Theo Nikkei, loại thịt bò siêu đắt nhập khẩu từ Nhật Bản vào Campuchia đang tăng mạnh trong những năm gần đây. Nhưng thực tế, loại thịt thượng hạng này lại không hề có trong thực đơn của những nhà hàng nổi tiếng ở Phnom Penh.
“Làm gì có thịt bò Nhật Bản”, Heang Channy, một tiểu thương bán thị ở thủ đô Campuchia, tỏ ra ngạc nhiên về điều này. Bà bật cười khi nghe thông tin, rằng nước mình đang là nhà nhập khẩu thị bò đông lạnh lớn nhất thế giới.
Một số nhà hàng cao cấp Nhật Bản và thịt nướng Tây Ban Nha tại đây có bán loại thịt bò nhưng mức giá rất cao, lên tới 40-50 USD/lạng, gấp 40 lần so với giá thịt bò địa phương. Chính vì thế sẽ là điều không tưởng nếu loại thịt siêu đắt xuất hiện trong các bữa ăn bình dân của người dân nơi đây.
Loại thịt bò thượng hạng |
Các siêu thị Aeon của Nhật hay siêu thị Lucky Supermarket, Thai Huot Market của người Campuchia cũng không hề bán thịt bò Nhật.
Số liệu thống kê của Bộ Tài chính Nhật cho thấy, xuất khẩu thịt bò đông lạnh sang Campuchia năm 2017 đã tăng 50% trong năm lên 544 tấn. Campuchia đứng đầu Đông Nam Á về nhập khẩu thịt bò Nhật 7 năm liên tiêp. Tuy nhiên lượng tiêu thụ thịt bò nội địa nói chung, không kể thịt bò wagyu, không hề tăng.
Theo ông Lý Lavil, Chủ tịch Hiệp hội người chăn nuôi Campuchia, tiêu thụ thịt bò bình quân mỗi người mỗi năm là 3kg và ông rất ngạc nhiên khi biết về khối lượng nhập khẩu từ Nhật Bản.
Vậy thịt bò đi đâu?
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, Camphuchia là nước để dân buôn “rửa thịt bò”, sau đó xuất sang Trung Quốc, nơi có nhu cầu rất cao mà loại thịt bò Nhật này lại bị cấm.
Thịt bò wagyu được người tiêu dùng giàu có trên khắp thế giới săn lùng bao lâu nay. Ở Trung Quốc, thịt bò thượng hạng có mức giá lên tới hàng trăm đô la một cân. Tuy nhiên, nhập khẩu thịt bò Nhật Bản đã bị cấm kể từ năm 2001, sau một vụ bùng phát bệnh.
Mặc dù vậy, một doanh nhân người Nhật đã từng sống ở Trung Quốc tiết lộ, các nhà hàng ở đây vẫn phục vụ món thịt bò này nếu thực khách yêu cầu.
Theo một trang báo của TQ, hải quan nước này mới bắt giữ 178,5 kg thịt bò Nhật nhập lậu tại một sân bay ở Huyện Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Từ năm 2015, trung bình mỗi năm có từ 30kg đến 40kg thịt bò Nhật đông lạnh đã bị bắt giữ tại sân bay.
Thịt bò địa phương rẻ gấp hàng chục lần |
Những gói thịt bò này thường được chia nhỏ và giấu vào vali, mặc dù việc làm này không mang lại hiệu quả. Thậm chí, để nhập khẩu khối lượng lớn một cách dễ dàng, họ có thể giấu nguồn gốc xuất xứ bằng cách chuyển chúng qua một nước thứ ba.
Một lãnh đạo của công ty kinh doanh thịt bò Nhật cho biết, Campuchia có quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ với cả Nhật Bản và Trung Quốc. Chính vì vậy việc vận chuyển thịt bò từ Nhật sang Trung Quốc là điều quá dễ dàng.
Báo chí đưa tin tháng 6/2015, một nhóm buôn lậu đã bị cơ quan chức năng Thượng Hải bắt giữ và tịch thu 13 tấn thịt bò Nhật. Họ xuất thịt bò Nhật sang Campuchia, sau đó, thay nhãn mác và chuyển đến một nhà kho đông lạnh ở Chiang Rai (miền Bắc Thái Lan). Sau đó, thịt được đóng gói cùng với mít xoài, gắn nhãn "trái cây" và được vận chuyển đến tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Từ sân bay Côn Minh, hàng hóa tiếp tục được dán nhãn thành "dăm bông", rồi được chuyển đến các thành phố lớn bao gồm Thượng Hải, Quảng Châu và Hàng Châu.
Cho đến năm 2010, Việt Nam vẫn là nước đứng đầu về nhập khẩu bò Nhật. Nhưng năm 2010, Việt Nam đình chỉ việc nhập khẩu thịt bò vì lo ngại dịch bệnh. Campuchia đã thay thế và dẫn đầu về nhập khẩu thịt bò mặc dù trước đây nhập khẩu thịt bò đông lạnh của nước này không đáng kể.
Từ năm 2013 Lào, Mông Cổ cũng có tổng lượng nhập khẩu tăng. Cả hai nước này đều có nhiều mối liên hệ về kinh tế với Trung Quốc. Việt Nam cũng đã nhập khẩu thịt bò trở lại vào năm 2014. Tuy nhiên, với lợi thế đường dây sẵn có, nhập khẩu thịt bò của Campuchia vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Chính phủ Trung Quốc tiếp tục tìm các biện pháp ngăn chặn buôn lậu thịt bò Nhật Bản, tuy nhiên điều này không hề dễ dàng. Thịt bò hạng sang Nhật Bản vẫn là món ăn ưa thích của các quan chức và giới doanh nhân giàu có Trung Quốc.
Nam Hải - Ngọc Linh
Vietnamnet.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn