Liên tiếp những vụ việc đau lòng
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, cả nước đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, nạn nhân không ai khác lại chính là các học sinh. Chiều 24/5/2020, 2 học sinh tại xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) rủ nhau vào đập tắm, không may xảy ra đuối nước. Vụ đuối nước thương tâm xảy ra khoảng 15 giờ 30 cùng ngày. Do thời tiết nắng nóng, 2 học sinh là Nguyễn Quốc H (lớp 12E) và Nguyễn Chí C (lớp 10 D) rủ nhau vào đập Cây Trường (xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn) để tắm, không may đã xảy ra đuối nước khiến cả 2 cùng tử vong.
Cha mẹ thường xuyên giáo dục, nhắc nhở con em nên ý thức, nhận biết được các mối nguy hiểm khi tắm sông, tắm biển.
Vào tối 24/5, Khoa Cấp cứu-Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận bé trai T.Đ.C (7 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) trong tình trạng huyết áp không đo được, mạch nhẹ, đồng tử giãn 4mm, không phản xạ ánh sáng. Người nhà cho biết bé trai tự ý trốn gia đình xuống hồ bơi ở chung cư dưới nhà và không may bị đuối nước. Lúc được phát hiện, bé trai đã tím tái, ngưng thở, ngưng tim. Sau khi cấp cứu khoảng 15-20 phút, tim bé trai đập lại và được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1, nhưng bé vẫn đã không qua khỏi.
Trước đó 3 tuần, Khoa Cấp cứu cũng tiếp nhận bé gái T.T.N.L (3 tuổi, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) bị đuối nước do ngã vào xô nước. Khi gia đình phát hiện ra bé đã ngưng tim, ngưng thở, thao tác hồi sức tại chỗ không tốt khiến não bé không thể hồi phục. Dù êkíp cấp cứu của bệnh viện đã cố gắng hồi sức, nhưng bệnh nhi cũng tử vong ngay sau đó.
Ngày 23/5, 4 học sinh lớp 12, trường THPT Cao Bá Quát, huyện Núi Thành (Quảng Nam) đến khu vực hồ Phú Ninh (đoạn thuộc huyện Núi Thành) tắm mát, câu cá. Đến 17 giờ cùng ngày, 2 học sinh đã bị đuối nước dẫn tới tử vong là em Trương Văn Vương và Lưu Quốc Bảo (18 tuổi, cùng ngụ huyện Núi Thành).
Trước đó, khoảng 17 giờ ngày 19/5, sau khi học xong, Nguyễn Thanh L và Đào Thúy N cùng học lớp 10 trường THPT Bất Bạt (xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội) ra tắm ở sông Đà (đoạn chảy qua thôn Đan Khê, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì) thì bất ngờ bị đuối nước, tử vong. Mặc dù được người dân đã tìm cách để cứu vớt ngay nhưng 2 em lại bị xoáy vào khu vực nước sâu khoảng 4m nên người dân không cứu được.
Cần sự giám sát hơn nữa từ phía gia đình
Theo báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), 33% số vụ tai nạn đuối nước trẻ em xảy ra do thiếu đi sự giám sát của người lớn. Việc chủ quan của bố mẹ khi để trẻ tự do vui chơi tại những nơi có mối hiểm họa rất dễ dẫn tới hậu quả đau lòng. Để phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em, ngoài việc tập trung giảng dạy kỹ năng môn bơi lội còn cần tới sự giám sát hơn nữa từ phía gia đình.
Học sinh còn thiếu kỹ năng mềm trong phòng, tránh đuối nước.
Ngày 18/5/2020, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các sở, cơ sở giáo dục và đào tạo yêu cầu tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước dịp hè năm 2020. Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT, các trường phổ thông chỉ đạo giáo viên ở các tiết học cuối trước khi học sinh tan trường nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không được chơi đùa gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hố công trình; không tự ý hoặc rủ nhau đi tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng, nhất là trong khoảng thời gian đi trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà và trong thời gian được nghỉ học, nghỉ hè.
Các nhà trường chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể tại địa phương hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh; tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước trong thời gian học sinh nghỉ hè; kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai, bão, lũ lụt... nhằm bảo đảm an toàn phòng chống đuối nước.
Về nguyên nhân dẫn đến các vụ đuối nước thương tâm, nhiều chuyên gia giáo dục thể chất cho rằng có thể không phải vì các em không biết bơi, thậm chí bơi giỏi nhưng lại không được trang bị kỹ năng mềm trong phòng tránh đuối nước nên khi gặp vùng nước nguy hiểm đã không thể xử lý tình huống. Theo các chuyên gia, việc tập luyện kỹ năng bơi lội, trang bị kiến thức cơ bản về sơ cứu đuối nước khi gặp nạn nhân bị đuối nước, biết cách sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy đối với học sinh là cực kỳ cần thiết. Đây cần được xem là việc làm thường xuyên, liên tục.
Ngoài nhà trường, một điều kiện quan trọng nữa là gia đình cần phải chú ý, quan tâm các em hơn nữa, quản lý chặt chẽ, không để các em tự ý đi tắm sông, tắm biển khi không có người lớn trông coi. Đồng thời, thường xuyên giáo dục, nhắc nhở các em nên ý thức, nhận biết được các mối nguy hiểm do tắm sông, tắm biển gây ra để tự bảo vệ; cố gắng tạo điều kiện cho các em vui chơi tại các địa điểm giải trí an toàn, cũng như tham gia các lớp học bơi. Nhiều trường học cấp cơ sở vẫn thường xuyên có các chương trình liên kết tổ chức các lớp dạy bơi, nhằm mục đích tăng cường sự quan tâm của phụ huynh đối với con em nhưng việc phòng chống tai nạn đuối nước cho các em chỉ thực sự có hiệu quả nếu như có được sự chung tay từ chính gia đình của các em.
Link gốc: http://baodansinh.vn/phong-chong-duoi-nuoc-cho-hoc-sinh-can-su-chung-tay-tu-chinh-gia-dinh-20200525181848869.htm