Nếu bạn yêu thích cà phê, thông tin này sẽ thực sự làm bạn quan tâm và thích thú. Theo một nghiên cứu mới do các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Northwestern, Hoa Kỳ, tiêu thụ một hoặc nhiều cốc cà phê mỗi ngày có thể làm giảm 10% nguy cơ mắc COVID-19 so với những người không uống cà phê.
Thông tin đăng trên tạp chí Dinh dưỡng cho biết, tiêu thụ cà phê có mối tương quan với các dấu hiệu sinh học gây viêm như CRP, interleukin-6 (IL-6) và yếu tố hoại tử khối u I (TNF-I), vốn liên quan đến mức độ nghiêm trọng và tử vong của COVID-19. Cà phê được biết đến là có chứa các đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Tiêu thụ cà phê cũng liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi ở người cao tuổi. Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng cần phải tiếp tục có nghiên cứu thêm về tác dụng của cà phê trong việc ngăn ngừa nguy cơ mắc COVID-19.
Nhóm đã phân tích hồ sơ của 40.000 người trưởng thành tại Ngân hàng Biobank của Anh. Theo đó, nhóm nghiên cứu xem xét mối liên hệ giữa các yếu tố chế độ ăn uống bao gồm cà phê, trà, cá nhiều dầu, thịt chế biến, thịt đỏ, trái cây, rau quả và COVID-19. Kết quả cho thấy tiêu thụ rau xanh bao gồm nấu chín hoặc sống, không bao gồm khoai tây cũng giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19. Trong khi đó, ăn nhiều các loại thịt đã qua chế biến có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn. Tuy nhiên, ăn thịt đỏ không tạo ra nguy cơ, cho thấy thịt không phải là nguyên nhân mà do các phụ gia trong quá trình chế biến với thịt.
Các nhà khoa học cho rằng kết quả nghiên cứu ủng hộ giả thuyết yếu tố dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến các khía cạnh khác nhau của hệ thống miễn dịch, giúp bảo vệ bạn trước nguy cơ mắc COVID-19. Vì vậy khuyến khích tuân thủ các chế độ dinh dưỡng lành mạnh như tăng lượng rau và giảm lượng thịt chế biến có thể là một công cụ bổ sung để hạn chế sự lây lan của virus./.
Nguồn VOV.VN (biên dịch)/ India.com