Người dân bức xúc "ăn cơm cũng phải mắc màn" vì ruồi quá nhiều
Ăn cơm cũng phải … “mắc màn”
Theo phản ánh, phóng viên đã có mặt tại bãi rác huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), đứng cách chừng vài trăm mét thì đã cảm nhận được mùi hôi thối bốc ra và kèm theo hàng ngàn con ruồi nhặng bủa vây. Vậy mà, hàng trăm hộ dân nơi đây phải gồng mình gánh chịu hơn 10 năm qua, làm cho cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chỉ cách bãi rác khoảng hơn 100 mét là gia đình anh chị Hằng kinh doanh quán giải khát thuộc xóm 1, xã Đức Long tỏ ra bức xúc: “Bãi rác nằm ở đây đã nhiều năm khiến gia đình tôi sống dở chết dở, kinh doanh thua lỗ vì vắng khách, ngoài ra hàng ngày còn phải bỏ ra chi phí mua hàng chục keo dính và hộp xịt để đối phó với côn trùng. Không những thế, gia đình chị còn có bố mẹ già và con nhỏ, hàng ngày phải ngửi mùi hối thối bốc lên nồng nặc sợ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con nên nhiều lúc anh chị phải gửi con đến nơi khác…”
Cùng chung cảnh ngộ với gia đình chị Hằng, thì hàng trăm hộ dân xóm Đông Hòa, xã Đức Hòa cũng phải chịu sự hành hạ của bãi rác, trong đó có gia đình ông bà Nhỏ nằm sát ngay sau bãi rác cũng tỏ ra lo lắng: “Vợ chồng tôi già cả rồi nhưng hàng ngày cũng phải chịu mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ruồi muỗi nhiều đến nỗi ăn cơm cũng phải "mắc màn", những lúc có khách thì chúng tôi cũng phải dẫn ra thị trấn. Thậm chí du khách thập phương đến đây đi lễ chùa Am cũng phải mang theo cành cây để xua đuổi ruồi nhặng”.
Rác thải đổ tràn ra lề đường.
Dọc con đường đến nghĩa trang và chùa Am, rác thải vung vãi khắp nơi, đó cũng chính là điều kiện thuận lợi để ruồi, muỗi tập trung sinh sống, đây cũng chính là nguyên nhân gây ra các bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết…
Ông Phạm Đình Thức, chủ tịch UBND xã Đức Hòa cũng phải lên tiếng khi mà hàng ngày phải hứng chịu mùi hôi thối, khói bụi bay mù mịt từ hố rác bốc lên. Dù bãi rác chỉ nằm chiếm một phần rất nhỏ trong địa giới hành chính của xã nhưng xã chúng tôi bị ảnh hưởng từ nó nhiều nhất. Đã hơn mười năm nay, cứ đến các kỳ họp thì chính quyền, dân có ý kiến nhưng câu trả lời của các cơ quan chức năng là chưa có điều kiện giải quyết, liệu không biết đến khi nào dân chúng tôi mới hết khổ.
Chờ kinh phí… dân lại khổ
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Thạnh (Trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện Đức Thọ). Ông Thạnh cho hay: bãi rác hình thành năm 2002 với quy mô 3ha trên địa bàn xã Tùng Ảnh và một phần của xã Đức Long, giáp ranh xã Đức Hòa, sát bên trục đường vào chùa Am và nghĩa trang xã Đức Long.
Việc thu gom, tập kết và xử lý rác giao cho hợp tác xã môi trường thị trấn huyện Đức Thọ. Xử lý cũng chỉ theo phương pháp thủ công là chôn lấp và đốt. Đây chính là nơi tập kết rác của toàn huyện Đức Thọ.
Ông Thạnh nói thêm: “Việc tập kết rác và xử lý ở đây chỉ là tạm thời. Còn quy hoạch bãi rác chính là ở xã Đức An, hiện huyện đã trình xin hệ thống lò đốt rác xử lý, nhưng vì kinh phí nhiều nên đến thời điểm này mọi việc vẫn dẫm chân tại chỗ”. Nói như ông Thạnh thì chốn linh thiêng cũng như người dân nơi đây không biết khi nào mới thoát khỏi cảnh “tra tấn” từ bãi rác.
Người dân xung quanh bãi rác hàng ngày phải đối diện với "giặc ruồi".
Tình trạng là như vậy, thế mà hàng năm ngoài việc thu tiền rác của dân, mỗi năm huyện còn phải hỗ trợ từ 100 – 200 triệu đồng cho việc xử lý rác thải ở đây.
Theo tìm hiểu của PV, bãi rác đã được giao cho hợp tác xã môi trường thị trấn quản lý với 7 công nhân, tiền thu đối với các hộ nông dân 10.000đ/tháng thị trấn 12.000đ/tháng. Mỗi ngày, có tới trăm lượt xe ồ ạt tập kết. Rác chất thành núi trong khi đó không có một phương pháp xử lý rác nào hiệu quả. Ruồi, muỗi, côn trùng đua nhau tụ họp.
Anh Minh, một người dân sống gần khu vực bãi rác cho biết: Vào mùa nắng, mùi hôi thối không chịu nổi. Cửa đóng then cài thường xuyên. Trẻ con phải đưa đi gửi ở xa. Còn mùa mưa thì nước dâng lên cao, rác thải, xác động vật đang thời kỳ phân hủy trôi nổi khắp nơi… Tại khu vực lân cận bãi rác, xuất hiện nhiều người bị ho, viêm đường hô hấp và đã có một số mất vì bệnh tật. Người dân nghi ngại, những bệnh tật nói trên, “thủ phạm” là bãi rác.
Thiết nghĩ, các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng nên sớm vào cuộc để xử lý. Đảm bảo con đường vào chốn linh thiêng được trong lành, sạch sẽ, cuộc sống người dân sẽ được ổn định, tận hưởng cuộc sống yên bình. Hy vọng trong một thời gian ngắn nữa sẽ có công nghệ xử lý rác xây dựng ở nơi đây, giúp người dân ba xã của huyện Đức Thọ thoát được nỗi khổ phải gánh chịu hơn 10 năm nay.
Theo Văn Hảo - Thiên An Đời sống & Tiêu dùng
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn