Trả lời câu hỏi của báo giới về công tác điều hành giá xăng dầu tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2013 vào chiều ngày 10/4, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định: Liên Bộ Tài chính - Công Thương điều hành giá xăng dầu theo tín hiệu thị trường và tuân thủ đúng những nội dung của Thông tư 234 và Nghị định 84.
Cụ thể, ở lần điều chỉnh giảm giá vào chiều 9/4, chiếu theo Nghị định 84, chốt ngày 8/4, Liên Bộ Tài chính - Công Thương thấy có chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ nên đã yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá cơ sở và phù hợp với các quy định hiện hành nhằm tạo lập mặt bằng giá bán xăng dầu cạnh tranh, nhưng tối thiểu không thấp hơn mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở.
Theo đó, doanh nghiệp giảm 500 đồng/lít với xăng, 450 đồng/lít với dầu hỏa và diezel. Riêng mặt hàng dầu ma zút có mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở không lớn, vì thế liên Bộ cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giữ ổn định như hiện hành.
Cũng theo thống kê từ Bộ Tài chính, trong 3 tháng đầu 2013, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã 4 lần điều hành để giữ ổn định giá bán xăng dầu thông qua biện pháp cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được sử dụng hoặc tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu.
Đến ngày 28/3/2013, mặc dù giá xăng dầu thế giới tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao; trong khi, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã hết; giá trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000 đồng/lít đến trên 5.000 đồng/lít dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra rất phức tạp.
Sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu; khôi phục lợi nhuận định mức (300 đồng/lít, kg), tăng giá bán đối với các mặt hàng, xăng dầu tối đa bằng phần chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu.
Đề cập tới việc sử dụng Quỹ bình ổn, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Theo Thông tư 234, việc trích lập quỹ ở mức 300 đồng/lít (kg) và doanh nghiệp được sử dụng theo điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo định kỳ 3 tháng 1 lần về số dư quỹ bình ổn và đột xuất khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng.
Vào thời điểm ngày 26/2, khi giá cơ sở chênh giá bán lẻ 2.300 đồng/lít với xăng và thời điểm đó, doanh nghiệp được dùng Quỹ BOG là 1.000 đồng/lít xăng. Sau khi tính giá bình quân 30 ngày, liên Bộ đã quyết định nâng mức sử dụng Quỹ BOG từ 1.000 đồng lên 2.000 đồng/lít, mục đích là để “neo” xăng dầu không tăng giá. Và cũng thời điểm đó, theo khẳng định của đại diện Cục Quản lý giá, doanh nghiệp phải chia sẻ với Nhà nước và người dân là không tính lợi nhuận định mức.
“Tính đến trước ngày 28/3, Quỹ BOG âm khoảng 524 tỷ, đến ngày 31/3 âm khoảng 430,9 tỷ đồng”, ông Tuấn cho biết. Đây cũng chính là lý do mà liên Bộ đã cho phép các doanh nghiệp tăng giá hơn 1.000 đồng/lít xăng vào ngày 28/3.
Trước phản ánh về có chênh lệch giá xăng dầu giữa Việt Nam và các nước xung quanh, đại diện Cục quản lý giá cho rằng, do một số nước thực hiện theo cơ chế thị trường nên cao hơn Việt Nam trong khi đó một số được bao cấp nên mặt bằng thấp hơn.
“Việc xem xét chênh lệch giá giữa Việt Nam và các nước chung biên giới chỉ là một khía cạnh, còn điều hành xăng dầu vẫn phải tuân theo Nghị định 84. Nếu giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở, thì trước hết liên Bộ sẽ yêu cầu dùng Quỹ bình ổn, còn nếu thấp hơn giá cơ sở thì yêu cầu giảm giá", ông Tuấn khẳng định.
Được biết, mức thuế xăng dầu tại Việt Nam hiện nay đang thấp hơn nhiều so với quy định. Nhưng trước mắt, Bộ Tài chính không điều chỉnh mức thuế để chia sẻ, hài hòa lợi ích doanh nghiệp - người tiêu dùng và Nhà nước.
Theo Nguyễn Hiền (Dân Trí)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn