Ngọn đồi trồng hơn 300 gốc cam chanh của gia đình ông Thiều Sỹ Hùng (51 tuổi, xã Hương Thủy) giờ cam đã bị cắt bỏ gần hết. Chủ vườn cho biết mấy ngày nay nhìn vườn cam không cho quả, có cho quả cũng chỉ mấy quả kém chất lượng, không bán được nên đành mang cưa xong cắt làm củi.
Dù tiếc công chăm sóc nhưng ông Hùng vẫn quyết định cắt bỏ vườn cam đã trồng 6 năm nhưng cho quả kém chất lượng. Ảnh: Phạm Trường. |
“Cả vườn cam mấy trăm cây có cho quả cũng đều là quả ngây, quả cội, vỏ dày, cắt ra tép khô cả. Có cho họ còn nhác (lười) lấy chứ nói gì đến bán”, ông Hùng than thở.
Ông Hùng cho biết đã trồng cam gần 20 năm nhưng chưa lúc nào thấy cam cho quả lại kém chất lượng đến mức phải chặt bỏ. Chủ vườn kể năm 2011 ông mua hơn 300 gốc cam chanh tại một vườn ươm ở thị trấn Hương Khê về trồng. Trồng được 3 năm cây cho quả bói nhưng vỏ rất dày, tép khô, chất lượng quả kém nên bán không được.
Những vụ sau dù được bón phân, thuốc trừ bệnh đầy đủ theo kỹ thuật đã được hướng dẫn nhưng cam chỉ phát triển chiều cao, không cho tán, quả ít, kém chất lượng nên thương lái không mua, có mua cũng chỉ với giá thấp.
Người trồng cam phải mang ra chợ bán với giá 5.000-10.000 đồng/kg thay vì giá cam lúc này luôn ở mức 25.000-40.000 đồng/kg.
Vườn cam ngổn ngang bị đốn hạ trơ gốc, nằm ngổn ngang. Ảnh: Phạm Trường.
|
Cho rằng mua phải cây giống kém chất lượng, có tiếp tục chăm sóc cũng không có kết quả nên người trồng cam đành cắt bỏ cam cũ, trồng mới vườn cam.
“Không cứu được nữa nên tôi cắt hết lứa cam này rồi mua bưởi Phúc Trạch về tự ghép vì sợ mua giống kém chất lượng. Đổ hàng trăm triệu vào cam, giờ chặt đi thì xót lắm nhưng cũng phải chặt thôi, để lại cũng chẳng để làm gì”, ông Hùng nói.
Bà Tôn Thị Thất (55 tuổi, thôn 4 xã Hương Thủy) cho biết gia đình bà cũng có 1,3 ha cam với hơn 1.000 gốc cam trồng gần 4 năm nhưng cây kém phát triển, không cho quả.
“Tôi đang bón thêm phân để xem cây có phát triển trở lại được không, nếu không được chắc cũng đành thuê máy để phá”, bà Thất nói.
Không riêng ông Hùng, bà Thất mà đây là thực trạng của nhiều hộ dân thôn 4 xã Hương Thủy. Họ “dở khóc dở cười” khi mùa thu hoạch cam lại phải chặt bỏ cam đã được họ chăm sóc mấy năm trời.
Cam cho quả kém chất lượng, trái nhỏ, vỏ dày, tép khô nên người dân không bán được giá. Ảnh: Phạm Trường.
|
Ông Võ Tá Tài, Trung tâm Bảo tồn gen giống bưởi Phúc Trạch, khẳng định giống cam cấp cho các hộ dân ở xã Hương Thủy luôn đảm bảo chất lượng. Cam trồng phát triển chậm và cho quả kém chất lượng có thể ở quy trình chăm sóc, bón phân hoặc thổ nhưỡng không phù hợp.
“Cây phát triển kém không thể đổ lỗi cho giống kém chất lượng mà phải nhìn các yếu tố từ thổ nhưỡng, khí hậu đến quy trình chăm bón. Vùng này ngập úng, nếu chăm sóc không đúng quy trình sẽ làm rể cam thối, chảy mủ nên cam khó phát triển, cho quả kém”, ông Tài khẳng định.
Ông Bạch Đình Hữu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Thủy, cho biết toàn xã có hơn 120 ha cam, bưởi, trong đó khoảng 10 ha với hơn 5.000 gốc cam cho quả kém chất lượng, cây không phát triển, tập trung nhiều ở thôn 4 và 7, gây thiệt hại lớn cho người trồng.
“Nguyên nhân ngoài ảnh hưởng của mưa lũ, sâu bệnh, có thể do chất đất chưa phù hợp, quy trình chăm sóc chưa đúng quy trình. Còn về giống thì chưa thể khẳng định”, ông Hữu nhận định.
“Việc nhiều diện tích cam cùng bị như vậy là điều khác lạ, nhưng chưa thể khẳng định cam bị vậy là do giống hay quy trình chăm sóc. Chúng tôi đang kiểm tra và tìm hiểu rõ nguyên nhân để có biện pháp”, ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê, cho hay.
Xã Hương Thủy, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Google Maps. |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn