Sau hơn hai năm chia tách địa giới hành chính, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã nỗ lực huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, tu sửa các trường học. Nhờ đó, đến nay hệ thống cơ sở vật chất các trường khá đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu học tập cho con em. Tuy nhiên, bước vào đầu năm học 2017 - 2018, tình trạng thiếu hụt giáo viên đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các nhiệm vụ dạy và học của các trường. Trường tiểu học Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) vẫn thiếu giáo viên đứng lớp. “Năm học 2017 - 2018, trường có hơn 600 học sinh được chia thành 20 lớp học. Nếu theo quy định về bảo đảm tỷ lệ giáo viên dạy học hai buổi/ngày, trường còn thiếu tám giáo viên. Việc bố trí giáo viên đứng lớp cho năm học này của trường gặp nhiều khó khăn”, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kỳ Phương Trương Công Sơn chia sẻ.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) thị xã Kỳ Anh Nguyễn Hữu Sum: Sau khi chia tách địa giới hành chính và chấm dứt hợp đồng lao động với các trường hợp tuyển dụng sai quy định, hiện nay ở thị xã Kỳ Anh, bậc tiểu học thiếu 92 giáo viên, bậc THCS thiếu 24 giáo viên. Riêng bậc học mầm non tỷ lệ giáo viên/lớp chỉ đạt 1,39 người/lớp, trong khi tỷ lệ chung của tỉnh là 1,79 người/lớp. Ngoài ra, năm trường THPT tại thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh cũng thiếu 50 giáo viên đứng lớp.
Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Tĩnh thông tin: Căn cứ vào nhu cầu thực tế tại các trường học cũng như hướng dẫn của Bộ GD và ĐT về khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, Hà Tĩnh hiện còn thiếu hơn 400 giáo viên ở các cấp học. Trong đó, các môn như: Văn hóa (đối với tiểu học), Toán, Lý, Hóa, Sinh (THCS), Công nghệ, Giáo dục Quốc phòng (THPT) thiếu nhiều giáo viên đứng lớp nhất. Theo ước tính, nếu các địa phương, trường học tự hợp đồng giáo viên cho số còn thiếu thì mỗi năm, các địa phương, trường học cần chi 20,1 tỷ đồng để trả lương và các khoản đóng góp theo lương; nếu không cho hợp đồng thêm giáo viên mới, bình quân số tiền mỗi năm cần chi là 36 tỷ đồng để các trường trả tiền dạy thêm giờ cho số giáo viên cơ hữu.
Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, từ năm 2012 đến nay, ngành giáo dục Hà Tĩnh không tổ chức bất cứ đợt tuyển chọn giáo viên nào. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, địa phương này còn thừa 796 giáo viên so với định biên. Vì vậy, rất nhiều giáo viên không được bố trí đủ tiết dạy theo quy định của Bộ GD và ĐT. Số liệu cho thấy, tổng số giáo viên dạy không đủ tiết ở Hà Tĩnh (sau khi đã khấu trừ các tiết phụ theo hình thức kiêm nhiệm) là 4.116 người.
Theo Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ (Sở GD và ĐT Hà Tĩnh) Phan Đình Lai: Hiện nay, nghịch lý là tại các trường thừa giáo viên vẫn xuất hiện tình trạng thiếu giáo viên hoặc tại địa phương dôi dư giáo viên, vẫn còn rất nhiều bộ môn, trường học thiếu giáo viên. Đơn cử, tại huyện miền núi Hương Khê, trong khi bậc tiểu học dôi dư 57 giáo viên dạy văn hóa chưa có phương án điều chuyển thì bậc học mầm non tại địa phương này thiếu gần 50 giáo viên. Tương tự, các trường THPT tại TP Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà đang dôi dư 60 giáo viên nhưng bước vào năm học mới, các trường này vẫn thiếu 21 giáo viên thuộc các môn như: Công nghệ, Giáo dục quốc phòng... Riêng bậc tiểu học, trong khi các trường học thiếu 226 giáo viên dạy văn hóa thì số lượng giáo viên dôi dư dạy môn học khác là 240 người.
Liên quan những bất cập trong quá trình bố trí giáo viên trên địa bàn, Trưởng phòng GD và ĐT huyện Can Lộc Võ Đức Đại chia sẻ: Những năm qua, tình trạng thừa, thiếu giáo viên đứng lớp dẫn đến việc giáo viên phải dạy chéo môn khá phổ biến. Một số địa phương phải hợp đồng giáo viên trái quy định, trích kinh phí của sự nghiệp giáo dục để chi trả cho lao động hợp đồng, do đó kinh phí chi thường xuyên của các trường bị ảnh hưởng. Đồng thời, dễ dẫn đến sự thiếu công bằng trong phân công nhiệm vụ, bố trí và thụ hưởng quyền lợi người dạy, người học.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh Trần Huy Liệu, trong một vài năm học tới, tình trạng dôi dư giáo viên như hiện nay sẽ khó được giải quyết. Vì vậy, Sở Nội vụ đồng ý cho các địa phương, đơn vị ký hợp đồng lao động theo quy định. Đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên thuyên chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu. Sở GD và ĐT Hà Tĩnh đã nhiều lần tham mưu với UBND tỉnh về các giải pháp nhằm sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên trong ngành một cách phù hợp hơn. Tuy nhiên, mọi việc vẫn đang chờ quyết định cuối cùng từ UBND tỉnh, cho nên chưa biết đến bao giờ Hà Tĩnh mới khắc phục được nghịch lý thừa nhưng vẫn thiếu giáo viên?