Chủ nhà hàng mực nháy Trung Thành nằm bên vịnh Vũng Áng, chị Chu Thị Thành, là một trong những người đàn bà làng biển buồn nhất cả tháng qua. Ngày 1-5 cao điểm của nghỉ lễ, nhưng quán vắng đến cô đơn. Chị Thành bảo, mọi năm mỗi ngày bán cả tạ mực, còn nay thì mỗi ngày chỉ bán được vài ký.
Cả một nhà hàng nổi trên vịnh rất đẹp của chị Thành cũng như các quán khác chỉ lèo tèo vài khách, có quán không một bóng người lui tới. Những người buôn bán ở đây, mấy ngày nay họ thật tổn thương tinh thần, cứ hỏi đến buôn bán hải sản, nước mắt có người như chực trào, có người ầng ậc khóc, có người quay đi mà nuốt buồn vô trong.
Bên sau các nhà hàng nổi vắng khách là nước vịnh Vũng Áng, phía gần kia có ống khói nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 với 1.200MW, vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD. Nhà máy điện có công nghệ đốt than phun trực tiếp, ngoài bờ biển là cầu cảng ăn than bằng băng chuyền dài hơn 400m. Nhiệt điện Vũng Áng có hệ thống làm mát bằng nước biển, mỗi ngày dùng hàng triệu khối nước biển làm mát và nguồn đó cũng đưa lại ra biển. Chúng tôi không biết trong nguồn nước đưa lại ra biển có những chất gì và tác động như thế nào, nó thuộc vào nghiên cứu của bộ Tài nguyên Môi trường mà đến nay chưa công bố.
Con mực nháy Vũng Áng cay đắng đến tang thương.
Tôi cùng bạn bè thật mạo hiểm khi dùng món mực tươi sống với mù tạt, chắc chắn trước mắt sẽ không sao, nhưng về lâu dài không biết món ăn này có để lại di chứng gì không? Bởi lẽ, Hà Tĩnh vừa cho công bố kết quả kiểm tra nguồn nước dọc các bãi biển, cơ quan chức năng địa phương này nói an toàn mà một số tờ báo đã đưa tin. Nhưng nước biển Vũng Áng thì chưa có kết quả kiểm tra nào được công bố. Một bản tin đăng: "Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh đã chính thức công bố nước biển tại 6 bãi tắm, khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều nằm trong giới hạn cho phép, tức là đều ở ngưỡng an toàn, gồm: bãi tắm biển Xuân Hải (xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà), bãi tắm Xuân Thành (xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân), bãi tắm Thạch Hải (xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà), bãi tắm Thiên Cầm (thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên), bãi tắm Kỳ Ninh (xã Kỳ Ninh) và bãi tắm Mũi Đao, xã Kỳ Nam, Kỳ Anh". Những địa danh này ở Hà Tĩnh không có cá chết bởi chúng đều nằm về phía bắc Hà Tĩnh, chỉ có một địa điểm ở phía nam là Mũi Đao, xã Kỳ Nam, giáp với Quảng Bình.
Mực bơi trong lưới ngư dân ở Vũng Áng.
Hãy nhớ rằng, từ ngày cá chết dọc bãi biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, mỗi ngày cơ quan quan trắc lấy mẫu nước biển 2 lần dọc các bãi biển, nhật trình quan trắc những ngày biển chết đó vì sao không công bố? Vì sao không thông tin để người ta thấy từ đáy đen chết chóc, dần sáng ra mực nước an toàn, để người ta thấy không chậm trễ và lúng túng?
Các bãi biển Hà Tĩnh như tuyên bố đã trích dẫn không cho biết căn cứ như thế nào để nói các bãi tắm an toàn? Số liệu mẫu quan trắc, ngày nào, bao nhiêu mẫu? Người ta cũng đặt câu hỏi, trong gần một tháng qua, mẫu quan trắc nước biển mỗi ngày vì sao không công bố mà chỉ chờ đợi mẫu "như ý" mới công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng?
Chị Chu Thị Thành làm cho chúng tôi một dĩa mực nho nhỏ còn tươi rói, theo lời người bạn Hà Tĩnh, ăn như thế lần đầu không quen khó nuốt, nhưng khi quen rồi thành ra nghiện, đã nghiện ăn sống con mực đang bơi thì đến mùa không thể bỏ rơi được nó. Vừa nghe kể, vừa thấy đứa con trai của chị Thành vào phía sau nhà nổi, vớt lên một con để ăn bữa. Chị Thành kể, "nó mấy ngày nay thèm ăn sống, cứ mỗi bữa một con. Bữa cá chết kéo dài, nó nằm trằn trọc, nhớ món mực sống ngon đó mà không biết làm răng".
Chúng tôi ăn con mực bữa nay không phải để cổ xúy cho lời nói của ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Đặng Ngọc Sơn, “yên tâm ăn cá, tắm biển” ở Vũng Áng. Khi ông Sơn khuyên thế, cá vẫn còn chết tươi rói, chết tức tưởi, chết đau đớn, chết cô đơn, chết một cách cay đắng.
Món mực ăn sống mà chúng tôi mạo hiểm dùng.
Món mực mà chị Thành đưa lên từ bếp nóng, thấm vào đó bao nhiêu câu hỏi chua chát, vì sao nguồn nước ở Vũng Áng chưa công bố kết quả quan trắc? Chúng tôi tìm kiếm những người bán hàng, bạn bè Hà Tĩnh, chưa thấy ông Sơn lên lịch đến dùng hải sản và tắm biển Vũng Áng, mặc dù trên các trang mạng xã hội có thâu âm tiếng nói của ông là lên lịch đến đây ăn hải sản cùng tắm với dân.
Một bữa ăn mạo hiểm mà bên trong ai cũng đặt nhiều dấu hỏi, ngày mai có bị đau bụng không, dài lâu có bị gì không? Một nỗi lo vô hình bám vào bên trong suy nghĩ của những người bạn và tôi. Khuyên mọi người rằng, đừng thử bằng cách này, bởi tôi không chắc bữa ăn này giúp chị Thành có thêm thu nhập, chẳng qua cũng chỉ đủ cái bếp của chị bén lửa mà xào nấu cho đỡ hiu quạnh bao nhiêu ngày qua. Tôi càng lo nữa, anh của tôi đi công cán đang dùng bữa mực nháy cách đó mấy dãy nhà chỉ với quan sát mực bơi lội mà lấy làm niềm tin như tôi. Bữa trước khi ở quê, nhắc đến hai chữ ngư dân, anh đã tổn thương rớt nước mắt. Cũng bởi anh lớn lên với mặn mòi cát trắng, với bữa cơm trắng búng cá từ nhỏ. Bữa anh thử món cá ngừ đại dương, cơ quan chức năng đã kiểm định an toàn; còn Vũng Áng thì chưa hề. Nay vì thương người ven biển mà anh tôi thử thế thôi. Thật xót xa.
Mực luộc trong ngày vắng khách đến thê lương
Thường chị Thành bán mỗi ký mực nháy 700.000 đồng, hôm nay sau bao ngày luồng cá chết quật cho xơ xác, chị bán mỗi ký 300.000 đồng. Miếng mực đầu tiên lo lo, miếng thứ hai đưa vào trào lên ngậm ngùi khổ đau, ăn miếng nữa mặn như nước mắt bà con câu mực ậng trào trên cát. Có ngồi giữa bão tố thua thiệt của người dân miền biển Kỳ Lợi, mới thấy họ chịu thương đến nao lòng. Chị Thành kể, thiệt hại ngư dân thì nhiều, thiệt hại nhà hàng mùa này mỗi nhà nổi cũng phải 2-3 trăm triệu, không biết lúc mô niềm tin với con mực trở lại, chỉ chờ vô các nhà khoa học, chứ thế này nóng lòng nóng gan quá rồi.
Một bữa ăn quán rộng, chỉ có mấy chúng tôi ngồi với nhau, nhiều bạn chảy nước mắt nhưng cứ mượn lý do mù tạt khi nghe kể bao câu chuyện của những ngày cá chết thê lương. Bạn tôi nói cái bữa ăn này là cái bữa ăn thiệt thòi, bữa ăn cay đắng, bữa ăn khó nuốt, bữa ăn sẻ chia nhưng thiếu niềm tin vô cùng. Ngồi giữa sóng cả ba đào thiệt hại của ngư dân mới thấy chát mặn nỗi thua của con mực nháy Vũng Áng cùng những câu dân ca xứ biển Hà Tĩnh.