Những ché rượu “lẩu siêu” qua nhiều công đoạn cũng đã được ra lò. |
Để hiểu rõ về cách thức chưng cất của một ché rượu “lẩu siêu”, chúng tôi vượt hơn 50 km từ TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) để về buôn Thái, huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) tìm gặp già làng Lô Quốc Hợi (SN 1952) - người đã cất công gìn giữ bí quyết nấu rượu “lẩu siêu” truyền thống.
Mặc dù đã hơn 60 tuổi, nhưng già Lô Quốc Hợi vẫn đầy sức sống với nước da hồng hào, khỏe khoắn. Nhấp chén trà đắng, già Lô Quốc Hợi kể cho chúng tôi nghe về những tục lệ, mâm cúng trong những ngày hội, lễ lớn của đồng bào người Thái.
“Đối với người Thái, mâm cúng không cần cầu kì, linh đình nhưng phải đầy đủ các món truyền thống như: các món cá, các món thịt, mật mía, đường trắng, nước mắm.... Đặc biệt, trong mâm cúng không thể thiếu ché rượu “lẩu siêu”, già Lô Quốc Hợi cho biết.
Theo già Lô Quốc Hợi, rượu “lẩu siêu” chỉ được sử dụng trong những dịp lễ lớn hoặc tiếp khách quý. Bởi để cất ra một ché rượu “lẩu siêu” người làm tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Nguyên liệu nhất thiết phải có để cất lên một ché rượu “lẩu siêu” là gạo nếp. Gạo nếp được người nấu chọn lựa kĩ càng và quan trọng là không được mốc, vì nếu gạo mốc sẽ bị lên men, không thể cất thành rượu.
Nhưng bí quyết để có ché rượu ngon nằm ở men rượu. Men nấu rượu được làm chủ yếu từ bột nếp. Ngoài ra còn có lá mít, lá hương nhu, vỏ quế, riềng, cây mía non. Công thức là vậy nhưng phải biết phối hợp các nguyên liệu mới được mẻ men ngon.
Gạo nếp được nấu lên thành xôi rồi mang đi ủ. Tất cả các nguyên liệu này được ủ khô trong 1 tháng để ra nước tinh, chúng được trộn chung rồi mang đi nấu cách thủy.
Sau khi các nguyên liệu đã được hòa quyện vào nhau, chúng được cho vào “mai rùa” (cái mu bằng gỗ của nồi nấu rượu) để chưng cất. Qua vài giờ đồng hồ rượu “lẩu siêu” sẽ được ra lò với thành phẩm màu tím than.
Rượu “lẩu siêu” là một trong những nét đẹp truyền thống của người Thái. |
Điều đặc biệt để tạo nên những ché rượu “lẩu siêu” ngon là cách ủ rượu, phải ủ khô không được cho nước vào bên trong. Nguyên liệu được ủ càng lâu, rượu sẽ càng ngon, thường lệ người dân ủ trong 1 tháng rồi đem đi cất.
“Mỗi lần cất, người nấu chỉ cất tối đa 1 lít rượu trên 3-4 kg gạo nếp, còn bình thường chỉ cất khoảng 0.5 lít chứ không cất nhiều như những loại rượu khác. Nếu cất nhiều rượu sẽ không ngon và không đảm bảo mùi vị, chất lượng”, già Lô Quốc Hợi nói về kinh nghiệm nấu rượu.
Cũng theo già Lô Quốc Hợi, trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu thốn nên người dân sử dụng khoai, sắn để cất những ché rượu “lẩu siêu” nhưng không thể sánh bằng gạo nếp.
Bên cạnh đó, rượu “lẩu siêu” của người Thái không pha thêm bất kì thứ gì mà để nguyên chất 100%. “Rượu này rất nặng, có thể đốt cháy được. Đặc biệt, rượu rất thơm, dễ uống và không bị đau đầu như những rượu pha cồn khác. Nếu rượu nguyên chất, khi uống vào có cảm giác ngọt đắng, nồng ấm và sảng khoái”, vị già làng nắm trong tay bí quyết nấu rượu độc đáo của người Thái nhận định.
Bỗng với ánh mắt đượm buồn, già Lô Quốc Hợi tâm sự, trước đây, người dân còn nấu rượu “lẩu siêu” nhiều, nhưng thời gian gần đây nghề này dần bị mai một.
“Cả buôn Thái chỉ còn một vài hộ gia đình nấu được loại rượu “lẩu siêu” này. Tôi muốn truyền lại cho con cháu nghề truyền thống này, nhưng không phải ai cũng có thể học được”, già Lô Quốc Hợi tâm sự.
Có thể nói, nét văn hoá rượu “lẩu siêu” là một nét đẹp trong đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Thái. Ngày nay, có nhiều loại rượu khác được sản xuất và bày bán trên thị trường nhưng ít có loại rượu nào mang đậm nét hương vị truyền thống núi rừng Tây Nguyên như rượu “lẩu siêu”.
Trang Anh
Theo VNM - PL.XH
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn