28 tuổi, nhưng nhìn bên ngoài, Hằng như một đứa trẻ.... Thấy chúng tôi, những vị khách không mời mà tới, cô bé tỏ ra ngạc nhiên và vui mừng khôn xiết.
28 tuổi nhưng nhìn Hằng như một đứa trẻ. |
Vì khuyết tật nên giọng nói của Hằng ngọng nghịu, không bình thường. Mặc dù vậy, cô bé vẫn gắng sức, muốn tự nói về cuộc đời của mình.
“Em sinh ra khi mẹ mới mang thai được 7 tháng. Chỉ vài ngày sau, em bị rớt nửa người ra khỏi lồng ấp nên bị chèn dây thần kinh đốt sống cổ và tủy sống, ảnh hưởng đến cổ, 2 tay co quắp, khuôn mặt méo mó và giọng nói ngọng nghịu không bình thường”.
Nhưng lúc đó, vì quá nhỏ nên ba mẹ Hằng không hề hay biết. Cho tới khi được 1 tuổi, thấy cô con gái của mình chỉ nằm một chỗ, không lật, không bò và cũng không biết đi thì họ mới đưa đi khám.
“Bố mẹ đưa em đi khám thì biết em bị bệnh, nhưng nhà quá nghèo nên không có tiền chữa chạy cho em”, Hằng buồn bã tâm sự.
Từ năm 8 tuổi, Hằng đã tập ăn cơm bằng... chân. |
Tuổi thơ của Hằng vì vậy lớn lên trong sự thèm thuồng, ước mơ được một lần đi trên đôi chân như chúng bạn cùng lứa...
Dẫu vậy, khi tiếp xúc với Hằng, chúng tôi khá ngạc nhiên về sự vận động “thành thục”, nhuần nhuyễn của đôi chân. Hằng dùng chân để làm tất cả mọi việc có thể, từ xúc cơm ăn, đến chải đầu, vuốt tóc, học chữ... thậm chí sử dụng điện thoại.
Hằng chia sẻ: “Người xưa từng có câu: tàn nhưng không phế, và em cũng muốn mình như vậy nên đã tự tập luyện từ khi còn nhỏ. Vì vậy, 8 tuổi em có thể dùng chân tự ăn uống được. 10 tuổi, sau khi bố mẹ dạy “sơ sơ” và học từ hai đứa em, em đã có thể viết bằng chân”.
Hai chị em tật nguyền giữa rừng cao su heo hút
“Mặc dù khó khăn trăm bề, nhưng năm 2002, sau khi dành dụm và vay mượn được gần 20 triệu, ba mẹ đã đưa em ra Hà Nội khám bệnh.
Lúc này, mọi người mới biết nguyên nhân thực sự khiến em tàn tật là do bị chèn dây thần kinh đốt sống cổ và tủy sống (trước đó nghĩ là dị tật bẩm sinh).
Năm đó em tròn 15 tuổi, sau 3 tháng được điều trị bằng phương pháp châm cứu và vật lý trị liệu, em đã có thể đi được bằng chân”, Hằng nhớ lại.
Nhưng hạnh phúc chưa trọn vẹn khi kinh phí chữa bệnh cho Hằng không còn nữa, bố mẹ đành đưa em về quê, mang theo hy vọng được một lần cầm nắm đồ vật bằng chính đôi tay co quắp của mình...
Bình thường, ngoài một số việc có thể tự làm bằng... chân thì mọi sinh hoạt phải nhờ đến em gái. |
Hằng cho biết: “Bác sỹ nói bệnh của em có thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng vì không có tiền chạy chữa nên bố mẹ đành ngậm ngùi đưa em về nhà”.
Sau lần chạy chữa cho con, anh Võ Mạnh Hùng và chị Bùi Thị Thu Hà (đều SN 1959), bố mẹ của Hằng phải bán nhà để trả nợ, rồi chuyển cả nhà vào ở trong đất rẫy cao su heo hút.
Hằng là con gái đầu, sau Hằng là hai em, một trai, một gái. Nhưng không may người em gái út là Võ Thị Phương Nga (21 tuổi) lại mắc bệnh động kinh. Vì vậy, cuộc sống của gia đình vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn nữa.
Giây phút vui vẻ của cô gái khuyết tật. |
“Cả nhà chỉ trông chờ vào thu nhập ít ỏi từ 200 cây cao su đã cho mủ (mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng) và 5 sào ruộng. Đến ăn còn phải chạy từng bữa chứ chưa nói đến tiền thuốc của em (6 trăm nghìn/1 tháng), rồi tiền chữa bệnh cho chị...”, Nga cho biết.
Vì hoàn cảnh, cách đây gần 1 năm, bố mẹ của Hằng đành phải bỏ lại hai đứa con tàn tật ở nhà, sang Lào cạo mủ cao su thuê nhưng thu nhập cũng không hơn là mấy.
Bây giờ, hai chị em Hằng bấu víu, nương tựa nhau mà sống cho qua ngày. “Buổi sáng em vẫn phải dậy sớm cạo mủ cao su rồi mang đi bán lấy tiền mua thức ăn”, Nga kể về cuộc sống của hai chị em.
“Một năm trở lại đây, bệnh của Nga đã đỡ phần nào nhưng thi thoảng vẫn lên cơn động kinh, những lúc ấy, em chỉ ngồi nhìn em gái mà không biết làm gì bởi nhà ở trong rẫy cao su, cách hàng xóm ít nhất 500m, nếu họ đến thì em gái cũng đã qua cơn...”, Hằng nhìn em gái nói trong buồn tủi.
Ông Hồ Xuân Tuệ, tiểu khu trưởng (tiểu khu Sao Vàng) cho biết: “Gia đình của Hằng thuộc diện hộ nghèo, khó khăn nhất tiểu khu, thậm chí, ngôi nhà đang ở cũng là đất rẫy chứ chưa có sổ đỏ. Hiện, bố mẹ hai cháu đã sang Lào làm thuê".
Lời cầu cứu viết từ đôi chân khuyết tật của Hằng (Ảnh facebook nhân vật) |
Chúng tôi ra về khi mặt trời đã khuất bóng, mang theo ánh mắt đầy hy vọng của hai chị em Hằng, cùng lời cầu cứu mà cô bé dùng... chân của mình viết lên: “Mình bị như thế này đã 28 năm, giờ mình mong muốn có một nhà hảo tâm nào đó có thể giúp cho mình chữa bệnh dù chỉ chữa được một phần nào đó thôi cũng được.
Cho dù chỉ một chút mình cũng vui lắm rồi và để có nghị lực hơn vươn lên trong cuộc sống. Xin mọi người hãy giúp đỡ cho mình, chỉ mong chữa được bệnh để có thể làm được một việc gì đó. Mong rằng có ai đó có thể nghe được lời cầu xin này của mình. Xin hãy giúp mình...”.
Ngô Huyền
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Em Võ Thị Lệ Hằng, xóm 5 tiểu khu Sao Vàng, thị trấn nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) Điện thoại: 0966195144 |