“Bó tay” với nạn phá hoại nông sản?

Thứ tư - 02/05/2018 18:29
Hàng loạt vụ phá hoại nông sản của người dân được phát hiện, rất nhiều những lá đơn cầu cứu, những lời thỉnh cầu từ những người dân lương thiện mong muốn tìm ra kẻ phá hoại được gửi tới cơ quan chức năng. Nhưng, có những vụ việc xảy ra cách đây đã vài năm nhưng đến giờ gia đình nạn nhân vẫn mỏi mòn chờ đợi ngày được “chỉ mặt, đặt tên” cho kẻ đã phá nát kinh tế nhà mình.
Nhà nông liên tiếp bị phá hoại tài sản

Cách đây 2 năm (2016), gửi đơn cầu cứu tới báo NTNN, ông Nguyễn Văn Tư (SN 1973, thôn Cầu Chang, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) cho biết, gia đình ông lâm vào cảnh khốn khổ đến cùng cực. Căn nguyên của sự việc là do tài sản của gia đình liên tiếp bị phá hoại khiến gia đình vô cùng hoang mang, sợ hãi.

Theo trình bày của ông Tư, vào 22 giờ đêm một ngày đầu tháng 4.2016, khu lán trại nuôi bò sữa nhà ông bất ngờ bốc lửa và cháy dữ dội. Sau vụ hỏa hoạn, toàn bộ thiết bị nuôi bò và máy móc chăm sóc bò của gia đình ông bị hư hỏng hết với tổng thiệt hại lên tới hơn 100 triệu đồng.

Trong vụ hỏa hoạn này, rất may gia đình đã kịp chuyển 9 con bò sữa và 3 con bò vàng trong chuồng ra ngoài.

 

 Đàn bò sữa nhà ông Nguyễn Văn Tư bị phá hoại cách đây hơn 2 năm, nhưng thời điểm hiện tại, gia đình vẫn lo lắng vì kẻ thủ ác chưa lộ diện. ảnh: Bách Thuận

Tuy nhiên, chỉ sau vụ cháy đó 20 ngày, đàn bò sữa nhà ông Nguyễn Văn Tư lại bị kẻ xấu cắt tia máu dưới bụng khiến 5 con bò sữa đang kỳ mang thai và cho khai thác sữa bị chết. Thiệt hại lần này vô cùng nặng nề, lên tới hơn 400 triệu đồng.

Sự việc được trình báo, cơ quan công an huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, đến thời điểm này (6.3.2018), vụ việc gần như “án binh bất động”.

Tương tự, ngày 16.3.2017, vườn cam của bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1975, xã Tây Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) trên địa bàn xã Ngọc Mỹ (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) bất ngờ bị triệt hạ bằng cách cạo hết vỏ xung quanh gốc cây, gây ra thiệt hại lớn cho bà và khiến dư luận địa phương hoang mang.

Chính quyền sở tại xác định, vườn cam có 133 cây cam bị kẻ xấu dùng dao gọt hết vỏ xung quanh gốc cây, đoạn bị cạo dài khoảng 20cm. Tổng số cây trong vườn của bà Tuyết là 300 cây, riêng những cây ven đường thì không bị phá hoại, chỉ những cây ở giữa và cuối vườn là bị.

Lực lượng công an huyện Tân Lạc cũng đã khẩn trương vào cuộc điều tra, lập cả hòm thư tố giác tội phạm ở xã Ngọc Mỹ nhưng đến nay, thủ phạm gây ra vụ án vẫn chưa bị lôi ra ánh sáng.

Tiếp đó, một vụ phá hoại cam của gia đình anh Trần Xuân Nguyên ở xóm Lam Hồng (xã Dũng Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) cũng đã xảy ra vào sáng 13.2 (tức ngày 28 Tết Mậu Tuất 2018). Chỉ sau một đêm, 500 cây cam 1 năm tuổi đều kẻ gian bị chặt tận gốc, phá nát ước vọng đổi đời của người nông dân luôn mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Cho đến hôm nay, vụ việc vẫn đang rơi vào bế tắc. Ông Bùi Văn Thủy - Trưởng Công an xã Dũng Phong cho biết, chưa thể xác định ai là thủ phạm của vụ việc này.

Có thể thấy, điểm chung trong các vụ án phá hoại mùa màng của nông dân, đó là dù các cơ quan chức năng khẳng định vẫn đang dốc sức điều tra, xác minh làm rõ, truy tìm kẻ gian, nhưng các vụ việc hầu như đều đang “giậm chân tại chỗ”. Không ít người đặt câu hỏi, liệu các vụ việc trên có thực sự nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các cơ quan chức năng hay không? Nếu niềm tin vẫn còn, hẳn nhiên, người nông dân đã không phải tự mình treo thưởng để tìm ra thủ phạm.

Vì sao công an điều tra chưa hiệu quả?

Việc chậm trễ như thế, tôi cũng cho rằng có thể là cách thức triển khai của công an chưa đúng, chưa hiệu quả nên bị như vậy. Ngoài việc tiếp tục theo dõi, cơ quan công an phải đi kêu gọi sự phối hợp của cả quần chúng nhân dân để làm rõ được các nguyên nhân liên quan, loại trừ các đối tượng. Có bắt được đúng bệnh thì mới giải quyết nhanh được”.
Trung tá Hồng Lan

Trao đổi với NTNN xung quanh vấn đề này, trung tá Hà Thị Hồng Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm và điều tra tội phạm học (Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an) cho rằng, có thể do quá trình làm việc của cơ quan công an chưa hiệu quả nên dẫn đến việc vụ án xảy ra lâu nhưng chưa tìm được kẻ gây án. Theo trung tá Hồng Lan, thứ nhất, đối với những trường hợp thiệt hại giá trị được xác định dưới khung để xử lý hình sự thì rất khó cho cơ quan công an.

Thứ hai, các vùng nông thôn liên quan đến việc chặt phá cây, phun thuốc trừ cỏ hay phá hoại bò sữa thì cũng có thể liên quan đến việc trả thù lẫn nhau của người dân, cạnh tranh không lành mạnh chứ không hoàn toàn phải là mục đích chiếm đoạt tài sản.

“Mình muốn tìm ra thủ phạm phải xác định được rõ nguyên nhân của vụ việc là cái gì, hiểu được các mối quan hệ đời sống cũng như quan hệ làm ăn của gia đình bị phá hoại với các đối tượng có liên quan. Tôi nghĩ đây là nguyên nhân cơ bản” – vị Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm và điều tra tội phạm học nhận định.

Cũng theo bà Lan, chính quy định liên quan đến việc giá trị thiệt hại từ bao nhiêu tiền trở lên mới khởi tố hình sự thì có thể các đối tượng trước khi gây án cũng nghiên cứu và thực hiện nhằm tránh vi phạm hình sự. Có thể họ chỉ chặt vài gốc cây hay phá hoại một diện tích nhỏ, chưa đến khung xử lý hình sự thì về lâu dài sẽ tạo ra tâm lý coi thường pháp luật.

Trước ý kiến cho rằng, cơ quan công an làm việc chưa thực sự hiệu quả khi các vụ án xảy ra gây thiệt hại hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu cho người dân nhưng kết quả điều tra về thủ phạm gây án vẫn là một ẩn số với bà con, vị trung tá công an nêu quan điểm, trong trường hợp về cơ bản đã xác định được số tiền thiệt hại lớn, cơ bản đã đáp ứng được điều kiện để xử lý hình sự về tội “Hủy hoại tài sản”, ở đây bản thân cơ quan công an chưa tìm ra được cũng có thể là chưa tìm hiểu kỹ được nguyên nhân của vụ việc.

Bà Lan giải thích, tức là cơ quan công an phải bám vào nguyên nhân của vụ án để dễ dàng điều tra, loại trừ các đối tượng.

Vị chuyên gia cho rằng, phải có sự cộng tác rất là nhiệt tình của bị hại. Nếu các vụ việc xảy ra liên tục, với tính chất như thế thì khá nghiêm trọng, công an nên có một sự bố trí, tổ chức lực lượng, xây dựng chuyên án để điều tra khám phá. Vấn đề được bà Lan nhấn mạnh là sự việc không dừng lại ở công an xã, công an huyện mà có thể phải lên đến cấp tỉnh, chính lực lượng công an phải vào cuộc, phải bố trí lực lượng mật phục, theo dõi để tìm manh mối.

Sự chậm trễ này, trung tá Hồng Lan nhận định sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh công an nhân dân. Nếu như không tìm ra thì sẽ làm cho người dân sẽ hoang mang, mất lòng tin vào các cơ quan pháp luật, đặc biệt là cơ quan công an.

Theo Dân Việt

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây