Tôi đã từng đi qua nhiều vùng đất, từng được thưởng thức món bánh đa ở nhiều vùng quê khác nhau. Mỗi vùng có cách làm, cách lựa chọn nguyên liệu và hương vị đặc trưng riêng cho món ăn quê mình, nhưng với tôi, một người con sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh thì không món bánh đa nào ngon bằng bánh ở quê . Cứ mỗi lần ăn miếng bánh đa vùng khác ở một miền đất khác, như một thói quen tôi lại nhớ tới hương vị bánh quê nhà.
So với bánh đa vùng khác, bánh đa quê tôi dày hơn, nhiều vừng (mè ) hơn. Bánh được làm hoàn toàn bằng gạo non, là thứ gạo mới, không dùng loại gạo các mùa trước vì sẽ làm mất đi vị thơm, béo của bánh.
Để làm ra bánh cũng khá công phu. Gạo sau khi chọn được đem sàng lọc kĩ, vo đãi sạch, ngâm qua nước lạnh một đêm rồi được xay nhỏ bằng cối xay. Thường cứ sáng sớm khi gà chưa gáy, các bà , các o dậy làm bánh. Bột được hòa vừa với nước, sau đó được tráng trên vỉ vải đậy trên nồi nước sôi, khi vừa đổ bột lên vỉ, một nhúm vừng được rắc lên và trải đều khắp miếng bánh, sau đó dùng dao tre vót mỏng, dẹt, bản to lấy bánh ra và trải lên giá tre , chờ cho nắng lên thì phơi khô. Nhìn hơi bánh ngi ngút quanh bếp và từng chiếc giá tre này đến giá tre khác chứa đầy những chiếc bánh tròn, mỏng phơi khắp sân, tôi thấy được sự vất vả, chịu thương chịu khó cũng như tình yêu nghề của người nông dân để làm ra những chiếc bánh ngon và hấp dẫn.
Bánh đa Hà Tĩnh là một món ăn gần gũi, khó có thể thiếu trong mỗi bữa ăn đoàn tụ của các gia đình. Bánh đa làm xong, được bán đi khắp nơi, len lỏi ở hầu hết các làng, xóm, nhất là các chợ quê. Vào bất cứ chợ nào ở Hà Tĩnh, không khó để thấy hình ảnh các bà, các mẹ, các chị ngồi bên bếp than hồng, một tay cầm quạt quạt cho than đỏ, một tay cầm chiếc bánh nhanh tay lật qua lật lại để nướng chín đều chiếc bánh.
Bánh đa ở Hà Tĩnh thường được ăn chấm với nước mắm có tỏi, ớt đậm hương vị dân giã. Miếng bánh giòn, thơm, béo và bùi , đã ăn một miếng thì muốn ăn mãi…đối với nhiều người nếu cảm thấy khô, thì có thể nhúng qua nước cho mềm lại, dễ nhai hơn mà hương vị vẫn không thay đổi.
Cũng với chiếc bánh đa ấy, người dân Hà Tĩnh còn sáng tạo ra thứ bánh: hai ướt một ráo (bánh cặp). Bánh này, hai bên chiếc bánh tráng được đắp bằng bánh Mướt (bánh ướt), sau đó gấp lại ép chặt thành một cặp. Ngoài ra, nhiều người dân Hà Tĩnh rất thích ăn bánh Tráng kẹp với cơm nếp. 2 mảnh bánh đa đã nướng kẹp hai bên, cơm nếp dẻo – nếp nấu với đỗ xanh, đỗ đen hoặc lạc (đậu phộng ) ở giữa, cái giòn, béo của bánh kết hợp với cái dẻo, thơm của cơm nếp hòa trộn thành một hương vị đặc biệt mà mỗi người con quê hương không thể quên được dù đi tới góc bể chân trời nào.
Với tôi, bánh Tráng quê nhà, cùng với bát nước chè xanh, với kẹo Cu Đơ… là những gì bình dị, giản đơn nhưng đậm đà hương vị quê nhà nhất. Đó chính là quê hương, là hồn quê neo đậu nơi trái tim mỗi người, để ai đi xa cũng nhớ về…
Theo Nguyễn Phương Ngọc (Báo Hà Tĩnh)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn