Doanh nghiệp không dám sản xuất

Thứ hai - 05/06/2017 08:58
(Hatinhnews)-Gần 12.000 DN ngừng hoạt động, giải thể trong quý đầu năm nay là số liệu chính thức vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Do áp lực chi phí đầu vào tăng, trong khi sức mua trên thị trường rất yếu ớt nên giá bán đầu ra không thể tăng tương ứng. Nhiều DN đã tính chuyện cắt giảm sản xuất, giảm nhân công, thắt lưng buộc bụng...

Thu hẹp sản xuất, giảm nhân công

Lãi suất ngân hàng không giảm và khó tiếp cận, chi phí nguyên liệu, nhân công, xăng dầu, điện, nước, phí vận tải... tăng mạnh, trong khi đầu ra tiêu thụ khó khăn là tình cảnh chung của hầu hết DN sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA) - cho biết, trong tháng 3, tiêu thụ thép tuy có nhích lên đôi chút nhưng vẫn không bù được mức giảm sút của 2 tháng đầu năm, chỉ bằng 2/3 so với mức bình quân. Sự đình đốn của ngành thép là do thị trường bất động sản (BĐS) giảm nhiệt, co hẹp tín dụng; chủ trương thắt chặt đầu tư công đối với các dự án thuộc ngân sách nhà nước; đồng thời khu vực dân cư cũng giảm sút đầu tư. Ông Nghi cho biết, các DN chịu gánh nặng nhất là lãi vay ngân hàng, bình quân ở mức 17-19%/năm, dù lãi suất huy động đã hạ. Cùng với đó, việc tăng giá xăng dầu từ đầu tháng 3 khiến các DN ngành thép tăng chi phí đầu vào thêm từ 70.000-80.000đ/tấn thép; chưa kể chi phí vận chuyển tăng theo giá xăng dầu, trong khi sức mua ngày càng giảm. “Nhiều DN đã tính chuyện thu hẹp sản xuất, giảm nhân công để giảm gánh nặng chi phí” - ông Nghi nói.

Thị trường bất động sản ảm đạm khiến sản xuất thép cũng bị đình đốn. Ảnh: Trần Lâm

Chia sẻ về khó khăn trong kinh doanh, bà Ngô Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Cty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông - cho biết: Biện pháp tiết giảm chi phí sản xuất, hợp lý hóa các khâu trong quy trình công nghệ, tiết kiệm nhiên liệu luôn được Cty chú trọng để giảm tối đa chi phí. Song tất cả những cái đó vẫn không bù đắp được chi phí nguyên liệu, điện, xăng dầu đang tăng mạnh. Bà cho biết, hiện đã có một số DN nhỏ cùng ngành hàng với bóng đèn phích nước Rạng Đông đã phải thu hẹp sản xuất, thậm chí sản xuất cầm chừng vì không trụ nổi. Tuy không khẳng định sẽ là cơ hội cho các DN khác chiếm lĩnh thị trường, song cơ hội cho hàng giá rẻ từ các nước tràn sang là khó tránh khỏi.

Trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại, đại diện Cty CP Nhất Nam - chủ đầu tư hệ thống siêu thị Fivimart - cho biết, siêu thị đang phải đàm phán với các nhà cung cấp đề nghị không tăng giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, các DN đều cho rằng do chi phí quá lớn nên khả năng trong quý II/2012 Cty sẽ niêm yết tăng giá một số sản phẩm thiết yếu với mức tăng khoảng từ 3-5%. Tuy nhiên, vị đại diện này cho biết, sẽ rất lo ngại về doanh số sụt giảm từ đầu năm đến nay, do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng cũng thắt chặt chi tiêu nên sức mua của thị trường giảm hẳn so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp quý đầu năm vô cùng khó khăn, thị trường co hẹp, trong khi sức mua sụt giảm, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trong quý I chỉ tăng  5% so với cùng kỳ  - cho thấy “đầu ra” của các DN đang bị thu hẹp.

Phải kiểm soát lưu thông và lãi suất

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị thành phố Hà Nội - xác nhận, chi phí đầu vào làm giá thành của các DN bị đội lên, nhưng đầu ra không tăng tương ứng là một thực tế khiến không ít DN lâm vào tình cảnh khó khăn. Tuy nhiên theo ông, hiện chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đang “có vấn đề”. Chủ trương của Chính phủ thắt chặt tín dụng, kiềm chế lạm phát là đúng, NHNN cũng đã giảm lãi suất huy động từ 14% xuống còn 13%, thế nhưng trên thực tế, các DN đều khẳng định, lãi suất cho vay không hề hạ, phổ biến vẫn ở mức 18-19%. Như vậy là chênh lệch lãi suất huy động và cho vay quá cao, lên tới 5-6%, trong khi theo tính toán chênh lệch ở mức 3%, ngân hàng đã có lãi. “Nhiều chuyên gia kinh tế kiến nghị lẽ ra phải chặn lãi suất đầu ra chứ không nên chặn lãi suất đầu vào, kiến nghị NHNN nên thả nổi lãi suất, nếu không DN làm bao nhiêu vào lợi nhuận của NH hết” - ông Phú nói.

Lo ngại về dấu hiệu “lạm phát đình đốn”, ông Phú cho biết, hiện mặt bằng giá cả đang ở mức cao, so với cùng kỳ năm trước, giá các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm thiết yếu đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần nên nếu chỉ nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp trong quý I thì chưa vội mừng. Vấn đề đặt ra hiện nay, theo ông, là các cơ quan quản lý phải tìm cách kéo giá xuống để sản xuất lưu thông trở lại, sức mua tăng thì mới giúp DN tăng trưởng, nền kinh tế vĩ mô ổn định. Ông cho biết, hiện vẫn chưa giải quyết được việc đua nhau tăng giá ở khâu lưu thông; trong khi người sản xuất chỉ hưởng 40% giá trị hàng hóa thì khâu lưu thông ăn tới 60%. Các cơ quan chức năng cần làm tốt khâu kiểm tra, kiểm soát hàng hóa để hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại và xử lý nghiêm những DN, cá nhân vi phạm quy định về chất lượng, giá trị hàng hóa.

                                                                                                              Theo Laođong.com.vn



Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây