Chúng tôi đến Ngã ba Đồng Lộc vào một chiều nắng gay gắt giữa tháng tư tìm chị Đặng Thị Yến – người con gái một mình mấy chục năm lặn lội đi tìm kỷ vật trưng bày ở Khu di tích thiêng liêng và ý nghĩa này.
Ở một góc nơi trụ sở tiếp khách của Khu di tích, người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu, nụ cười luôn nở trên môi đang vừa kết vòng hoa vừa nói chuyện vui vẻ với các nhân viên khác.
Nếu như không biết chị từ trước, khó ai có thể nhìn ra người phụ nữ giản dị trong bộ quần áo TNXP ấy đã từng nguyên là Phó ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, nay đã nghỉ hưu được ba năm. Hơn nữa, cũng người phụ nữ này đã và vẫn đang một mình “thân gái dặm trường” đi tìm và lưu giữ nhưng kỷ vật vô giá của những con người góp phần làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc.
Chị Đặng Thị Yến bên cạnh những hiện vật và tư liệu lịch sử mình thu thập hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng của Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc |
Hôm đó, do chị quá bận nên hẹn tôi nói chuyện vào một hôm khác. Sau những ngày tiếp tục lặn lội đi các miền đất tìm những kỷ vật mà chị có được thông tin, chị mới có một ít thời gian ngắn ngủi cho câu chuyện của chúng tôi.
Chị quê gốc ở huyện Thanh Chương (Nghệ An), vốn là con gái thứ ba của Liệt sỹ Đặng Loan, nguyên là TBT của báo Miền Tây Nghệ An. Chính vì vậy, từ nhỏ trong chị đã thấm và hiểu được những nỗi đau thương, mất mát mà chiến tranh gây ra.
Năm 1977, sau khi tốt nghiệp Ngành bảo tàng chị về công tác tại Phòng Văn hóa huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), phụ trách mảng Bảo tàng.Từ năm 1978 đến nay, chị đã một mình tìm hiểu thông tin, lặn lội khắp nơi, không chỉ ở riêng Hà Tĩnh mà còn ở khắp mọi miền đất nước để kiếm tìm những tư liệu và hiện vật lịch sử liên quan đến 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc cũng như về lực lượng TNXP trong cả nước.
Chị kể, thời đó còn nghèo khổ, xe máy không có mà đi nhưng chị vẫn cơm đùm cơm nắm, một mình một chiếc xe đạp đi tới gia đình các cô.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần chị tìm đến nhà chị Trần Thị Hường. Do không biết đường nên đi đến đâu chị phải hỏi. Lần đó, người dân chỉ cho đến cầu “Sở Rượu”, tuy nhiên họ lại đùa và nói thành cầu “Say Rượu” khiến chị đi lại mấy vòng mà không tìm ra, sau mới biết là mọi người đùa.
Ông Trần Hậu Tịch là cậu ruột của chị Hường kể, chị Hường vốn hát rất hay và rất ngoan. Khi nhắc đến chị, ông ôm lấy chiếc valy cũ, vốn là nơi để vật dụng của chị Hường khi xưa còn sống và khóc. Sau một thời gian thuyết phục mới được gia đình tặng chiếc valy để trưng bày tại khu di tích.
Chị cũng không thể quên những lần lên Hương Sơn tìm gặp gia đình chị Hồ Thị Cúc. Gia đình chị Cúc vốn ở Sơn Bằng, đạp xe lên Sơn Bằng nhưng khi vào xã hỏi thì đã biết gia đình chị đã chuyển về Sơn Hồng. Chị lại lặn lội sang. Phải đi hai lần chị mới gặp được ông Dụng, người dượng của chị Cúc.
Ông kể, cuộc đời Chị Cúc luôn thấm đẫm nước mắt và đau khổ. Mẹ đi bước nữa, chị từ nhỏ đã vất vả, sau lấy chồng cũng không hạnh phúc. Sau khi chồng mất thì chị vào bộ đội. Ông Dụng và những người đồng đội từng chiến đấu và biết chị năm xưa vẫn không thể nào quên được hình ảnh và khuôn mặt chị Cúc lúc nào cũng đượm buồn, ít cười ít nói, ánh mắt hiện lên nỗi vất vả trong cuộc sống mà chị phải chịu đựng. Trong trận bom cướp đi sinh mạng của mình và các đồng đội, chị cũng là người được tìm thấy cuối cùng. Có người đã nói rằng, số phận chị Cúc vất vả cho tới tận cuối cuộc đời. Tuy nhiên lòng yêu nước và sự hi sinh của chị đã được lớp lớp người Việt Nam nghi nhớ và đi vào huyền thoại.
Sau bao vất vả cuối cùng chị cũng đã đưa được lọn tóc của chị Võ Thị Tần về bảo tàng |
Tìm được đến gia đình các cô, nhưng để thuyết phục được các gia đình họ tặng lại những kỷ vật để trưng bày ở khu di tích cũng là một chặng đường khó khăn không kém. "Tôi phải đến rất nhiều lần thuyết phục mới được đồng ý. Như để đưa được lon tóc của chị Tần về trưng bày, tôi đã phải đi hơn chục lần mới được anh Hồng – người nắm giữ kỷ vật này đồng ý. Các kỷ vật, thường rất quý giá và là những gì còn lại của các cô để lại với gia đình sau khi ra đi, vì vậy họ thường muốn giữ lại.
Đến nhiều nhà, thấy họ làm việc, tôi cũng vào làm với họ, từ đó nói chuyện thân tình, tâm sự với họ và thuyết phục dần dần. Một thời gian họ hiểu được ý nghĩa nên cũng tặng lại các kỷ vậy để trưng bày ở khu di tích” – chị Yến trầm ngâm chia sẻ.
Trong thời gian mấy chục năm, một mình chị đã thu thâp được khoảng 1000 tư liệu và hiện vật được trưng bày, lưu giữ tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Chị cũng chính là một trong những người vận động xin tài trợ để xây dựng và hình thành nên Khu di tích khang trang như ngày hôm nay, trở thành một địa chỉ đỏ, là nơi dừng chân của đông đảo người dân Việt Nam và du khách quốc tế tri ân những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho độc lập và thống nhất đất nước.
Hiện nay, chị đã nghỉ hưu được ba năm, nhưng chị vẫn xin được ở lại làm việc tại khu di tích.
“Tôi đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục đi tìm những kỷ vật. Khi có một đoàn TNXP hoặc cựu chiến binh nào tới Khu di tích, tôi đặt vấn đề và khi có được thông tin từ họ là tôi lại lên đường” – chị tâm sự.
“Yến ơi, làm cho các chị bát nước chè xanh…”
Hiện nay, dù đã nghỉ hưu từ năm 2011, nhưng chị vẫn sống và gắn bó với khu di tích Ngã ba Đồng Lộc như một phần máu thịt không thể thiếu trong cuộc sống của chị.
Không may mắn trong chuyện gia đình, năm 1993, chị chia tay chồng và ở vậy một mình nuôi ba người con khôn lớn nên người. Hiện, các con đã thành đạt và tự lập với cuộc sống riêng. Còn chị, dù đã nghỉ hưu nhưng chị vẫn ở trong khu nhà ở của khu di tích và làm việc tại đây, lâu lâu chị lại ra thăm và vui thú với con cháu ở xa.
Suốt 37 năm qua chị Yến đã, đang “thân gái dặm trường” đi tìm và lưu giữ nhưng kỷ vật vô giá của những con người góp phần làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc. |
“Mỗi buổi sáng tôi dậy rất sớm, tới khu mộ của các cô sửa soạn trước khi trời sáng. Đặc biệt hơn một năm trở lại đây, mỗi sáng sớm tôi đều nấu và om một ấm nước chè xanh để mời các chị” – chị ngậm ngùi kể.
Uống nước chè xanh là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu của người dân Hà Tĩnh. Kể về bát nước chè, chị chia sẻ: cách đây một năm, có một lần như có tiếng nói của ai đó ở bên tai tôi “Yến ơi, làm cho các chị bát nước chè xanh với”… Thế là từ đó mỗi sáng thức dậy chị dành một khoảng thời gian om một ấm nước chè ngon nhất, nước xanh nhất và rót ra 3 ly để mời các chị.
Và dường như, tình cảm gắn bó máu thịt với khu di tích này đều thể hiện trong mỗi ngày, mỗi việc chị làm, mỗi khi chị tới khu di tích và trước khi về. Chị kể, sáng sớm khi tới khu mộ của 10 cô gái, chị đều nói “em chào các chị” trước khi vào công việc. Mỗi ngày trước khi về nghỉ chị cũng tới và nói “chào các chị em về” thì khi đó chị mới cảm thấy an tâm khi trở về.
Chị bảo, “tôi dù đi đâu rồi cũng muốn về với Ngã ba Đồng Lộc. Đi đâu xa, thậm chí đi Hà Nội thăm con cháu nhưng vừa đến nơi là tôi lại muốn về với các cô, chia sẻ với các cô. Tôi không đi đâu lâu được, vì đi là lại bồn chồn muốn về” – chị rơm rớm nước mắt kể về những chất chứa trong lòng khi thấy mình đã quá gắn bó máu thịt với mảnh đất này. Không ngẫu nhiên mà nhiều người gọi chị là người con gái thứ mười một ở Ngã ba Đồng Lộc.
Trong khoảng thời gian mấy chục năm chị vẫn luôn liên hệ và tìm mọi cách giúp đỡ gia đình các cô. Chị bảo hồi trước các gia đình thân nhân các cô nghèo và vất vả lắm, hiện tại đã khá hơn nhờ có sự hỗ trợ của mọi người, của các cơ quan đoàn thể và du khách. “Lạ ở một chỗ là, dù ở xa nhưng những chuyện xảy ra với gia đình các cô tôi vẫn thấy mình cảm nhận được. Họ vẫn luôn coi tôi như con cái trong chính gia đình của họ” – chị chia sẻ.
Chị nói rằng, nhưng việc này là tự tâm bản thân mình muốn làm. Có lẽ, vì mình là người trực tiếp đến gia đình các cô, tự mình được nghe và thấu hiểu được những hoàn cảnh, số phận và tâm tư các cô khi còn sống qua lời kể của những người thân, qua những câu chuyện liên quan đến các kỷ vật… Chính vì vậy có thể do quá gắn bó, do có một sự đồng cảm, một sự thấu hiểu và chia sẻ với những nỗi đau thương và mất mát cho những ai đã và từng đi qua cuộc chiến tranh khiến chị có những việc làm và hành động như vậy.