Vấn dề ô nhiễm ở đập thủy lợi Ngàn Trươi (Vũ Quang - Hà Tĩnh) đang khiến người dân lo ngại. Ảnh: Nhất Nam.
35 tỷ đồng hòa trong lòng hồ ô nhiễm
Những ngày này, người dân sống xung quanh khu vực Đập Dâng thuộc công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (đóng tại huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) đang hết sức lo lắng vì tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm bốc mùi hôi, thối và chuyển thành màu đỏ đe dọa sức khỏe và cuộc sống của họ. Trong khi cơ quan chức năng “tỏ ra bối rối” truy tìm nguyên nhân thì người dân nơi đây cho rằng lý do vô cùng đơn giản.
Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc ô nhiễm nguồn nước tại công trình thủy lợi nghìn tỷ này, những ngày đầu tháng 8/2019, nhóm phóng viên Báo Sức khỏe Cộng đồng đã tìm về tận khu vực Hồ chứa nước Ngàn Trươi, thượng nguồn của dòng chảy.
Từ đường mòn Hồ Chí Minh, công trình được mệnh danh là một trong những đại công trình thủy lợi lớn nhất cả nước hiện lên sừng sững. Con đập bê tông cao to hoành tráng với dòng chữ hồng đỏ ghi “Hồ chứa nước Ngàn Trươi” khiến ai đặt chân đến đây cũng trở nên nhỏ bé.
Thế nhưng trái với sự hoành tráng, ở phía dưới chân đập là cổng xả nước nằm im lìm, không hoạt động. Xung quanh là vùng nước màu đen vàng, khi thoảng theo cơn gió bốc mùi hôi khiến chúng tôi đứng từ phía trên cách xa cả vài chục mét cũng cảm thấy khó chịu. Bên kia con đập - phía lòng hồ, nước cũng không có gì là trong xanh cho lắm.
Vùng sông dưới hạ lưu Đập dâng Ngàn Trươi - Cẩm Trang (đoạn gần lối rẽ vào UBND huyện Vũ Quang) cũng bị ô nhiễm, màu hôi, thối khó chịu. Ảnh: Nhất Nam).
Trao đổi với phóng viên, đa phần người dân sống gần khu vực Hồ chứa nước Ngàn Trươi đều cho rằng, nguyên nhân khiến nguồn nước bị ô nhiễm bắt nguồn từ việc cây cối trong lòng hồ không được dọn dẹp sạch trong quá trình thu dọn, làm sạch lòng hồ những năm trước đây.
Hạng mục dọn dẹp lòng hồ, bóc thực bì... trước khi tích nước do BQL Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 - Ban 4, Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Oanh (71 tuổi, ở xóm 1, thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang), nhà nằm cách Hồ chứa nước Ngàn Trươi vài trăm mét chia sẻ: “Khoảng 1 tuần trước, nước ở đây bốc mùi hôi thối như thể mùi gỗ ngâm khiến người dân chúng tôi không thể nào chịu nổi. Kèm theo đó là việc nước ngả màu vàng đỏ kiến chúng tôi càng thêm lo lắng cho sức khỏe”.
Theo như lời ông Oanh và người dân tại khu vực thị trấn Vũ Quang: Hiện tượng nước ô nhiễm ở đây đã có từ mấy năm nay, bắt đầu từ khi Hồ chứa nước Ngàn Trươi ra đời. Trước đây cũng đã xảy ra hiện tượng ô nhiễm, nhưng lần này nghiêm trọng hơn, nước chuyển hẳn màu đỏ đen…
Nói về nguyên nhân gây ra ô nhiễm, ông Oanh chia sẻ: “Những năm trước, họ làm ăn cẩu thả, cây cối dưới lòng hồ không được dọn dẹp sạch sẽ họ đã cho tích nước. Ở đây ai cũng biết điều ấy và báo chí cũng nói rất lâu rồi, nhiều nhà báo tìm đến đây hỏi ý kiến chúng tôi rồi.
Bây giờ dân chúng tôi không ai dám thả lưới ở ven hồ vì rất dễ mắc cây. Các chú cứ hình dung cây gỗ xoan ngâm dưới ao lâu ngày rồi vớt lên mùi như thế nào thì mùi nước ở đây như thế. Những ngày trước nắng nóng cứ đi bộ lên gần hồ tập thể dục là mùi hôi thối bốc lên… không thể nào chịu nổi”.
Cũng theo ông Oanh, các cơ quan chức năng cứ truy tìm nguyên nhân nhưng đa phần người dân ở đây đều đã biết. Chỉ mong sao cơ quan chức năng mau chóng tìm ra giải pháp để người dân ở đây không phải chịu cảnh ô nhiễm nữa.
Cùng ý kiến tương tự, bà Hạnh (ở thị trấn Vũ Quang) dẫn phóng viên ra khu vực hồ nước cách khu dân cư vài bước chân để chứng minh cho việc dòng nước chuyển màu vàng đỏ.
Theo bà Hạnh vài ngày nay, cửa xả của Hồ chứa nước Ngàn Trươi dừng hoạt động thì nước ở đây mới bớt mùi. “Vài ngày trước, chúng tôi ở trong nhà cũng cảm thấy khó thở”.
Trong khi đó, ông A. (người dân sống gần khu vực lòng Hồ chứa nước Ngàn Trươi) quả quyết cho rằng, nguyên nhân gây ra việc ô nhiễm nguồn nước là do số lượng lớn cây cối, thượng bì tại lòng hồ không được dọn dẹp.
“Vài ngày trước tôi còn đi vào lòng hồ, có rất nhiều cây lứa chìm ở phía đáy. Hiện nay mưa lớn nên mực nước dâng cao, các chú không thể nào nhìn thấy. Nhưng ở 2/3 đáy hồ thì cây cối bị ngâm không xuể”, ông A. nói.
Ông A. cùng nhiều người dân sống gần thượng nguồn hồ Ngàn Trươi cho biết, trước đây khi dọn dẹp lòng hồ, đơn vị thi công đã thuê người từ Nghệ An lên đây chặt cây cối, nhưng sau đó không đốt bỏ cũng không di chuyển đi mà chỉ khai thác những cây to có lợi ích về kinh tế. Còn lại lượng lớn cây nhỏ và tre trúc cùng lớp thượng bì khác đều bị để lại sau đó cho nước nhấn chìm.
“Cách làm ăn như thế là cẩu thả, họ hầu như chẳng dọn dẹp gì cả…”, ông A. chia sẻ.
Người dân thị trấn Vũ Quang phản ánh với PV Báo Sức khỏe Cộng đồng về việc ô nhiễm nguồn nước tại khu vực. Ảnh: Nhất Nam.
Là xã tái định cư để nhượng lại nhà cửa phục vụ công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, nhiều người dân ở xã Hương Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) cũng phản ánh việc nước sạch sinh hoạt nơi đây bị ô nhiễm do ảnh hưởng từ nguồn nước ở hồ.
Ông Đặng Khánh Trình - Chủ tịch UBND xã Hương Điền cho biết: “Ngày xưa nhà tôi ở trong lòng hồ, ra tái định cư từ năm 2013. Thảm thực vật hầu như để nguyên xi không dọn dẹp. Có dọn cũng không triệt để.
Về khoa học chúng tôi không biết nhưng tôi cho rằng việc ô nhiễm chẳng qua là do cây ngâm lâu ngày thôi. Nước sinh hoạt của chúng tôi là lấy từ hồ Kẻ Gỗ không phải từ hồ Ngàn Trươi nhưng 2 bên mùi là rất giống nhau, đều không dọn dẹp cây cối ở lòng hồ”.
Trong khi đó, một lãnh đạo khác của xã Hương Điền cũng nói rằng, đơn vị thi công dọn dẹp lòng hồ chỉ di chuyển những cây gỗ to ra khỏi lòng hồ còn để mặc thảm bì và các cây cối đã chặt mà nhấn chìm nước.
“Nước ở tầng trên mặt lòng hồ thì vẫn trong xanh lắm, nhưng nước xả là tầng dưới, khoảng chừng 1/3 dưới lòng hồ là bẩn.”, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Hương Điền chia sẻ với phóng viên trong buổi trò chuyện chiều 1/8.
Loại trừ nguyên nhân ô nhiễm từ bên ngoài
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thiều Quang – Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết: Nguyên nhân chính xác gây ra ô nhiễm nguồn nước tại Đập Dâng Ngàn Tươi đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Sau khi đóng đập hồ Ngàn Tươi 1 thời gian (khoảng đầu năm 2017) thì đã từng xảy ra tình trạng ô nhiễm khi các cây tươi bị ngâm gây ra mùi hôi thối như mùi gỗ ngâm. Sau đó, khi vớt hết cây cối thì nước hồ không còn ô nhiễm.
Tuy nhiên, sau trận mưa lớn vào khoảng giữa tháng 7 vừa rồi thì phát hiện ra nước có màu đỏ đục bất thường tại toàn bộ thượng nguồn Đập Dâng và nước tại hệ thống kênh.
“Phía hạ du thì không có mùi nhưng ngay cổng xả của đập đầu mối (Hồ Ngàn Trươi) thì có mùi đậm đặc, khó chịu. Hiện nay, khi đập đầu mối xả thì vẫn có mùi nhưng đã được chặn lại không xả nữa”.
Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết, do vụ việc liên quan đến 2 công trình lớn trên địa bàn là Thủy lợi Ngàn Trươi và Công ty chế biến gỗ MDF Thanh Thành Đạt. Huyện sau đó báo cáo lên tỉnh và cùng Sở kiểm tra nhà máy gỗ.
Người dân sống gần vùng lòng Hồ chứa nước Ngàn Trươi chia sẻ với PV và cho rằng, nguyên nhân ô nhiễm xuất phát từ dự án 35 tỷ đồng nhưng lòng hồ không được thu dọn sạch sẽ. (Ảnh: Nhất Nam).
Tuy nhiên, theo trả lời của Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, việc nhà máy gỗ chưa đi vào hoạt động mà chỉ đi vào chạy thử, không phải nguyên nhân khiến nguồn nước ô nhiễm.
“Nhà máy chưa hoạt động nên nước thải sinh hoạt và hoạt động sản xuất là chưa có. Qua đi khảo sát, tìm hiểu thì cho thấy nhà máy này sử dụng nước tái chế tuần hoàn trong nhà máy. Chất thải chủ yếu là chất thải rắn, số lượng thải không nhiều. Nếu hoạt động thì mỗi ngày chỉ khoảng vài chục kg như gỗ, lá, vỏ cây… Đây đều có thể làm phân bón cho cây trong nhà máy nên cũng không cần phải đưa ra ngoài, đây là nhà máy hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu…
Qua kiểm tra bằng cảm quan mắt thường thì nước vẫn trong bình thường như khi chưa có nhà máy. Từ đó, theo dự đoán của bọn mình thì khả năng lớn nhất là lòng hồ Ngàn Trươi”.
Ông Quang đề cập và cho biết việc kiểm tra nhà máy sau khi có hiện tượng nước ô nhiễm có cả lãnh đạo tỉnh và bộ.
Ông Quang cũng xác nhận việc làm sạch lòng hồ trị giá 35 tỷ đồng do BQL Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 làm chủ đầu tư.
“Quá trình làm sạch lòng hồ, họ có phát xẻ cây, dọn và xử lý thực bì. Tuy nhiên, sau khi xử lý thực bì do nằm trong khu vực vườn Quốc gia nên không được đốt. Và thời gian cắt dọn thực bì khá dài nên các mầm cây mọc lại nên có thể làm ô nhiễm…”, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang chia sẻ thêm.
Nhiều công trình nhà cửa, cành cây mục ruỗng tại lòng Hồ Ngàn Trươi. (Nguồn ảnh: Báo Người Đưa Tin).
Lãnh đạo UBND huyện Vũ Quang cũng xác nhận, thời gian đầu năm 2017, báo chí từng phản ánh và cảnh báo rất nhiều về dự án làm sạch lòng hồ trị giá 35 tỷ đồng nhưng không dọn dẹp cây nên có thể gây ra ô nhiễm nguồn nước.
Như vậy, thay vì việc loay hoay đi tìm nguyên nhân gây ô nhiễm mà “ai cũng biết”, các cơ quan chức năng Hà Tĩnh nên tìm lý do vì sao đã chi rất nhiều tiền nhưng lòng hồ không được dọn sạch?.
Còn tiếp...
Hồng Lĩnh - Nhất Nam