Ban cán sự Đảng Chính phủ vừa trình đề án cải cách chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, phương án tăng lương cụ thể cho khối cán bộ, công chức đã được nêu rõ để xin ý kiến Trung ương quyết định.
Tờ trình nêu rõ mức tiền lương thấp nhất của khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp, được xác định bằng mức lương thấp nhất bình quân của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.
Dự kiến mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức năm 2021 là 4,14 triệu đồng/tháng. Con số 4,14 triệu đồng này là mức lương thấp nhất của công chức, viên chức, tương ứng hệ số 1,86 - trình độ trung cấp trong bảng lương hiện hành, được cho là tăng khá đáng kể so với mức chỉ gần 2,6 triệu đồng hiện nay (với mức lương cơ sở là 1,39 triệu đồng áp dụng từ ngày 1-7 tới đây).
Đây cũng chính là mức tiền tuyệt đối để xây dựng hệ thống bảng lương mới dự định áp dụng thống nhất từ năm 2021, không còn quy định lương theo hệ số, ngạch bậc như lâu nay nữa. Bảng lương mới sẽ được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.
Cụ thể, sẽ có một bảng lương chức vụ, áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp xã. Và một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
Bảng lương chuyên môn được thiết kế đảm bảo tiền lương tương quan với bảng lương của người giữ chức vụ lãnh đạo và thậm chí có một phần khuyến khích những người làm chuyên môn nghiệp vụ có thể phát triển nhưng không nhất thiết phải đi theo con đường lãnh đạo vẫn có thể tăng lương.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị Trung ương 7 khóa 12
Ban cán sự Đảng Chính phủ trình 2 phương án
Phương án 1: quan hệ lương 1 - 2,34 - 10 hiện hành được mở rộng lên 1 - 2,68 - 12 từ năm 2021, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức trong bảng lương mới là 4,14 triệu đồng.
Mức lương của chuyên viên bậc 1 (tương ứng hệ số 2,34 - trình độ đại học hiện nay) là 5,96 triệu đồng (hiện nay chỉ hơn 3,25 triệu đồng).
Mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3 (tương ứng với hệ số 10 hiện hành) là 26,7 triệu đồng (hiện nay chỉ 13,9 triệu đồng).
Phương án 2: quan hệ tiền lương 1 - 2,34 - 10 hiện hành được mở rộng lên 1 - 3 - 15 từ năm 2021, mức lương thấp nhất vẫn là 4,14 triệu đồng.
Chuyên viên bậc 1 sẽ có lương 6,68 triệu đồng, chuyên gia cao cấp bậc 3 sẽ nhận lương là 33,4 triệu đồng.
Nghĩa là lương chuyên viên bậc 1 tăng hơn gấp đôi, lương chuyên gia cao cấp bậc 3 tăng gần gấp 3.
Trong quan hệ tiền lương hiện nay, mức lương thấp nhất đối với nhân viên phục vụ bậc 1 là 1,3 triệu đồng (mức lương cơ sở), mức trung bình của cán bộ, công chức, viên chức chỉ đạt 3,042 triệu đồng (hệ số 2,34) và mức cao nhất như Chủ tịch nước, Tổng Bí thư cũng chỉ là 16,9 triệu đồng (hệ số 13).
Theo bảng lương chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước, lương Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ là 16,25 triệu đồng (hệ số 12,5).
Tờ trình cũng quy định chế độ nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo đó, đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, mỗi chức vụ có một mức lương. Sau đó cứ đủ 5 năm giữ chức vụ đó (hoặc chức vụ tương đương) thì được hưởng thêm 10%.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, không giữ chức vụ lãnh đạo, thời gian xét nâng bậc lương thường xuyên là 2 năm/bậc.
Cách trả lương theo cấp bậc, vị trí việc làm này được kỳ vọng giải quyết được các bất hợp lý hiện nay đối với chính sách tiền lương là cào bằng, không kích thích được lao động sáng tạo, không kiểm soát được thu nhập ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Chế độ tiền lương mới cũng có thể khắc phục được một bất cập hiện nay là quá nhiều phụ cấp. Với chế độ mới, tiền lương sẽ là chính, phụ cấp chỉ chiếm phần nhỏ. Cơ chế tiền thưởng theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc cũng sẽ tạo ra quyền chủ động của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong chi trả tiền lương.
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, mục tiêu của cải cách chính sách tiền lương nhằm đảm bảo đó là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.
Hiện đề án vẫn đang được Trung ương xem xét và dự kiến biểu quyết thông qua vào ngày 12/5.
GIANG ĐÔNG
Nguồn tin: Báo Dân sinh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn