tục khai thác thế mạnh của vùng, nhiều xã đã trích kinh phí hỗ trợ tiền giống và quy trình kỹ thuật cho người dân nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, năm nay sản lượng thu hoạch của lạc kém hơn các năm trước. Nông dân thu hoạch xong nhưng một điều lạ là không thấy thương lái thu mua tấp nập như các năm trước.
Chị Lê Thị Thu (xóm Hồng Lạc, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà) cho biết: “Năm ngoái, nhà tôi thu hoạch 5 sào lạc được 1 tấn với giá 25.000đ/kg, năm nay lạc mất mùa, chỉ thu hoạch được hơn 6 tạ. Lạc năng suất thấp đã đành nhưng không hiểu sao năm nay thương lái không thu mua, nghe thông tin có chỗ họ mua với giá 15.000 đ/kg nhưng cũng không thấy ai đến đây mua bán gì cả.”
Sản lượng lạc năm nay giảm hơn 20% so với năm trước.
Anh Phan Huy Hựu (xóm An Lộc, xã Thạch Châu) lo lắng: “Năm nay tôi làm hơn 1,5 mẫu, đầu mùa bán được 2 tạ với giá 18.000 đ/kg, đến nay còn hơn 8 tạ nữa không thấy ai hỏi mua. Lạc này càng phơi càng nhẹ, nếu bây giờ thương lái mua với giá 15.000 đồng/kg thì mùa này gia đình tôi lỗ nặng”.
Ông Phan Văn Thông - Chủ tịch UBND xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà cho biết: “Xác định lạc là cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, vụ Xuân năm nay toàn xã đã gieo trỉa và cho thu hoạch 240 ha, trung bình mỗi sào đạt 1,3 đến 1,5 tạ. So với các năm năng suất giảm hơn 20%, hiện tại chưa có thị trường tiêu thụ nên nhu cầu mua không có, người dân thu hoạch rồi về chất đống ở nhà chưa có hướng tiêu thụ”.
Nông dân khốn đốn
Cây lạc là hoa màu chủ lực mang lại kinh tế cao, đến mùa thu hoạch bà con nông dân trông chờ giá lên để bán lấy tiền đóng thuế và các khoản thu, trả nợ tiền giống, phân bón vay từ đầu vụ. Tuy nhiên, với giá lạc rớt thê thảm, thương lái không ngó ngàng khiến người dân rơi vào cảnh khó khăn chồng chất.
Chị Nguyễn Thị Hoan (xóm 1, xã Thịnh Lộc) lo lắng: “Năm ngoái lạc được mùa giá lại cao, bắt đầu thu hoạch thương lái đã đến đặt cọc, năm nay thu hoạch xong cả tháng trời cũng không thấy ai đến mua. Bây giờ đã mất mùa, mất giá rồi, tôi chỉ mong có người hỏi mua để “bán tống, bán tháo” chứ ở đây lạc đưa ngoài đồng về để trong nhà bụi bặm, nóng bức lắm”.
Ông Nguyễn Công Trình – Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc ( huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho biết: “Xã Thịnh Lộc, vụ mùa Xuân Hè năm nay trồng 200ha lạc, tuy nhiên năm nay bà con gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiêu thụ, lạc xuống giá quá thấp, bán thì lỗ, không bán để phơi khô để đợi giá lên lại càng lỗ hơn vì lạc càng khô càng nhẹ”.
Vừa mất mùa vừa mất giá, nông dân không còn mặn mà với cây lạc.
Một điều lạ khó lý giải là bình thường mỗi năm thương lái tập trung về thu mua rất đông nhưng năm nay lại quá ảm đạm, nếu có mua thì giá cũng thấp, sức mua nhỏ lẻ và không mặn mà như các năm trước.
Ông Phan Văn Nhàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết: “Năm nay huyện Lộc Hà gieo trỉa hơn 1.247 ha, tuy nhiên sản lượng không được như những năm trước, đặc biệt có 81 hecta mất từ 30 - 70%. Lạc năm nay không chỉ mất mùa, mất giá mà vấn đề nan giải là thương lái không thu mua lạc như các năm trước, có những hộ năm ngoái làm nhiều thương lái họ đến đặt cọc trước, năm nay mời thương lái đến họ cũng không ngó ngàng”.
Điệp khúc mất mùa, mất giá nếu còn kéo dài thì bà con nông dân sẽ không còn mặn mà với các sản phẩm nông nghiệp, không chỉ riêng cây lạc. Muốn phát triển một cách lâu dài, bền vững để nông dân yên tâm sản xuất, cần lắm một thị trường tiêu thụ ổn định cho bà con nông dân.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn