Vào dãy Răng Lược tìm loài gà quý hiếm nhất thế giới

Thứ bảy - 03/06/2017 13:56
Hai loài gà tuyệt đối không còn nơi nào khác trên toàn cầu ngoài Khe Nước Trong (Lệ Thủy) và Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).
Hai loài gà tuyệt đối không còn nơi nào khác trên toàn cầu ngoài Khe Nước Trong (Lệ Thủy) và Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình). Chúng đang được người Vân Kiều và A Rem, Ma Coong xem như những vị thần linh dẫn đường cuộc sống nên bảo vệ theo cách bản địa. Ấy là gà lôi trắng và gà lôi hông tía.

Phượng hoàng Khe Nước Trong

Trong rặng Trường Sơn hùng vĩ qua Làng Ho xã Kim Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) có dãy núi được anh em Vân Kiều đặt tên là Răng Lược, nó là một cổ núi từ hàng triệu năm trước. Bên trong, một hệ sinh thái đa dạng, phong phú, mọi thứ vẫn còn gần như nguyên sinh với vô số loài động thực vật hoang dã. Một loài trong đó được xác định chỉ còn duy nhất trên thế giới mới tồn tại ở vùng Khe Nước Trong, ấy là gà lôi lam trắng. Đây là loài gà mà người Vân Kiều xem là phượng hoàng. Ông Hồ Cao ở Làng Ho (Kim Thủy) cho biết: “Gà lôi trắng rất thiêng, nơi nào nó xuất hiện, nơi đó người Vân Kiều dựng bản làng và được yên bề bình an, nơi nào nó cất tiếng gáy, nơi đó mùa vụ tốt tươi. Nơi nào từng có bóng dáng nó mà sau này biến mất, đất đó dữ ít, lành nhiều. Gà lôi trắng được dân mình xem là phượng hoàng vì nó đẹp và rất quý, rất khó tìm kiếm nó, và khi thấy nó thì phải quỳ lạy từ đằng xa, vì bộ lông, đôi mào cũng như bộ đuôi của nó dài và đẹp khó diễn tả. Nó đẹp hơn cả công chứ không thể đùa. Nhưng quan trọng nó thiêng”.

Gà lôi trắng còn duy nhất trên thế giới tại Quảng Bình

Những người già nhất bản làng Vân Kiều ở Kim Thủy đều kể rằng, ngày xưa gà lôi trắng khá nhiều, nó sống giáp với người Kinh, sau dần chúng phải rút lên vùng Làng Ho heo hút bởi nạn phá rừng và đặt bẫy khiến chúng dần hiếm hoi. Với người Vân Kiều, khi con trai trưởng thành, để đánh dấu lễ lớn lên với thần núi, họ phải đi săn cho được một cặp phượng hoàng Khe Nước Trong gồm con đực, con mái. Khi về, bộ lông được làm khô, phơi nắng, những cái đẹp nhất, rực rỡ nhất được kết vào nhau rồi buộc vào tóc của những chàng trai lực lưỡng vừa lớn phổng. Đám thanh niên có được “vòng nguyệt quế” phượng hoàng ấy luôn tự hào về khả năng của mình trong săn bắn, có vợ đẹp, bảo vệ dân bản. Già Hồ Cao cho biết: “Có được mấy cái đuôi con phượng hoàng thần linh ấy thì đi mô ai cũng ngưỡng mộ. Nay mình 80 tuổi vẫn còn nhớ ngày xưa đang nhỏ đã săn được một cặp trống mái và làm lễ trưởng thành khi còn mới 15 tuổi, lúc đó tự hào lắm. Mình có vợ sớm và con đông, săn bắn tốt, bảo vệ dân bản được là nhờ linh hồn nó phù hộ đấy”.

Gà lôi tía với một số cá thể

Thưa chuyện với giới nghiên cứu được biết, nó hiếm đến mức, đặt bẫy ảnh mới có thể họa may nó đi ngang qua chạm vào tia laze thì máy ảnh mới có thể bắt hình. Từng có tài liệu nói nó đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Lần đầu người ta bắt gặp chúng vào đầu thế kỷ XX với phân bố từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Rồi càng ngày rừng núi thu hẹp dần, loài gà thuộc họ chim này vắng bóng trong các cuộc điều tra đa dạng sinh học khiến người ta nghĩ chúng đã tuyệt chủng. Bởi đo đếm tự nhiên thì quá hiếm gặp, nó hiếm đã đành nhưng ngày càng thu hẹp quần thể mới là điều đáng lo ngại, nguy cơ biến mất một nguồn gen quý hiếm mà con người chưa hiểu biết hết quả là thiệt thòi cho đa dạng sinh học.

Họ quấn vô nhau, yêu nhau. Vợ chồng một đêm xa nhau để về với người yêu cũ. Sáng ra, con gà lôi hông tía trống lại gáy, mặt trời lại lên, ai về nhà nấy, như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Nên dân bản thích con hông tía, tôn trọng nó, thương yêu nó, và bảo vệ nó khỏi săn bắn với lời thề thủy chung với nó. Vì nó là hiện diện cho đất lành.

Vị thần ẩn dật của A Rem

Với người A Rem, gà lôi hông tía là vị thần ẩn dật, sống dưới các thung lũng của núi đá vôi, nơi có nhiều côn trùng và các loài cây cỏ dại. Thân của nó hai bên hông có nhiều lông tía nên nó được gọi là gà lôi hông tía. Chúng ẩn dật thoắt ẩn, thoắt hiện trong các vòm rừng nhiệt đới. Tuy nhiên với người A Rem như già Đinh Rầu, muốn tìm kiếm nó cũng đơn giản. Nơi nào có nhiều tổ mối, nơi đó quy tụ được nhiều cá thể gà lôi hông tía, già cho hay: “Chúng thích các tổ mối ở thung lũng, nơi đó chúng đến tìm nhau, con trống múa điệu đẹp như thiên đường để quyến rũ các con mái, chúng cạnh tranh với nhau từ bộ lông, bộ đuôi, rồi cả tiếng gáy. Khi các động tác ấy đưa ra hết mà chưa có con mái nào đến, chúng lao vào chiến đấu với nhau, chúng dùng cựa, cánh và mỏ để đánh nhau, con nào thua bay đi thì con thắng ở lại với khá nhiều con mái. Nhưng thường chúng chung thủy một vợ một chồng”.

Bẫy ảnh kỳ công mới chụp được gà lôi trắng và gà lôi hông tía

Thắc mắc “có bắt về để nuôi không?”, ông Rầu cho hay: “Đây là gà thần nên dân bản không thể bắt, nó phù hộ cho các chuyến đi săn được thành công, vì nơi nào có loài này, nơi đó có những loài thú lớn để người A Rem săn bắn. Loài gà này cũng thích các thung lũng có nhiều hoa dại, chúng ăn côn trùng bên dưới nên trên các thung lũng này là nhiều tổ ong để người đi tìm ong lấy mật ong về dùng. Nó là thần linh của người A Rem và Ma Coong là vậy. Không có loài này, thật sự khó khăn cho nhiều chuyến đi săn cũng như tìm ong giữa rừng rậm”.

Nhưng con trai, con gái A Rem hay Ma Coong lại thích tìm lông gà lôi hông tía trống và mái để tặng nhau khi gặp chúng rụng ở trong rừng. Đó là lễ tục chứng tổ tình yêu thủy chung và đôi lứa. Đinh Đu bảo: “Ngày trước mình lấy vợ, có tìm được cái lông gà lôi hông tía đực, tặng vợ mình bây giờ, cả bản ai cũng ưng bụng lắm. Có được cái đuôi của nó là tự hào lắm, nó quý như vàng thôi”.

Đinh Hạc, người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, kể thêm: “Gà lôi hông tía với đồng bào mình còn thức giấc cho anh em biết ngày rằm tháng Giêng mỗi năm, rằm đó con trống gáy là gà nhà gáy, nó gáy trên ngọn Cà Roòng gáy về, cả bản thức giấc chuẩn bị lễ hội đập trống. Lễ hội đó, người Ma Coong ở Việt Nam hay Lào đều về bản trung tâm của xã bên đất của mình làm hội hè, làm trống để đêm đến cùng nhau uống rượu cần, cùng nhau đập trống. Trống vỡ thì được yêu. Đêm đó đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, con trai, con gái được yêu mà không sợ bị phạt vạ. Họ quấn vô nhau, yêu nhau. Vợ chồng một đêm xa nhau để về với người yêu cũ. Sáng ra, con gà lôi hông tía trống lại gáy, mặt trời lại lên, ai về nhà nấy, như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Nên dân bản thích con hông tía, tôn trọng nó, thương yêu nó, và bảo vệ nó khỏi săn bắn với lời thề thủy chung với nó. Vì nó là hiện diện cho đất lành”.

Những hình ảnh đầu tiên

Các nghiên cứu của các nhà khoa học thường tìm thấy gà lôi trắng khi chúng đã chết hoặc qua mẫu lông chứ hiếm khi có được con sống ngoài tự nhiên vì chúng cực kỳ nhút nhát. May thay, vào năm 2015, một chương trình tìm kiếm giống loài này diễn ra ở vùng rừng Khe Nước Trong, huyện Lệ Thủy. Đây là nơi đi lại vô cùng khó khăn, khắc nghiệt, vẫn còn rừng mưa nguyên sinh rậm rạp, bẫy ảnh tự động đã chụp được chúng kiếm ăn tự nhiên, oai vệ, đẹp lộng lẫy dưới tán rừng nhiệt đới. Đây là phát hiện quan trọng về loài gà lôi có trong danh lục sách đỏ của tổ chức bảo tồn IUCN, BirdLife, cũng như Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế. Chuyên gia Lê Trọng Trãi từ Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt cho biết, gà lôi trắng có tên khoa học: Lophura nycthemera. Chúng dài từ 50 - 125cm. Chim đực có bộ lông hai màu, trắng ở trên lưng và đen ở phía bụng. Con mái với lông màu nâu. Mào cong, chân đỏ, da mặt đỏ. Chim đực non có màu lông giống chim cái. Chúng phân bố đến độ cao khoảng 2.000m với tầng thảm tươi của các loại rừng, địa hình hơi dốc cho đến dốc. Sinh sản trong khoảng tháng 2 - 5. Làm tổ trên mặt đất, đẻ 4 - 10 trứng.

Gà lôi hông tía đực oai vệ

Chúng có mối tình với nhau dưới tán rừng với điệu gáy và múa cánh, xòa lông lộng lẫy của con đực tán tỉnh con mái. Tiếng gáy của con đực to và xa, bộ lông ưỡn ra trước rừng xanh oai vệ là mức gợi tình phương phi và cường tráng để những con mái chú ý. Cái tổ con mái làm ra nhưng con đực gắp đến những cọng cỏ khô mềm mại để lót ổ thêm phần ấm áp. Khoa học thì chưa chứng minh chúng “yêu” nhau trong mùa sinh sản như thế nào nhưng anh em Vân Kiều biết chúng “yêu” nhau hơn những gì họ biết, bởi con đực sung mãn và cực kỳ chiều chuộng con cái, ngược lại nhu cầu con cái luôn tăng cao để duy trì nòi giống theo cách tự nhiên của chúng.

Ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng, một nhóm 3 nhà sinh học trẻ gồm Đặng Ngọc Kiên, Lê Thúc Định, Đinh Hoàng Tuấn đã làm dự án bẫy ảnh với 5 máy ảnh dưới tán rừng thứ sinh. Lúc đầu, họ hy vọng thu được mẫu lông gà lôi hông tía. Sau gần 3 tháng, nhóm đã bất ngờ khi những thước phim đưa đi tráng có nhiều cá thể đực và mái đã ra “sân ăn” nơi có những bẫy ảnh chờ đợi. Ngoài tự nhiên, gà lôi hông tía là loài nhút nhát, nó là một mắt xích trong chuỗi thức ăn của cáo, chồn, mèo rừng, thậm chí nhiều khi chúng còn bị khỉ tấn công. Do vậy, chúng được khoác một màu sắc hết sức bí ẩn. Đặng Ngọc Kiên nói: đã có nhiều thợ săn bắt một số cá thể, nhưng khi tiếp cận thì đã chết, hoặc bị làm thịt, hoặc đã bị bán, chỉ còn một số mẫu lông vương lại trong giỏ của thợ săn. Ước ao tận mắt chứng kiến chúng, nhóm của Kiên quyết định dấn thân vào tìm hiểu loài này. Và lần đầu tiên, họ thành công khi thu trọn hình ảnh của gà lôi hông tía.

Loài này xác nhận lần đầu vào năm 1858, nhưng đến nay mới có hình ảnh sinh động. Con đực trưởng thành có mào dài (70 - 90mm), thường dựng đứng, có màu đen lam ánh thép. Đầu, cằm, họng màu đen. Phần dưới lưng màu vàng kim loại. Hông và trên đuôi có đen tuyền và đỏ tía. Phần còn lại của bộ lông có màu lam tía. Con cái trưởng thành không có mào nhưng lông ở đỉnh đầu dài hơn. Đuôi thẳng và tròn. Bộ lông nhìn chung có màu nâu, ở bụng có hình vảy trắng nhạt. Mặt đỏ nâu. Da mặt và chân màu đỏ. Chúng làm tổ ở rừng núi đất. Bắt đầu vào mùa sinh sản vào năm thứ ba, mỗi lứa từ 4 - 8 quá trứng. Trứng ngắn và hơi tròn, màu vàng hồng nhạt kích thước (18 - 38mm). Ấp 24 - 25 ngày. Ăn hạt, giun và côn trùng.

Gà đực trông rất oai vệ với bộ lông sặc sỡ, gà mái kém về màu sắc nhưng chúng nhỏ thon trông rất kiêu kỳ với bộ lông giản dị của màu nâu thẫm điểm xuyến những chấm trắng bắt mắt.

theo Sức khỏe & Đời sống

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây