Cùng với người đồng nghiệp Tony Sankar, Molina đã làm công việc dọn vệ sinh ở thành phố New York được 10 năm. Những gì họ tiếp xúc hằng ngày là rác thải, chuột chết, lợn chết, bò và cả những gã say. Có lần họ còn thấy một chân người trong thùng rác.
Sankar và Molina làm việc ca đêm, từ 7h tối đến 3h sáng bất kể là trời mưa hay nắng. Thế nhưng, họ vẫn gắn bó với công việc đầy vất vả này, một phần là vì mức thu nhập cao. “Thùng rác của các bạn chính là nguồn tiền của tôi”, Molina, 32 tuổi tươi cười nói.
Trong năm 2014, chàng trai này thu được 112.000 USD và đồng nghiệp của anh thu được 100.000 USD từ công việc của mình.
Theo hai ông chủ công ty quả lý chất thải Crown Container là David và Jerry Antonacci, tiền lương của hai nhân viên này đã tăng mạnh trong 9 năm qua.
Molina bỏ học từ năm lớp 10 và làm việc tại Crown Container trong suốt 10 năm qua. Ban đầu, lương khởi điểm của anh chỉ khoảng 80.000 USD một năm. Sankar cũng đã bỏ học trước khi di cư đến Mỹ cách đây 20 năm.
Không phải ai làm nghề này cũng có mức thu nhập 6 con số nhưng hầu hết trong số họ đang kiếm được nhiều hơn những người tốt nghiệp trung học phổ thông và thậm chí là tốt nghiệp đại học.
Biểu đồ thể hiện mức thu nhập của những người lao động bỏ học khi đang học trung học phổ thông, đã tốt nghiệp trung học phổ thông và những người làm nghề dọn vệ sinh. |
Thực trạng khó tìm người
Trên toàn nước Mỹ, mức lương cho một người chở xe rác trung bình là 40.000 USD (gần 900 triệu).
Với các ngành nghề khác, những người bỏ học khi đang học trung học phổ thông chỉ kiếm được khoảng 24.000 USD và những người đã tốt nghiệp trung học phổ thông có thu nhập cao hơn nhóm đối tượng bỏ học giữa chừng chỉ 6.000 USD.
Cả Molina và Sankar đều nhận thức được rằng, họ kiếm được nhiều hơn cả những người tốt nghiệp đại học.
Không chỉ có mức lương cao, tiền lương của họ cũng đang có xu hướng tăng nhanh qua các năm.
Trên toàn nước Mỹ, lương cho công nhân vệ sĩnh đã tăng 18% và tăng nhanh hơn rất nhiều so với mức trung bình 14% của tất cả người lao động kể từ khi suy thoái nổ ra vào tháng 6/2009. Một phần nguyên nhân dẫn tới thực tế này là bởi ở Mỹ, không dễ để tìm được người làm trong lĩnh vực này.
Tony Sankar nói rằng anh kiếm được nhiều tiền hơn những người đã học đại học. |
David Antonacci cho hay, ông chỉ nhận được 50 hồ sơ xin việc khi đăng quảng cáo tìm lái xe chở rác trong đó, cũng chỉ có 4 ứng viên có giấy phép lái xe chuyên nghiệp và tất cả đều từng bị phạt. Vì thế, ông không thể nhận họ.
Việc thiếu nhân lực sẵn có là lý do chính khiến Antonacci và ông chủ các hãng khác cùng lĩnh vực khác buộc phải tăng lương cao hơn hẳn so với mặt bằng chung. Không chỉ ở New York, các doanh nghiệp khác cở Davenport, Iowa,... cũng xảy ra tình trạng tương tự.
“Không chỉ có nhu cầu rất lớn về người lao động, chúng tôi còn cần họ có các kỹ năng”, Morris – Giám đốc Ủy ban xử lý chất thải quận Scott ở thành phố Davenport, tiểu bang Iowa cho hay. Nhân viên điều hành bãi chôn lấp rác thải tại đây kiếm được 50.000 USD/năm.
Ngoài mùi hôi thối của rác thải, Molina và Sankar còn phải làm việc nặng nhọc, len lỏi qua các con phố và phải nói chuyện với nhau liên tục để đánh tan cơn buồn ngủ vì họ làm việc lên đến 55-60 tiếng/tuần. Điều đó cho thấy công việc thu gom rác nặng nhọc cỡ nào.
Không chỉ là vấn đề về mặt thể chất, sự kỳ thị đối với công việc suốt ngày bẩn thỉu và hôi hám này cũng khiến cho nhiều thanh niên cảm thấy ngại ngùng khi chấp nhận làm việc này, dù trong xã hội vẫn không thiếu những người trẻ tuổi không có việc làm.(Theo Thế giới trẻ)