Nguyễn Thiếp (1723-1804) vốn có tên húy là Minh, tự là Quang Thiếp, sau đổi là Thiếp. Ông còn có rất nhiều tên tự hay tên hiệu, riêng vua Quang Trung gọi ông là La Sơn phu tử, La Sơn tiên sinh. Ông là một trong những danh nhân nổi tiếng và cũng là người đã có công rất lớn trong việc hiến kế giúp vua Quang Trung đánh đuổi quân Thanh xâm lược. Sử sách cũng ghi nhận: Những sự cải cách rộng lớn về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội trong triều đại nhà Tây Sơn, phần lớn đều do Nguyễn Thiếp hoạch định.
Cảm kích trước tài năng, đức độ của Nguyễn Thiếp, sau này nhân dân đã lập đền thờ ông ở xã Kim Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Hàng năm, người dân địa phương và các vùng lân cận đều về đây để dâng hương tưởng nhớ tới danh sĩ. Năm 1994, đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp vinh dự được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Tuy nhiên, trải qua thời gian ngôi đền không được trùng tu nên đã xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ trở thành phế tích...
Nhìn từ bên ngoài, đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp giống như một ngôi nhà hoang. Hàng chữ khắc trên cổng đã bị phai mờ. Phía trong ngôi đền là một khuôn viên cỏ dại mọc um tùm, ngôi nhà, hàng rào đều được phủ kín bởi một lớp rêu xanh, nền nhà và nền sân đều đã bị bong tróc, phơi lớp đất đá phía dưới. Tường nhà nứt nẻ, mái ngói dột nát, chỉ cần một cơn mưa nhỏ cũng đủ làm nước chảy lênh láng cả thượng điện và trung điện. Những cột trụ ở thượng điện và trung điện đã bị mục nát, có thể đổ bất cứ lúc nào.
Là di tích lịch sử quốc gia nhưng Đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp như một ngôi nhà bỏ hoang. |
Ông Nguyễn Văn Giai – cháu hậu duệ đích tôn của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, người trông coi đền cho biết: “Lâu lắm rồi đền không được tu sửa, tôn tạo nên giờ xuống cấp trầm trọng, mối mọt khắp nơi, nếu không kịp thời sửa chữa thì sẽ có thể bị sập bất cứ lúc nào. Tôi là Tộc trưởng nhưng đồng thời là người trực tiếp trông coi ngôi đền, hằng ngày thắp hương cho cụ Nguyễn Thiếp mà lòng tôi thấy xót xa lắm, nhưng với sức lực của họ chúng tôi thì không thể làm gì được”.
Còn theo ông Trần Văn Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lộc: “Từ khi được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đến nay đền chỉ được tôn tạo 1 lần vào năm 1997 và năm 2010 thì xây tường rào, đổ đất phía sau đền. Chúng tôi đã nhiều lần làm tờ trình gửi lên các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Nguồn ngân sách của chính quyền địa phương thì hạn hẹp, dân còn nghèo khó nên có kêu gọi cũng chẳng được là bao. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể để ngôi đền sớm được trùng tu tương xứng với công lao to lớn của cụ Nguyễn Thiếp”.
Theo Thanh Tâm - Nhật Mai (bảo vệ pháp luật)