Gặp chiến sĩ giao liên gùi hàng đi bộ một vòng trái đất

Thứ bảy - 10/06/2017 12:28
Mang hơn 55 tấn hàng trên lưng qua quãng đường có tổng chiều dài 41.025km - tương đương một vòng trái đất theo đường xích đạo, người chiến sĩ giao liên đã vượt qua những cung đường nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ.
Chúng tôi tìm đến mảnh đất xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn (Nghệ An) gặp người anh hùng Nguyễn Viết Sinh gùi thồ hàng đi bộ một vòng trái đất. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn còn hết sức minh mẫn, nhanh nhẹn. Câu chuyện về hành trình gần 1 vòng trái đất của người chiến sĩ giao liên đã được tái hiện lại qua những hồi ức lịch sử.


Trong vòng bốn năm từ năm 1961 – 1965, người chiến sĩ giao liên với 1.089 ngày làm việc đã mang được hơn 55 tấn hàng trên lưng và đi qua quãng đường có tổng chiều dài 41.025km - tương đương một vòng trái đất theo đường xích đạo. Lượng hàng ông mang trên vai mỗi lần bằng trọng lượng cơ thể.

Người chiến sỹ giao liên Nguyễn Viết Sinh

Năm 1961, khi cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam đang bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Nguyễn Viết Sinh (SN 1940) xin được tòng quân. Gần một ngày đêm ngồi trên chiếc xe phủ bạt kín mít, ông đặt chân đến làng Ho (Quảng Bình) và được bổ sung vào Tiểu đoàn bộ binh 301, làm nhiệm vụ tải hàng vào chiến trường miền Nam. Thời điểm ấy, quân ta vừa tiến vào Nam vừa mở đường, các phương tiện vận tải cơ giới không có nên toàn bộ hàng hóa, súng đạn, công văn hỏa tốc phục vụ cho chiến trường phải gùi, thồ trên lưng.

Dãy Trường Sơn hùng vĩ nhưng cũng chứa đựng đầy những khó khăn, thử thách, ngăn cản từng bước chân của người chiến sỹ giao liên. Những cơn mưa rừng Trường Sơn, những cung đường trơn trượt, những vách núi dốc đứng nhầy nhụa và tiếng gầm thét của thú rừng là nỗi ám ảnh của những người lính giao liên. Quần áo các anh mặc luôn mang mùi ẩm ướt của mưa rừng, của mồ hôi.

Khó khăn gian khổ là thế nhưng người anh hùng Nguyễn Viết Sinh chưa một ngày nghỉ ngơi. Cứ đều đặn mỗi ngày đi bộ gần 40km, ông cần mẫn bước từng bước mang hàng hóa chi viện cho chiến trường niềm Nam.

Thời điểm ấy, người lính bình thường gùi 20-25kg hàng trên lưng mỗi ngày nhưng có thời điểm cấp bách, anh lính trẻ Nguyễn Viết Sinh đã cõng trên lưng gấp đôi trọng lượng ấy khoảng 70-80 kg, nhiều hơn trọng lượng cơ thể ông 20kg. Khối lượng công việc thồ hàng của ông bằng cả chục người cộng lại.

Bằng xác nhận kỷ lục Việt Nam về người chiến sỹ giao liên Trường Sơn gùi thồ hàng và dẫn quân với tổng đường dài nhất.

Ngày ấy, được sự tin tưởng của Đảng, ông còn được giao nhiệm vụ đưa nhiều công văn quan trọng từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam, đưa cán bộ trung ương và dẫn quân vào chiến trường. Sau đó, ông lại cùng đồng đội khiêng thương binh ra miền Bắc về đơn vị chữa trị.

Quãng đường di chuyển cực khổ khiến ông Sinh tưởng chừng như chùn bước, vai bị quai gùi thít chặt đau nhức ê ẩm nhưng bằng ý chí kiên cường của người lính cụ Hồ, chàng trai trẻ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với thành tích đáng khâm phục: Năm 1962: Gùi 13.553kg hàng trên đoạn đường 10.196km; Năm 1963: Gùi 9.365kg hàng và khiêng 23 cáng thương; Năm 1964: Mang vác 11.445kg, thồ 8.230kg, khiêng 62 ca thương binh trên đoạn đường 10.982km... Và từng ấy km đường sau 4 năm trèo đèo lội suối, quãng đường ông đi đúng bằng một vòng Trái đất.

Sau năm 1965, khi các phương tiện xe cơ giới bắt đầu thay sức người vận chuyển hàng vào miền Nam, việc thồ gùi hàng cũng chấm dứt. Lúc đó, ông lại cùng đồng đội phục vụ chiến trường miền Nam bằng ô tô.

Nhìn lại quãng đường đã đi ngót 1 vòng trái đất, ông không khỏi ngỡ ngàng trước sức trẻ của mình : “Hồi đó chiến tranh ác liệt lắm, gian khổ lắm, sống chết trong gang tấc nhưng anh em ai cũng tràn đầy nhiệt huyết chỉ mong cho đến ngày độc lập. Không hiểu vì sao lúc đó, tôi sức khỏe tôi lại bền bỉ đến thế, ngày nào cũng vậy dù nắng hay mưa, tôi đều gùi trên lưng hơn 50kg hàng vào tiền tuyến. Cả dân tộc lúc ấy đều dốc hết sức mình cho ngày toàn thắng”, ông Sinh bùi ngùi nhớ lại những năm tháng ác liệt.

Năm 1966, trong một đợt bị bom Mỹ thả, đơn vị ông bị thương 9 người, chết 4 người. Ông cũng bị thương trong đợt đó, một ngày một đêm nằm trên võng, bom bi xuyên phổi, nách phải phẫu thuật. Bảy ngày sau, ông vẫn bị những cơn đau hành hạ, viên bi đang nằm trong người nên lại phải mổ tiếp. Cũng trong năm đó, ông được chuyển lên phụ trách kho huyện Mường Nòng (Savannakhet - Lào).

Vì sự hy sinh và cống hiến lớn lao trong quá trình hoạt động, ngày 1/1/1967, Tiểu đội trưởng - Trung sĩ Nguyễn Viết Sinh đã vinh dự trở thành một trong ba người lính Trường Sơn đầu tiên được Bác Hồ ký quyết định công nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND và được ra Hà Nội báo cáo điển hình.

“Nhớ lại năm ấy, tôi đã vượt bộ hàng trăm cây số để ra Bắc mong được một lần gặp Bác. Đi được 10 ngày đường, đến trạm Cổng Trời thì nghe đài phát thanh đưa tin khai mạc Hội nghị tuyên dương anh hùng nên tôi đành trở về đơn vị. Tôi không tiếc vì không được dự Hội nghị tuyên dương mà tiếc là không được gặp Bác Hồ. Đó là điều tôi nuối tiếc nhất trong cuộc đời”, ông Sinh tâm sự.

Cách đây 3 năm, vào ngày 24/2/2012 Trung tâm Sách kỷ Lục Việt Nam đã xác nhận ông Sinh là người “Người chiến sỹ giao liên Trường Sơn gùi thồ hàng và dân quân với tổng đoạn đường dài nhất.

Hơn 50 năm trôi qua, ông Sinh giờ đã bước sang cái tuổi xế chiều nhưng những hình ảnh về chiến trường, về đồng đội vẫn luôn khắc sâu trong tiềm thức của ông.

“Tôi ước một lần nữa lại được trở lại chiến trường xưa, thăm đồng đội cũ, những người đã ngã xuống và tôi sẽ lấy những nắm đất mẹ bỏ vào ngôi mộ cho các anh, để họ cảm nhận được hơi ấm quê hương” lật lại những tấm hình cũ ông Sinh ngậm ngùi chia sẻ.

Theo Hồng Bình Khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây