Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT). |
Vừa qua, Bộ tổ chức rà soát trên quy mô cả nước toàn bộ các cuộc thi được đưa vào trường phổ thông hiện nay. Ông có thể cho biết kết quả của đợt rà soát này?
Trước hết, không nên hiểu các cuộc thi dành cho học sinh (HS) được tổ chức trong thời gian qua là "đưa vào trường phổ thông", bởi hầu hết các cuộc thi đó dành cho những HS có sở trường, hứng thú, tham gia một cách tự nguyện ngoài giờ học để vận dụng, mở rộng kiến thức.
Tuy nhiên, số lượng hiện còn nhiều và chồng chéo. Một số cuộc thi chủ yếu tập trung vào việc kiểm tra kiến thức lý thuyết mà HS đã học trong trường, hạn chế trong việc tạo cơ hội để các em được rèn luyện, trải nghiệm, qua đó phát triển kỹ năng và hình thành năng lực HS. Vì vậy, Bộ chủ trương tinh giản các cuộc thi để đảm bảo chất lượng và hiệu quả; đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của HS.
Bộ đã ban hành công văn về việc rà soát, tinh giản các cuộc thi dành cho giáo viên và HS, trong đó quy định chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn với hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của giáo viên và HS.
Không sử dụng kết quả của các cuộc thi vào việc đánh giá kết quả học tập của HS và tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp. Chủ trương này đã được các sở GD-ĐT, đông đảo phụ huynh và xã hội hoan nghênh.
Hiện nay, số lượng cuộc thi mà các địa phương đề xuất tiếp tục duy trì đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 50% so với trước đây. Nội dung và hình thức thi đáp ứng yêu cầu tạo sân chơi bổ ích cho HS, ưu tiên tổ chức hình thức thi trực tuyến.
Ông nhận định thế nào về chất lượng, ý nghĩa các cuộc thi đó đối với HS và các trường? Bao nhiêu trong số đó thực sự là “sân chơi bổ ích” cho HS?
Có thể khẳng định tất cả các cuộc thi đều có mục đích, ý nghĩa tốt, bởi đều tạo cơ hội cho HS được rèn luyện về thể chất, phát triển năng khiếu, sở trường, năng lực... Trong số các cuộc thi do Bộ chủ trì hoặc phối hợp tổ chức, cũng như của địa phương, tỷ lệ các cuộc thi về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục pháp luật, giá trị sống, kỹ năng sống chiếm đại đa số (hơn 90% tổng số), chỉ có một số ít về kiến thức như: giải Toán, thi Tiếng Anh qua mạng, thi HS giỏi các môn văn hóa (tập trung nhiều vào Toán, Văn).
Tuy nhiên, do có một số trường sử dụng kết quả của một số cuộc thi trong việc tuyển sinh khiến một số HS tham gia cùng lúc nhiều cuộc thi với động cơ kiếm thêm điểm ưu tiên, gây quá tải, tốn thời gian và ảnh hưởng không tốt tới kết quả giáo dục HS.
Có những trường hợp, bố mẹ cho con luyện thi hằng ngày, luyện đến mức câu gì HS cũng thuộc đáp án. Điều đó vừa tạo áp lực không cần thiết cho HS vừa gây tác dụng ngược, không phát triển được kỹ năng và hình thành năng lực.
Phải rà soát lại nội dung, phương thức tổ chức
Trong năm học tới, Bộ có tiếp tục cho phép tổ chức cuộc thi như giải Toán,Tiếng Anh qua mạng không? Nếu có thì kết quả thi có được sử dụng như một tiêu chí phụ để xét tuyển vào các lớp 6, lớp 10 như trước?
Các cuộc thi kiến thức như giải Toán, Tiếng Anh qua mạng những năm qua đã đáp ứng được yêu cầu tăng cường vận dụng kiến thức học được từ các môn trong nhà trường. Tuy nhiên, do đã được tổ chức khá nhiều năm nên cũng cần phải rà soát cả về nội dung, cả phương thức tổ chức để đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực HS theo yêu cầu đổi mới giáo dục. Vì vậy, trong năm học tới, Bộ tạm dừng tổ chức các cuộc thi này. Cũng vì thế, không đặt ra vấn đề có sử dụng kết quả cuộc thi này hay không.
Nếu từ năm học 2018 - 2019, Bộ không cho phép sử dụng kết quả các cuộc thi để ưu tiên tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp, vậy Bộ có hướng dẫn gì để các trường đặc thù có thể tuyển sinh được HS có chất lượng thực sự? Các trường đó có được tổ chức thi vào lớp 6 như trước đây không? Học sinh tham gia lễ phát động cuộc thi Violympic toán trực tuyến quốc tế năm 2016.
Trong công văn của Bộ mà tôi đề cập ở trên đã nêu rõ: "Không sử dụng kết quả của các cuộc thi do Sở GD-ĐT chủ trì tổ chức và thành tích của HS do Sở GD-ĐT cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế vào việc đánh giá kết quả học tập của HS từ năm học 2017 - 2018, tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp học từ năm học 2018 - 2019".
Đối với THPT, đây chỉ là nhắc lại quy định tại Thông tư số 11/TT-BGDĐT ban hành quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Theo đó, đối tượng được tuyển thẳng vào THPT được quy định tại khoản 1 điều 7 là "HS đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học". HS đoạt giải tại các cuộc thi do địa phương tổ chức và các cuộc thi ở ngoài nước mà địa phương đưa đi tham dự không phải là HS đạt giải cấp quốc gia.
Còn về tuyển sinh THCS, tại Công văn số 1258/BGDĐT-GDTrH ngày 17.3.2015 về việc không thi tuyển vào lớp 6, Bộ đã hướng dẫn, nếu cơ sở giáo dục có số lượng HS đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, các sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục này căn cứ các quy định hiện hành để xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình cấp có thẩm quyền ở địa phương xem xét quyết định.
Như vậy, Bộ cũng đã giao quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh đầu cấp THCS. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đặc thù tuyển sinh được HS có chất lượng theo yêu cầu riêng của trường, mà việc tổ chức thi vào lớp 6 như trước đây không đáp ứng được.
Theo TNO
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn