Riêng tại Bình Định ngoài 7 người dân thiệt mạng còn có 10 người là thủy thủ trong các con tàu bị đắm trên biển.
Ngoài ra, hơn 120.000 ngôi nhà sập đổ, tốc mái, hư hỏng. Thêm vào đó, ngoài gần 10.000ha lúa ngập còn có 15.203ha rau màu thiệt hại, 25.957 lồng bè nuôi trồng thủy sản mất trắng. Có ít nhất 1.294 tàu thuyền của ngư dân bị chìm, hư hỏng.
Đến chiều ngày 8-11, quốc lộ 1A đã thông toàn tuyến, đường Hồ Chí Minh còn tắc 2 điểm tại Huế và Quảng Nam, quốc lộ 49B còn tắc đường tại Huế, quốc lộ 27C tắc tại Lâm Đồng. Đường sắt còn tắc tại một điểm ở Đèo Cả (phải tăng bo khách qua điểm sạt lở nhưng dự kiến trong ngày hôm nay sẽ thông được tuyến.
Ban chỉ đạo Trung ương cũng cho biết, hiện nay cơ bản các cửa hàng xăng dầu đã bán hàng trở lại bình thường, trừ sự cố 1/32 cửa hàng xăng tại Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Do bà con bị thiệt hại quá nặng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định hiện hành.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Thủ tướng quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 12. Trong đó về gạo là 3.400 tấn gạo (Quảng Trị 200 tấn, Thừa Thiên - Huế 500 tấn, Quảng Nam 500 tấn, Quảng Ngãi 500 tấn, Bình Định 500 tấn, Phú Yên 500 tấn, Khánh Hòa 500 tấn, Đắk Lắk 200 tấn).
Ban chỉ đạo trung ương tiếp tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời xuống các tổ chức tín dụng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay.
Đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo khôi phục toàn bộ hệ thống điện, đặc biệt là khu vực Khánh Hòa; điều hành nguồn hàng, cung cấp về các khu vực có biểu hiện tăng giá để ngăn chặn tình trạng lợi dụng tăng giá trục lợi, trong đó phối hợp với Bộ Xây dựng để kiểm soát giá vật liệu xây dựng.
Đề nghị Bộ TT-TT chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí truyền thông đầy đủ đến người dân, kiểm soát việc đưa tin, tránh tung tin không chính xác gây tình trạng hoang mang trong nhân dân; kiểm tra các đài cơ sở về việc đưa tin, thông tin đến người dân về tình hình thiên tai và hoạt động khắc phục hậu quả.
Đề nghị Bộ Y tế tổ chức đoàn xuống khu vực bị thiệt hại để chỉ đạo công tác phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh.
Đề nghị Bộ GTVT cử các đoàn kiểm tra, chỉ đạo việc khôi phục hệ thống giao thông, đặc biệt là quốc lộ, đường Hồ Chí Minh và đường sắt Bắc Nam.
Bộ LĐTB-XH khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu về gạo cứu đói, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các địa phương.
Bộ Quốc phòng huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất.
Bộ Công an kiểm soát an ninh trật tự, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng tụ tập đông người gây hoang mang.
Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT cân đối nguồn vốn trong đó có nguồn vốn ODA cho việc tái thiết sau thiên tai; hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ ứng phó khẩn cấp của các tổ chức quốc tế đảm bảo nhanh chóng, kịp thời. Bổ sung nguồn vốn cho dự án WB8 để nâng cấp 450 hồ chứa xung yếu tại 33 tỉnh, thành phố (dự án đã ký kết tháng 8-2016 với tổng vốn là 430 triệu USD, năm 2017 mới bố trí được 1 triệu USD); đẩy nhanh tiến độ dự án WB khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung năm 2016 tại 5 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận với tổng kinh phí là 115 triệu USD.