Chuyện đời của Hồ Khanh - Người phát hiện hang Sơn Đoòng

Thứ bảy - 03/06/2017 13:40
Nhà văn Nguyễn Minh Sơn đặt cái danh đóng đinh cho Hồ Khanh (Phong Nha, Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) là “Người dẫn đường số một” khi anh tìm ra hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng vào năm 2009.


Sơn Đoòng đỉnh cao dẫn đường của Hồ Khanh.

Lúc đó, ông Phan Lâm Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ký tặng bằng khen cho anh. Cuộc sống của người hùng hang động từng phải mượn ruộng mưu sinh, vô vàn khó khăn nhưng luôn giữ lửa nghề nghiệp để ngày nay, anh còn sở hữu thêm thương hiệu riêng: Ho Khanh Homestay khiến du khách Tây ngưỡng mộ.

Từng mượn ruộng mưu sinh

Cuối tháng 4-2009, khi Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh công bố hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng (Quảng Bình) thì cái tên người tìm ra hang động này cũng được các hãng truyền thông thế giới xướng lên. Cứ tưởng cuộc đời khó khăn sẽ đoạn tuyệt với anh nhưng năm sau, trận lũ lịch sử quần nát những gì anh có được, Hồ Khanh phải mượn ruộng mưu sinh.


Sau trận lũ 2010, Hồ Khanh thất bát nhiều thứ.

Nhớ lại đận khó khăn đó, Hồ Khanh kể: “Mùa đông gió rét căm căm, tôi cùng vợ phải chạy vạy nhiều nơi kiếm sống, đắp đổi cơm gạo qua ngày. Nhà có bốn miệng ăn, lo bở hơi tai. Hai đứa con đi học, tiền học phí, xây dựng, rồi tiền bút vở đuổi cả sau lưng”. Năm ấy, nhà Khanh chăn nuôi 6 con dê nhưng lũ lụt cuốn phăng. Khanh lại lên rẫy cào cấu đất đai tăng gia sản xuất. Nhưng cái khổ cứ cuốn chặt gia đình nhỏ bé bên bờ sông Son. Đã nhiều ngày, Hồ Khanh tất bật ngược xuôi nhưng vẫn không cáng đáng được cuộc sống, lo cái đói vổ mặt, Khanh qua nhà chị gái xin mượn sào mười đất ruộng một vụ để trồng lúa mưu sinh. Ruộng gieo trước tết, gặp trời lạnh ngắt, mạ chết trắng, Khanh lại vay mượn mua giống về làm lại từ đầu.


Anh phải vỡ đất trồng khoai chống đói giáp hạt.

Nhiều nhà báo gặp Khanh lúc đó hỏi: “Khó thế này có làm lại lâm tặc?”. Khanh nói từ tốn: “Đã thôi nghề rừng, bỏ nghề trầm rồi, chừ quay trở lại có mà bất nhân với thần rừng. Khó mấy, khổ mấy cũng không thể phản bội lại lời thề hai chục năm nay. Nghèo thì không được hèn anh ạ, chừ chăm bẵm vô đám ruộng mượn của chị gái mà sống. Chắc chắn phải sống rồi, nhưng không thể ngựa quen đường cũ được”.

Giữ lửa đam mê


Bằng khen UBND tỉnh Quảng Bình tặng Hồ Khanh tại nhà.

Tháng 7-2009, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình lúc đó là ông Phan Lâm Phương ký tặng bằng khen cho Hồ Khanh vì đã có thành tích tìm ra hang động Sơn Đoòng. Nhưng mãi đến tháng 3-2011 Hồ Khanh mới nhận bằng khen và phần thưởng khiêm tốn. Thời điểm đó ông Đặng Phúc Duệ, Trưởng ban thi đua khen thưởng tỉnh Quảng Bình có lời xin lỗi về sự chậm trễ. Hồ Khanh trịnh trọng treo tấm bằng khen lên trong căn nhà bốn bề thưng ván, gió lùa thông thống.

Cũng thời gian trên, biết Hồ Khanh là người tìm ra hang động Thiên Đường dài nhất châu Á với 31km, Tập đoàn Trường Thịnh mời anh vào làm hướng dẫn viên. Nhưng tính toán lại ngày công, chi phí xăng xe mỗi ngày đi về hơn 40km, Khanh thấy không đủ tiền mua gạo cho vợ con đành cắt hợp đồng, về nhà bòn mót qua ngày để tích sức lực nhằm đi rừng tìm kiếm hang động.


Từng nghèo khó nhưng anh vẫn tìm kiếm hang động để đoàn của Howart Limbert thám hiểm.

Khanh quyết tâm: “Em mượn ruộng cũng phải đi rừng, đã giúp được đoàn thám hiểm Anh tìm ra Sơn Đoòng thì phải giúp hết mình, bởi đây là quê hương mình mà”. Mùa đông năm 2011, từng chiếc lá úp mặt ướt nhệt dưới tàng cây bên sông Son, khói chiều hắt bóng cong cong bên chái bếp nghèo khó, những đứa con của Khanh thâm tím vì lạnh, vợ Khanh lúi húi nấu bữa chiều đạm bạc nhưng Khanh vẫn giữ lửa quyết tâm luồn rừng cho các chuyến khám phá mới. Bởi Khanh nói: “Em đã từng thề với rừng, trước đây lấy trầm của rừng thì phải trả cho rừng những bí ẩn cần công bố”. Khanh nói thế và đi ra sau vườn nhà vở đám đất cho kịp mùa trồng khoai chống đói sắp cử giáp hạt.


Trong ảnh, hang sông Khe Ry dài 18km mà Hồ Khanh từng tìm ra.

Mọi người đến thăm buổi đó, thấy giữa vô biên khó khăn, một ngọn lửa vẫn cháy trong hồn cốt Hồ Khanh. Ấy là ấp ủ tìm thêm các hang động mới. Khanh nói: “Khó khăn mấy cũng bám vào thiên nhiên để tìm các hang động mới cho thế giới biết thêm về vùng núi đá vôi Kẻ Bàng”. Trong ánh mắt sâu buồn của thiếu thốn hôm ấy, Khanh không buông xuôi việc tìm hang động, đó là cách thuốc thang nhằm khuây khoả đi bao khó khăn đang bủa vây gia cảnh.

Trái ngọt Homestay


Những đoàn làm phim quốc tế hay bất cứ bài báo nào xuất bản đều có tên Hồ Khanh và Howart Limbert.

Khi vợ chồng chuyên gia hang động Howart Limbert được một công ty lữ hành hàng đầu mời về Phong Nha làm cố vấn, họ gặp lại Hồ Khanh cùng vợ đang nhặt cỏ trong khu vườn trồng khoai mùa giáp hạt bên sông Son. Howart và vợ của mình không cầm nổi nước mắt bởi người dẫn đường số một sống quá nghèo.

Hai ông bà lên một kế hoạch, gợi ý vợ chồng Hồ Khanh mở một quán cà phê nhỏ với tên hiệu Hồ Trên Núi. Sau đó, họ mời khách quốc tế quen biết đến Phong Nha ghé đến giao lưu với người tìm ra hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng.


Gặp lại Hồ Khanh, Howart Limbert đã khuyên họ mở quán.

Hồ Khanh kể: “Những khách khứa của vợ chồng ông bà Howart đến dùng cà phê, rồi bữa sáng bằng sản vật quê, tự tay vợ tôi nấu. Có người nắm tay, người sờ chân, người chụp ảnh với tôi vì thích thú rồi đưa lên mạng internet, quán Hồ Trên Núi đông khách dần lên". Lúc đó, vợ chồng Howart lại khuyên gia đình Khanh, nên làm nhà nghỉ kiểu Homestay. Khanh trằn trọc không biết vốn liếng ở đâu, nhưng nghe theo chuyên gia khuyên, anh đã chạy khắp nơi vay làm ngôi nhà rường bên sông Son. Khách được Howart giới thiệu trên mạng tìm đến và sẵn sàng chi trả từ giá phòng đến nước uống, thức ăn rồi sinh hoạt trong khuôn viên dân dã của gia đình người dẫn đường số một.


Và đây là thành quả của lời khuyên đó.

Từ căn nhà rường có 3 phòng nghỉ ban đầu, khách đến ngày mỗi nhiều, Hồ Khanh lại tiếp tục vay mượn đầu tư thêm hơn một tỷ đồng xây ba căn nhà hiện đại trên khu đất mà vợ chồng anh từng vỡ đất trồng khoai chống đói. Trên luống đất đó Khanh cải tạo thành khu vườn mát rượi dáng cây huê bản địa xanh mướt. Cuộc sống hiện phải chi trả nợ nần đã vay, nhưng dễ thở hơn buổi nghèo khó trước. Mùa giáp hạt năm nay, Hồ Khanh không còn cảnh cuốc đất trồng khoai chạy đói nữa mà tính toán làm sao phục vụ chu đáo du khách.

Hồ Khanh bên bờ sông Son. Mảnh đất nhà anh trước đây từng trồng khoai chống đói nay anh làm nhà nghỉ nhỏ đón khách. Vượt rừng dẫn khách vào Sơn Đoòng hay đi tìm hang động vẫn là đam mê của người đàn ông hiền lành này.

Cứ mỗi bài báo viết về Sơn Đoòng, tên tuổi của Hồ Khanh lại được nhắc trong và ngoài nước nên khách tây đến ngày mỗi nhiều. Hồ Khanh lại có thêm thương hiệu Ho Khanh Homestay nổi tiếng trên thế giới mạng bởi khách đến đều chụp ảnh với anh và đưa lên cho bạn bè họ biết. Khanh phục vụ rất nhiệt tình, làm hẳn một bãi tắm miễn phí cho du khách bên sông Son sau vườn nhà. Bất cứ ai đến tắm mà không ở, Khanh và vợ đều vui lòng phục vụ. Khanh nói: “Làm thế để lần sau họ quý mà đến chứ tính phí vì họ không ở Homestay của mình thì coi răng được”.

Bây giờ, Hồ Khanh không chỉ có cơ ngơi như thế mà còn được tín nhiệm làm chỉ huy đội quân porter tại công ty lữ hành danh tiếng Oxalis. Uy tín của Hồ Khanh được đánh giá cao và hãng phim ABC ghi nhận rất lớn. Ở làng Phong Nha, không ai qua được Hồ Khanh khi anh điều động một lúc 200 người gùi thồ bất cứ lúc nào, bất cứ mùa nào, cũng đủ biết cái tên của người dẫn đường số một uy lực thế nào trong mảnh làng thơ mộng bên bờ sông Son.

Người của hang động


Những hang động kỳ vĩ Hồ Khanh đều dẫn đường.

Ngoài Sơn Đoòng được anh đặt tên, Hồ Khanh còn phát hiện 30 hang động khác và dẫn đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh đi đến tận từng hang. Và đoàn thám hiểm trao cho anh quyền đặt tên 30 hang động mới.

Hồ Khanh nói: “30 hang động đó có cái đoàn mới đi 300m, có cái đoàn đã đi hơn 500m vì không có thời gian. Nhưng chung một điều là hang động nào cũng đẹp đến sững sờ vì thạch nhũ rất hoành tráng”. Những hang động Hồ Khanh đặt tên như hang Vực Cá Thau, Động Long, hang Phong, hang Hùng, hang Khanh, hang Thái Hoà…Những tên động có khi Hồ Khanh lấy tên người trong đoàn để đặt tên, có khi thấy ở hang có loại đặc trưng là đặt như hang Vực Cá Thau là nơi nhiều cá Thau nên anh đặt tên hang như thế. Đoàn thám hiểm cũng đề nghị để ghi nhớ công trạng của anh, đã yêu cầu anh đặt một hang có tên hang Khanh.

Trong 30 hang động, anh ấn tượng nhất là Sơn Đoòng, còn một hang động đẹp khác với vô số thạch nhũ như chốn bồng lai tiên cảnh anh đã lấy tên con gái của mình là Thái Hòa đặt tên thành hang Thái Hòa. Hang Thái Hòa như một thiên đường “treo” giữa lưng chừng núi đá vôi. Từ chân núi lên hang Thái Hòa mất một tiếng rưỡi, thạch nhũ đẹp đến kinh ngạc và có hồ nước trong vắt “treo” trong đó nhưng chưa biết nguồn ở đâu ra.

Ngoài bằng khen của UBND tỉnh, mới đây Hồ Khanh và Howart Limbert được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba vì thành tích tìm kiếm, quảng bá hang động ra với thế giới.


Theo Phapluattp.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây