Được một công ty hứa hẹn nhập giống và thu mua giun giá cao, nhiều nông dân huyện Can Lộc- Hà Tĩnh khấp khởi hy vọng đổi đời. Có người còn van nài xin được nuôi giun. Gom được dăm chục triệu đồng chưa đủ, họ lại thế chấp tài sản ruộng vườn, vay tiền chính sách, ngân hàng.
Khi con giun làm… đầu cơ nghiệp
Anh Trần Xuân Trường (27 tuổi, ở xã Vượng Lộc - huyện Can Lộc - Hà Tĩnh) là lao động chính trong gia đình có 6 miệng ăn với 3 thế hệ. Giữa năm 2011, anh tình cờ chở phân thuê cho một người cùng huyện ở bên xã Vĩnh Lộc. Ông này kể cho anh Trường nghe chuyện nuôi giun cao sản (loại giun quế mang lại hiệu quả kinh tế cao). Cứ 1 năm 3 lứa thu lợi nhuận rất lớn.
Rồi ông ta giới thiệu một công ty (ở ngoài Hà Nội) là đầu mối chuyên nhập giống và thu mua giun. Đảm bảo sau 1 năm sẽ lấy lại vốn. Anh Trường bỏ cả tháng trời đi theo ông Yên tìm hiều, rồi quyết định "lập nghiệp từ giun". Anh bán xe máy, vay mượn thêm họ hàng và ngân hàng để đầu tư.
Công ty này cử người về hướng dẫn tận tình kỹ thuật nuôi giun rồi ký hợp đồng nhập giống và thu mua. Công ty chịu trách nhiệm nhập giống, phân nền, chế phẩm sinh học cho bà con. Đến kỳ sẽ cho người về thu mua. Theo giới thiệu, giun được xuất sang nước ngoài để làm thuốc chữa tai biến, kem dưỡng da, nước mắm, thực phẩm... Nhu cầu thị trường rất lớn nên không sợ thiếu nơi tiêu thụ.
Anh Trường đầu tư gần 150 triệu đồng xây dựng chuồng trại, nhập gần 2 tạ giống giun và chế phẩm sinh học (không nhãn mác, hạn sử dụng)… của công ty.
Theo đơn giá, 1 tạ giống khoảng 60 triệu đồng. Người ta còn cho biết, cái hay của giun là gần 2 tạ giống, sau lứa đầu sẽ thành 4 tạ. Rồi cứ lứa sau sẽ được nhiều hơn lứa trước. Mỗi tạ giun bán ra là 13 triệu đồng.
150 triệu đồng của anh Trường giờ chỉ còn lại nhúm đất với vài con giun
Suốt quãng thời gian tiếp đó, anh Trường “ăn với giun, ngủ với giun”, tay chân lấm lem phân trâu bò chờ ngày thu hoạch. Anh cho hay, nuôi giun phải để trong nhà tối, đủ độ ẩm, ngày nào cũng phải kiểm tra và canh chuột bọ.
Nuôi giun phải dùng phân trâu bò. “Chỉ cần vài ba hộ trong xã nuôi giun, giữa đường làng chẳng bao giờ thấy phân trâu bò”, anh Trường nói. “Cứ thấy đống phân nào trên đường, là hốt mang về nhà đổ vào cho mấy chục sạp đựng hàng triệu con giun lúc nhúc”.
Phá sản, nợ nần
Lứa thứ nhất anh Trường thu hoạch với 46 triệu đồng. Anh khấp khởi mừng thầm. Sang lứa thứ hai, lượng giun bỗng giảm xuống, chỉ bán được 30 triệu đồng. Trừ tiền nhập chế phẩm 19 triệu và một số chi phí khác, anh chỉ thu về gần 10 triệu đồng.
Sau đó giun cứ chết dần. Anh Trường và nhiều nông dân chung cảnh ngộ liên hệ phía công ty để hỏi nguyên nhân thì người ta bảo do nuôi không đúng kỹ thuật. Rồi không thấy nói gì nữa.
"Hồi đầu, cứ 3 ngày họ đến một lần, nhưng sau đó ít dần rồi lặn mất tăm." - Anh Trường nói. "Có điều lạ, mỗi xã, họ chỉ cho 3 nhà nuôi giun thôi. Nhiều hơn là không được. Cả huyện này có khoảng 15 nhà nuôi giun. Nhiều người đã bỏ, không nuôi giun nữa".
Ông Trần Văn Xuân (54 tuổi) bố anh Trường - Cảnh đời xơ xác vì giun
Cũng giống anh Trường, những người nuôi giun ở huyện Can Lộc đang tỏ ra vô cùng chán nản. Một số người đã bỏ, phá sạp giun chuyển sang nuôi gà. Nhiều nhà vẫn còn để nguyên chuồng trại nhưng không buồn ngó ngàng. Có gia đình vẫn đang cố nuôi bởi nghe có người hứa sẽ nhập với giá rẻ.
Gia đình bà Trần Thị Đơn (xã Vượng Lộc) vốn là hộ chăn nuôi lợn có tiếng trong vùng. Thấy người ta vẽ viễn cảnh nuôi giun đẹp quá, bà Đơn bán tống bán tháo đàn lợn gần 50 con được hơn 50 triệu. Bà vay thêm 200 triệu từ ngân hàng, quyết định đầu tư làm ăn lớn. Ngờ đâu, tiền theo giun ra đi hết.
"Gia đình tôi khổ lắm! Con thì đông. Con gái tôi nó tiếc của, cứ khóc suốt. Hiện mỗi tháng phải oằn lưng trả hơn 3, 5 triệu đồng tiền lãi ngân hàng", bà Đơn tâm sự.
Tìm đến nhà một nông dân ở xã Mỹ Lộc - huyện Can Lộc, chúng tôi hỏi chuyện một bà cụ độ hơn 70 tuổi: "Nhà có giun nhập không bà?". Bà cụ cau có nói: "Giun chi mà giun! Hết rồi!"
Theo Báo mới
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn