Chăn nuôi bò - hướng đi mới của của bà con dân tộc ở Ia H’Drai - Kon Tum

Thứ tư - 07/06/2017 15:25
Vài năm trở lại đây, người dân trên địa bàn huyện Ia H’Drai – Kon Tum đang từng bước đa dạng hoá các loại cây trồng, vật nuôi, trong đó, phát triển chăn nuôi bò là hướng đi mới đang được nhiều hộ gia đình lựa chọn, đặc biệt là các bà con dân tộc thiểu số.
Với lợi thế về nguồn thức ăn, điều kiện chăn thả, số lượng đàn bò trên địa bàn huyện biên giới này đang tăng lên từng ngày và bước đầu đã khẳng định hiệu quả kinh tế mang lại, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo số liệu thống kê của UBND huyện Ia H’Drai – Kon Tum, tổng đàn bò toàn huyện hiện có khoảng 370 con, tập trung chủ yếu ở hai xã Ia Dal và Ia Dom. So với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh thì đây là một con số khá khiếm tốn, nhưng với một huyện non trẻ như Ia H’Drai, dân cư chưa nhiều, khí hậu khắc nghiệt thì đó là một kết quả đáng tự hào. Phong trào nuôi bò ở Ia H’Drai mới chỉ phát triển khoảng gần hai năm năm trở lại đây, đặc biệt là từ khi có sự tiếp sức từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số đã có cơ hội đầu tư nuôi bò, phát triển kinh tế gia đình.

Ông Trần Minh Quỳnh (thôn 2, xã Ia Dom) là một trong những hộ đầu tiên trong xã mạnh dạn đưa con bò vào nuôi và hiện nay ông đang có trong tay đàn bò thuộc diện nhiều nhất ở đây với 5 con.

Ông Quỳnh cho biết: Chăn nuôi trâu, bò là công việc đã quen thuộc với tôi từ khi ở ngoài quê, vào đây thấy nguồn thức ăn dồi dào cũng muốn nuôi vài con bò, nhưng ngặt nỗi kinh tế gia đình còn khó khăn, không có vốn liếng đầu tư nên đành chịu. Cuối năm 2014, tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 30 triệu đồng, góp thêm tiền tích luỹ của gia đình, tôi mua được 3 con bò nái, năm ngoái đã tăng thêm được 2 bê con. Nuôi bò không khó lắm, thức ăn cũng dễ dàng bởi nguồn cỏ có sẵn, chỗ chăn thả rộng rãi mà lợi nhuận cũng rất khá. Tôi tính, bò mẹ sinh được bao nhiêu để lại nuôi hết, mình chịu khó chăn dắt, cắt cỏ khi nào làm việc gì cần nhiều tiền thì mới bán.

Cũng giống như nhà ông Quỳnh, nhiều gia đình ở thôn 2 đã mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi bò. Hộ nào ít vốn thì mua một con, hộ nào có điều kiện kinh tế hơn thì nuôi 2 – 3 con bò sinh sản. Hiện tại, người dân vẫn nuôi bò theo hướng chăn thả truyền thống, tận dụng nguồn cỏ tự nhiên; tuy nhiên, một số hộ cũng đã bắt đầu tìm hiểu và tính đến phương án trồng cỏ nuôi bò để chủ động hơn về nguồn thức ăn, đảm bảo chất lượng cỏ.

Như vậy, bên cạnh việc làm công nhân cho các đơn vị làm kinh tế đóng chân trên địa bàn với công việc chính là trồng và khai thác mủ cao su, người dân xã Ia Dom nói riêng và huyện Ia H’Drai nói chung đang từng bước mở rộng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi và nuôi bò là hướng đi được nhiều gia đình ưu tiên để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

 


Chị Lương Thị Nhơn (thôn 3, xã Ia Dal, huyện Ia H’Drai) đang chăm sóc đàn bò của mình

 

Gia đình chị Lương Thị Nhơn (ở thôn 3, xã Ia Dal) cũng thuộc tốp các hộ đầu tiên đưa con bò vào chăn thả, năm 2014, chị được vay 20 triệu đồng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội cộng với số tiền tích luỹ của gia đình, chị quyết định mua một cặp bò nái.

Đến nay, đàn bò nhà chị đã có 4 con, tính sơ qua, tổng giá trị cũng lên tới hơn 60 triệu đồng. “Nuôi bò tương đối nhàn, buổi sáng mình đi làm dắt luôn bò ra thả ngoài rẫy, chiều lùa về chuồng, khi nào mưa gió thì mới phải cắt cỏ thôi. Nhà mình tính sẽ phát triển đàn bò lên khoảng 4 – 5 con bò cái sinh sản, bê con sinh ra sẽ nuôi thành bò thịt để bán. Bây giờ, cuộc sống chi tiêu hằng ngày thì đã có lương công nhân của hai vợ chồng; nguồn thu từ chăn nuôi mình để tích luỹ làm nhà” – Chị Nhơn chia sẻ. Còn rất nhiều bà con dân tộc thiểu số bước đầu chăn nuôi bò có hiệu quả cao như hộ anh Hà Văn Vi, hộ anh A Vinh…

Bí thư chi bộ xã Ia Dal, Rơ Châm Luy cho biết: Người dân xã Ia Dal chủ yếu là đồng bào Thái, Mường, một số hộ là người Gia Rai, Mơ Nâm... không xa lạ gì với việc chăn nuôi bò nên khi được Nhà nước hỗ trợ vốn vay ưu đãi phát triển chăn nuôi, họ mừng lắm, nhà nào cũng rủ nhau mua bò để nuôi. Đàn bò ở đây toàn bộ là giống địa phương với vốn đầu tư ban đầu ít mà bò có sức đề kháng tốt, thích hợp với khí hậu khắc nghiệt, nuôi theo phương thức chăn thả truyền thống nên không tốn nhiều công. Với việc mở rộng chăn nuôi vừa giúp các gia đình có thêm nguồn thu nhập, vừa tận dụng nguồn phân bón để trồng lúa, bắp...

Phong trào nuôi bò ở Ia H’Drai đang phát triển mạnh, nhưng điều mà các cấp, ngành và nhiều hộ gia đình còn băn khoăn lo lắng là hiện tại nguồn bò giống đều do các hộ tự tìm chưa được kiểm soát gắt gao về chất lượng; người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các kỹ thuật chăn nuôi mới, các chương trình phòng chống dịch bệnh nên dễ xảy ra rủi ro. Bên cạnh đó, đầu ra cho hàng hoá cũng là điều mà người dân băn khoăn bởi Ia H’Drai là đại bàn vùng sâu, vùng xa; ít thương lái biết đến nên thời gian khi lượng bò xuất bán nhiều cũng sẽ gặp nhiều khó khăn...

Dù vẫn còn những khó khăn, số lượng đàn bò ở huyện biên giới Ia H’Drai chưa thực sự nhiều, nhưng thực tế việc mở rộng phát triển chăn nuôi bò để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân là một hướng đi cần được khuyến khích. Đây sẽ là tiền đề và nền tảng vững chắc trong việc giảm nghèo bền vững và mở hướng làm giàu cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Ia H’Drai.

Theo Vũ Hoàng- Thiên An Báo Đời sống & Tiêu Dùng

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây