Bất cập trong hệ thống cảng cá ở Hà Tĩnh: Cản bước ngư dân ra khơi

Thứ sáu - 05/04/2019 14:40
Nghị định 67/CP ra đời với chính sách hỗ trợ đóng tàu vỏ thép đã biến ước mơ của nhiều ngư dân Hà Tĩnh khi có tàu lớn vươn xa, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
b13

 Tàu vỏ sắt trên 800 mã lực đang phải cựa quậy tại cảng cá Cửa Sót, vốn chỉ đủ điều kiện tiếp nhận tàu dưới 300 mã lực.

Thế nhưng, bên cạnh niềm vui là nỗi trăn trở khi luồng lạch ngày càng bị bồi lắng, hạ tầng cảng cá yếu kém, cản bước ngư dân ra khơi.

“Tăng bo” đưa hải sản vào bờ

Biển Hà Tĩnh được xem là cửa ngõ vịnh Bắc Bộ với chiều dài 137km, có 4 cửa lạch đổ ra biển, tương ứng với 4 cảng cá, gồm: Xuân Hội (Nghi Xuân), Cửa Sót (Lộc Hà), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) và Cửa Khẩu (Kỳ Anh), tổng diện tích các vùng biển là 18.400km2. 

Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực đầu tư, đến thời điểm hiện tại, mới có 2 cảng Cửa Sót và Xuân Hội hoàn thành đi vào hoạt động. Trong đó, cảng Cửa Sót nằm ở xã Thạch Kim (Lộc Hà) được coi là bến cá sầm uất nhất Hà Tĩnh.

Năm 2007, cảng Cửa Sót hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng quy mô với tổng vốn đầu tư 46 tỷ đồng. Cảng có 120m chiều dài cầu cảng và 120m chiều dài bến nghiêng bờ. Đây là nơi có hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá khá bài bản, thu hút hàng trăm tàu thuyền trong, ngoài tỉnh Hà Tĩnh vào đổ hàng và tiếp tế nhiên liệu.

Thế nhưng, vài năm gần đây, cảng Cửa Sót không còn sầm uất như trước, bởi luồng lạch bị bồi lắng nghiêm trọng, hàng ngày chỉ sử dụng được từ 2 - 4 giờ lúc triều cường;  những tàu có công suất trên 90 CV  phải căn lúc triều cường mới ra vào cảng được. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chủ trương, chính sách phát triển tàu lớn của tỉnh, đặc biệt là Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ.
 
b14

Vào được, khó ra là thực trạng khiến nhiều tàu có công suất lớn dần e ngại cập bờ ở cảng Xuân Hội.
Vào được, khó ra là thực trạng khiến nhiều tàu có công suất lớn dần e ngại cập bờ tại cảng Cửa Sót, Lộc Hà. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do sự bồi lắng của đất cát khiến luồng lạch ở đây ngày một cạn.

“Không vào được cảng, mỗi chuyến đánh bắt về chúng tôi phải neo đậu cách đất liền 2 - 3km, sau đó đưa thuyền nhỏ ra “tăng bo” hải sản vào bờ. Muốn vào cảng thuận lợi, chúng tôi phải canh thủy triều để cập cảng nhưng khi đã vào được rồi, gặp con nước kiệt, muốn ra khơi lại phải đợi nước lên nên lỡ đi nhiều vụ cá. Thời gian ra vào lâu khiến chi phí nhiên liệu đội lên, tàu phải bù lỗ chi phí vận chuyển”, ngư dân Trần Văn Sinh, xã Thạch Bằng (Lộc Hà) cho biết.

Trở về sau chuyến vươn khơi, tàu cá mang số hiệu NA 90748 TS, công suất khoảng 200CV, của anh Trần Viết Lợi, trú tại xã Diễn Ngọc (Diễn Châu - Nghệ An) vào cảng cá Cửa Sót để bán cá, khi đến khu vực đoạn giữa phao số 3, số 4, cách cầu cảng khoảng 1,5km thì không may va chạm mạnh với tàu cá của ông Nguyễn Ngọc Mai (60 tuổi), trú tại xóm Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà làm nghề đánh bắt cá gần bờ và ven sông.
 
b15

Hậu quả, vụ va chạm khiến ông Mai và vợ là bà Nguyễn Thị Châu bị rơi xuống sông, tàu cá của gia đình bị chìm. Hai vợ chồng ông Mai sau đó được các thuyền viên trên tàu NA 90748 TS đưa vào bờ, riêng bà Châu do bị thương nên phải nhập viện cấp cứu. Nguyên nhân dẫn đến vụ va chạm trên là do luồng vào cảng cá Cửa Sót thời gian qua bị bồi lấp,  cạn, hẹp.

Hiện luồng vào cảng cá Cửa Sót bị bồi lắng nghiêm trọng, nhất là đoạn km0 800 và km2 500, chiều ngang chỉ còn chục mét và chiều sâu lúc nước kiệt chỉ còn khoảng 1m.

“Nguyên nhân bồi lắng chưa được xác định nhưng hiện tượng này kéo theo một số hệ lụy, đó là các tàu cá có công suất lớn khó cập cảng và không vào được cảng, đồng nghĩa với các cảng cá không hoạt động. Vì thế, dịch vụ hậu cần đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp, luồng cạn cũng sẽ nguy hiểm cho tàu vào tránh trú bão, nhất là mùa mưa bão đến”, ông Lê Đức Nhân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh cho biết.

Đưa tàu đi “ăn nhờ ở đậu”

Ngư dân Tôn Đức Vinh, chủ tàu công suất 829 CV ở thôn Tâm Hải, xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) trải lòng: Hạ thủy chiếc tàu có công suất lớn chưa kịp mừng thì đã lo bến bãi. Với ý định ban đầu của tôi là cập bến ở Cửa Nhượng để tiện gần nhà nhưng cửa lạch ở đây cạn quá, tàu lớn không thể vào tận nơi được, phải đậu cách bến hơn 2km. Vì sự bất tiện này nên sau mỗi chuyến ra khơi, tàu tôi phải lựa chọn cảng Cửa Hội (Nghi Xuân) làm điểm neo đậu.

Trưởng Ban quản lý cảng cá Hà Tĩnh Bùi Tuấn Sơn cho biết, theo quy mô xây dựng, các cảng cá trên địa bàn đều không đủ điều kiện cho tàu trên 300 mã lực neo đậu. Tuy nhiên, hiện nay, các tàu vỏ thép trên 800 mã lực đang tạm cư trú ở cảng cá Xuân Hội và cảng cá Cửa Sót khiến hệ thống bến đỗ ở đây vốn đã chật chội nay càng bức bí hơn.

“Mặc dù Ban Quản lý cảng đã cố gắng bố trí, sắp xếp để cho các tàu thuyền thuận lợi trong việc ra vào, tiếp tế nhưng vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Về mặt pháp lý, hệ thống cảng ở Hà Tĩnh không đủ điều kiện để tiếp nhận tàu có công suất trên 300 mã lực, tuy nhiên, nếu không cho vào neo đậu thì các tàu này biết đi về đâu?”, ông Sơn trăn trở.

“Cảng Xuân Hội chỉ thiết kế cho tàu thuyền dưới 250CV nhưng Ban quản lý cảng thường xuyên tiếp nhận 25 chiếc tàu từ 100CV đến 829CV, trong đó có 5 chiếc 829CV, 11 chiếc trên 250CV và 7 chiếc dưới 250CV. Nếu tính độ dài của cảng so với thiết kế thì đúng, nhưng so với sự phát triển của các tàu thuyền đánh bắt xa bờ thì không đủ rộng để các tàu này vào cập cảng. Cảng cá không đủ diện tích nên ảnh hưởng lớn đến việc phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, nhiều năm nay, có hàng trăm lá đơn của người dân đề nghị cho thuê mặt bằng để kinh doanh các dịch vụ hậu cần nghề cá, nhưng cảng không thể đáp ứng vì diện tích không còn”, ông Đinh Sỹ Long, Cảng trưởng Cảng cá Xuân Hội, chia sẻ.
 
b16

Sự bồi lắng của đất cát khiến luồng lạch ở cảng Cửa Sót (Lộc Hà) ngày một cạn, gây khó khăn cho ngư dân và các dịch vụ hậu cần nghề cá.
Theo số liệu của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, tỉnh hiện có hơn 3.900 tàu cá các loại, trong đó, tàu thuyền trên 90CV có gần 1.400 chiếc. Các cảng cá trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều được xây dựng đã lâu, cộng thêm số lượng tàu công suất lớn (500-1.000CV) đóng theo chủ trương của Chính phủ khá nhiều, dẫn đến tình trạng quá tải trong lưu thông cũng như neo đậu tại các cảng.

Cũng theo ông Bùi Tuấn Sơn, đặc trưng tại cảng cá là khu vực cửa sông đổ ra biển, lượng bùn cát bồi lắng khá lớn. Kinh phí cho một đợt nạo vét lên đến vài chục tỷ đồng. Đơn vị đã nhiều lần đề xuất phương án xã hội hóa việc nạo vét cảng, theo đó, doanh nghiệp sẽ tiến hành nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm cát, như vậy, cảng cá sẽ tiết kiệm được kinh phí, doanh nghiệp cũng có lợi. Đề xuất vậy, nhưng đến nay, vẫn chưa có câu trả lời.

Muốn phát huy hiệu quả của nghề đánh bắt xa bờ, việc nâng cấp hệ thống cảng cá là yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, với hạ tầng cảng cá yếu kém như hiện nay, không biết đến bao giờ ngư dân Hà Tĩnh mới vững vàng để ra khơi. Bởi theo ngư dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy, hải sản, để ngành khai thác thủy, hải sản địa phương phát huy được lợi thế và tiềm năng sẵn có, tỉnh Hà Tĩnh phải sớm có giải pháp tổng thể nhằm nâng cấp, hiện đại hóa các cảng cá và phát triển toàn diện hệ thống hạ tầng dịch vụ nghề cá trên địa bàn.

 

Tác giả bài viết: Trà Giang

Nguồn tin: KTNT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây