Thực tế tại các tỉnh như Bắc Kạn, Tuyên Quang… là những địa phương nổi tiếng giàu tài nguyên khoáng sản. Những tưởng đó sẽ là lợi thế lớn để người dân có thể đổi đời. Song, lợi thế ấy lại trở thành yếu thế của những người dân tại các địa phương này. Bởi, các doanh nghiệp đua nhau khai thác khoáng sản theo kiểu tận diệt và không hề tạo được công ăn việc làm bền vững cho người dân địa phương. Hệ lụy là, người dân ở đây "nghèo vẫn hoàn nghèo” trong khi môi trường sống, môi trường xã hội bị tàn phá nặng nề.
Khai thác khoáng sản tại Bắc Kạn |
Đó là chưa kể, có tỉnh thu ngân sách từ khoáng sản không đủ tiền để chi cho sửa đường. Có tỉnh cấp 200 giấy phép khai thác khoáng sản nhưng thu từ nguồn này không đủ nuôi bộ máy quản lý lĩnh vực. Như thế khai thác để làm gì, người dân được hưởng lợi gì?
Trong khi đó, hiện việc thực hiện chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân địa phương chủ yếu thông qua các quy định có phần khá “ưu ái” của chính quyền địa phương khi cho họ “tự nguyện” nộp một khoản phí hàng năm hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ các quỹ phúc lợi của địa phương; sử dụng lao động địa phương… mà chưa thông qua “Phương án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi có khoáng sản được khai thác” cũng như “Phương án bảo hộ ổn định đời sống và sản xuất cho tổ chức, bộ phận nhân dân nơi có khoáng sản được khai thác” do chính UBND cấp tỉnh xây dựng và phê duyệt.
Thực tế này, dẫn tới việc không có cơ sở để các cấp chính quyền cơ sở (cấp huyện, xã) cũng như các cơ quan chuyên môn (các Sở liên quan của tỉnh) hướng dẫn và giám sát quá trình thực hiện. Do vậy, việc thực hiện nội dung nào, mức độ đến đâu, có triển khai các phương án nhằm bảo hộ quyền lợi người dân hay không đều phụ thuộc vào sự tự giác và “lòng hảo tâm” của doanh nghiệp. Và khi nào quyền lợi chính đáng của người dân còn dựa vào sự tự giác của doanh nghiệp thì mọi kết quả đạt được chỉ là những cuộc “đóng góp từ thiện” nhỏ lẻ mà thôi!
Nghiên cứu của Trung tâm Con người và Thiên nhiên tại các địa phương có mỏ như: Ea Sar (Đắk Lắk), Sơn Thủy (Phú Thọ), Cốc Mỳ (Lào Cai)… mà cảm thấy chua xót, mức giá đền bù thu hồi đất để khai thác mỏ của doanh nghiệp đối với người dân rất thấp, cao nhất là 11.000 đồng/m2 và thấp nhất là 1.000 đồng/m2. Các địa phương này đều chịu chung những tổn thất như: đường sá, cầu cống xuống cấp, nguồn nước, môi trường sống bị ô nhiễm… Các đóng góp của doanh nghiệp khai thác mỏ đối với địa phương “khó thấm” với các tác động tiêu cực từ khai thác mỏ gây ra trong khu vực.
Cùng với đó, hàng loạt dự án lớn khai thác khoáng sản đã được triển khai rầm rộ như khai thác than, sắt (Hà Tĩnh), titan (ven biển miền Trung), sắt và bauxite (Tây Nguyên)... Khai thác ngày càng mở rộng trong khi quản lý lại bó hẹp ở các quy định còn lỏng lẻo. Khoáng sản là tài nguyên quốc gia, nhưng thực tế, nó chỉ chủ yếu mang lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư nắm dự án. Ở phương diện trái ngược, khai thác khoáng sản bừa bãi lại làm tăng tỷ lệ nghèo đói ở nhiều địa phương.
Ở khía cạnh an sinh, phân tích của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tác động quan trọng của việc khai thác khoáng sản quy mô lớn lên cộng đồng địa phương là sự thay đổi nhanh kết cấu của xã hội về mặt kinh tế - xã hội. Các hình thức đói nghèo mới được thiết lập với sự kết hợp giữa “cư dân gốc” vốn không được chia sẻ trong cơ hội việc làm và những “người mới đến” đang thất vọng trước cơ hội tìm kiếm một công việc. Chính từ đó mà các tệ nạn xã hội nảy sinh.
Khai thác khoáng sản bừa bãi lại làm tăng tỷ lệ nghèo đói ở nhiều địa phương |
Đáng bàn là các nền kinh tế được hậu thuẫn bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như Việt Nam lại có xu hướng phát triển chậm hơn so với các nền kinh tế ở các quốc gia khác. Đây được xem là một hạn chế mà nguyên nhân được cho là do thiếu minh bạch về nguồn thu từ tài nguyên được khai thác cũng như các khoản chi trả phí sản xuất.
Có thể thấy, hệ thống pháp luật về quản lý và khai thác khoáng sản của Việt Nam tương đối đầy đủ. Tuy vậy, vẫn còn khoảng cách lớn giữa quy định luật pháp và thực tế. Từ thực trạng này, nếu không minh bạch trong hoạt động khai khoáng, không chỉ thất thoát tài nguyên và kinh tế, mà còn gây ra những hậu quả xấu cho môi trường và xã hội. Một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên đã bị một nhóm đối tượng trục lợi, bỏ túi những khoản tiền khổng lồ mà không phải chịu sự kiểm tra, giám sát sát sao của các cơ quan chức năng.
Sẽ không gì bù đắp được khi mối lợi khai thác khoáng sản chỉ thuộc về một số người ở hiện tại, còn mất mát vĩnh viễn lại thuộc về cả quốc gia, trong suốt nhiều thế hệ.
Phương Anh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn