Đơn thư người dân gửi đến các cơ quan báo chí.
Xã bán đất theo kiểu "Cuội bán vịt trời"
Nhiều hộ dân tại xóm 10, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) phản ánh việc họ đã mua đất hơn 10 năm nhưng không thể làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là bìa đỏ).
Chị Thái Thị Hường (trú ở xóm 5, xã Xuân Thành) là gia đình thuộc diện hộ nghèo. Năm 2007, nghe tin UBND xã bán đất cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, chị đã đăng ký mua 400 m2 thuộc khu vực xóm 10 xã Xuân Thành.
Sau khi nộp đầy đủ 8 triệu đồng (được giảm 2 triệu đồng) gia đình chị Hường đã được UBND xã Xuân Thành giao đất. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm với rất nhiều lần cầm hồ sơ lên các cấp chính quyền, gia đình chị Hường vẫn chưa làm được bìa đỏ.
Chị Hường bức xúc: “Gia đình tôi có hoàn cảnh rất khó khăn, sau khi mua được mảnh đất thì đã nhiều lần lên xã để hỏi làm giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng đến nay vẫn không được. Trước hoàn cảnh đó gia đình tôi phải đi ở nhờ nhà người bác họ”.
Tương tự như gia đình chị Hường, gia đình anh Ngô Đắc Trường và ông Trần Văn Hoàn ở xóm 10 xã Xuân Thành cũng chung cảnh ngộ. Gia đình anh Trường, anh Nhàn thuộc diện hộ nghèo của xã, năm 2007 theo chủ trương của xã, anh chị chạy khắp nơi vay mượn tiền để mua một lô đất cho riêng mình. Tiền đã nộp đầy đủ cho xã, đất cũng đã được nhận, thế nhưng đến nay anh chị vẫn không làm được bìa đỏ.
Theo tìm hiểu, có đến 8 hộ gia đình đang rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười” như anh Trường và chị Hường. Năm 2007, sau khi được xã bán đất, các hộ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cho xã nhưng không ai làm được bìa đỏ.
Yêu cầu xử lý cán bộ mới làm được bìa đỏ cho dân
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Xuân Nhung – Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thành cho biết: Thời điểm đó (2007), xã bán đất theo hình thức xét đối tượng hộ nghèo, đối tượng chính sách chứ không bán theo hình thức đấu thầu. Số tiền thu được UBND xã dùng để xây dựng các công trình phúc lợi, tiền bán đất không nộp được vào kho bạc nhà nước nên việc các hộ dân không làm được giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hoàn toàn đúng”.
“Khi tôi lên làm Bí thư xã cũng nắm được tình hình, đã nhiều lần đưa ý kiến lên hội đồng nhân dân xã phân bổ nguồn để làm bìa đỏ nhưng nên vẫn chưa làm được bởi lý do là đất trái thẩm quyền, bán xong xã lấy tiền tiêu mà không nộp lên trên”, ông Nhung cho biết thêm.
Khi đề cập đến việc bán đất xã có thông qua và được UBND huyện phê duyệt hay không thì ông Nguyễn Đình Tuyên – Cán bộ địa chính xã Xuân Thành cho hay: “Xã bán đất trái thẩm quyền, không được UBND huyện phê duyệt. Đã nhiều lần chúng tôi thông báo cho các hộ dân đưa hồ sơ lên xã để hướng dẫn cho dân làm giấy chứng nhận nhưng không có ai lên làm”.
Trái ngược với khẳng định của ông Nguyễn Đình Tuyên thì nhiều hộ dân cho rằng: “Trước đây xã bán đất nhưng chúng tôi không biết đất này là trái thẩm quyền. Khi chúng tôi có nhu cầu đi làm bìa đỏ thì được cán bộ huyện giải thích là phải có 2 điều kiện: Đó là thửa đất đó phải theo việc áp thuế hiện nay và UBND xã Xuân Thành phải có văn bản bán đất trái thẩm quyền. Muốn được cấp bìa thì phải truy thu tiền".
Cũng theo ông Tuyên, cái khó nhất để làm bìa đỏ cho người dân bây giờ là đất đó bán trái thẩm quyền nên việc áp giá phải theo thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, phải có đề nghị để xem xét kỷ luật cán bộ tại thời điểm đó. (tức là cán bộ sai phạm thời điểm giao đất trái thẩm quyền chưa hề bị xử lý - PV).
Trao đổi về vấn đề này, một cán bộ Văn phòng đăng ký Quyền sử dụng đất huyện Yên Thành cho biết: “Những hóa đơn của những người dân ở đây là nạp sau năm 2005, nhưng đất vi phạm sau 2005 thì phải xử lý cán bộ trước, sau đó xã mới tham mưu lên để hợp đồng, rồi huyện mới có quyết định xử lý đất tồn đọng đó”.
“Những địa phương nào bán đất bán trái thẩm quyền sau ngày 1/7/2004 thì phải tự kiểm điểm để UBND huyện có hình thức xử lý đối với cán bộ bán trái thẩm quyền. Đồng thời, lập danh sách trình UBND huyện để giải quyết cho người dân. Sau khi xử lý xong thì hội đồng xã xét xong rồi lập danh sách gửi UBND huyện để xem xét, giải quyết”, vị cán bộ này nói.
Cũng giống như các hộ ở xóm 10, tại khu vực Đồng Nẩy, xóm 9, có đến 17 hộ gia đình đã từng rơi vào tình cảnh “tiễn thoái lưỡng nan”. Năm 2007, sau khi được xã bán đất, các hộ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cho xã nhưng không ai làm được giấy chuyển nhượng QSDĐ vì khu đất của 17 hộ nói trên nằm trong dự án khu du lịch sinh thái tâm linh rú Gám (Yên Thành) nên bị thu hồi.
Ngày 31/12/2013, UBND huyện Yên Thành đã buộc phải ra quyết định 6912 hợp thức hóa quyền sử dụng đất cho 17 hộ gia đình sử dụng đất tại xứ Đồng Nẩy xã Xuân Thành. Tổng diện tích đất phải hợp thức hóa là 4.235m2, trong đó 4.180m2 đất ở và 55m2 đất trồng cây lâu năm.
Quyết định này khẳng định: “UBND xã Xuân Thành giao đất có thu tiền sử dụng đất không đúng thẩm quyền, tổng số tiền phải nạp vào ngân sách hơn 464 triệu đồng”.
Tác giả bài viết: Nguyễn Tú
Nguồn tin: Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn