Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Đến 13 giờ ngày 7-10, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ (trên dải hội tụ nhiệt đới tồn tại các vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành ATNĐ) và kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên từ đêm mồng 6 đến ngày 11-10, ở các tỉnh Trung Bộ có khả năng mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm/đợt, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt; các tỉnh Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 200-350mm/đợt; các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-250mm/đợt. Sau ngày 11-10, mưa lớn ở các tỉnh Trung Bộ có diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài. (PHÚC THÁI)
Sơ đồ, vị trí và dự báo ngày 6-10 về hướng di chuyển của vùng áp thấp.
* Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành ATNĐ và đặc biệt là tình hình mưa lũ lớn, ngày 6-10, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT)-Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã có công điện số 20 gửi ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Nghệ An đến Bình Thuận; khu vực Tây Nguyên và miền núi phía Bắc; Ban chỉ huy PCTT&TKCN các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố; các bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, bị chia cắt để sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn,
* Ngày 6-10, Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN (Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu) có Điện số 57/TK đề nghị Bộ tư lệnh các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5; Quân đoàn 1, 2, 3; Quân chủng Phòng không-Không quân, Hải quân; Bộ đội Biên phòng; Cục Cảnh sát biển Việt Nam quán triệt và thực hiện các biện pháp ứng phó với ATNĐ, duy trì nghiêm chế độ trực, thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết; thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của ATNĐ sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.(ĐIỆP HÀ)
Theo Qdnd.vn