Tại vị trí hồ gom nước thải Công ty TTĐ, có một ống nhựa khá to đang dẫn nước chảy vào bể lắng, nước màu đỏ đục
Bí ẩn phía hai chân đập
Mặt nước, cống xả, đê kè, lòng mương đều nhuốm màu đỏ quạch như nước mắm, có mùi hôi rất khó chịu. Nguồn nước ô nhiễm nhưng điều lạ là cá tại lòng hồ không chết. Nguồn nước trên đập chính vẫn được lấy về nhà máy để xử lý nước sinh hoạt cho người dân huyện Vũ Quang. Dư luận, chính quyền đặt ra nghi vấn: Do lòng hồ đập chính không được dọn sạch thực bì, công trình nhà ở, vệ sinh của hàng nghìn hộ dân 2 xã Hương Điền và Hương Quang đã đi tái định cư hay do nguồn xả thải của Công ty Chế biến gỗ MDF Thanh Thành Đạt (TTĐ) ở thượng nguồn? Trước những nghi vấn này, cả Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) và TTĐ đều bảo vệ quan điểm “không phải từ công trình của mình gây nên”.
Một cán bộ Ban 4 cho biết, đúng là lòng hồ không được dọn hết cây cối và thực bì vì số tiền 35 tỉ đồng chỉ thu dọn được 1.650ha/4.500ha diện tích lòng hồ theo thiết kế. Trước đó, Bộ NN&PTNT cũng khẳng định, việc thu dọn lượng thực bì, cây cối này hoàn toàn bảo đảm tiêu chuẩn cho nước tưới tiêu nông nghiệp còn nước sinh hoạt thì phải qua xử lí. “Nguồn nước ô nhiễm tập trung phía dưới miệng cống xả tuynel 1 và đập dâng. Cái này, không thuộc thẩm quyền của Ban 4 mà là của các ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh. Tại sao nguồn nước phía đập dâng lại có một màu đỏ “bền vững” không thể tự phai, tự lắng xuống lòng hồ. Phải chăng có một chất nào đó được hòa lẫn vào nước. Việc này, cần cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ”, vị cán bộ này đặt câu hỏi.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, Giám đốc Công ty gỗ MDF TTĐ Trần Quang Luận cho biết: “Nói công ty chúng tôi gây ô nhiễm là không đúng vì dây chuyền chưa bàn giao đưa vào sản xuất. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín công ty. Ô nhiễm do đâu thì rõ như ban ngày. Cây cối, nhà cửa, công trình vệ sinh lòng hồ không dời dọn vẫn còn nguyên đó. Tôi cam đoan, nếu công ty gây ô nhiễm, tôi sẵn sàng giao nhà máy lại cho tỉnh, chấp nhận phá sản”, ông Luận thẳng thắn nói.
Một chuyên gia trong ngành nông nghiệp chia sẻ, nếu nước đập Ngàn Trươi chuyển màu là do lượng thực bì, mùn gỗ, cây cối thối rữa lắng xuống tầng đáy thì không đáng lo ngại vì đây là xác hữu cơ. Các vi chất hữu cơ sử dụng tưới tiêu trong nông nghiệp là rất tốt, còn nếu sử dụng trong sinh hoạt cần phải được xử lý theo đúng quy trình.
|
Lòng hồ có gì?
Chiều 2/8, có mặt tại lòng hồ Ngàn Trươi, Báo GD&TĐ ghi nhận: Bề mặt ở khu vực đập chính không có biểu hiện bất thường. Nước trong xanh, không có mùi hôi. Miệng cống tuynel 1 không có màu đỏ gạch bám như ở miệng phía hạ lưu. Người dân vẫn tắm giặt, đánh bắt cá. Không có hiện tượng cá chết hay nước đổi màu bốc mùi. Những vật tiếp xúc thường xuyên với nước lòng hồ đập chính như ca nô, xuồng máy, xuồng gỗ của người dân và bè nổi của Trạm Kiểm lâm Hương Đại đều không có bất thường.
Phía sau nhà xưởng của Công ty gỗ MDF TTĐ, có nhiều ống cống thoát nước từ khu chế biến gỗ chảy ra Hói Trươi rồi chảy về đập dâng, nhưng không xuất hiện bất kì một nguồn nước bẩn nào. Trong sân kho của Công ty TTĐ, gỗ được tập kết thành nhiều đống, nhưng không có bóng người. Theo ông Trần Quang Luận, Giám đốc công ty thì thời điểm gần đây nhà máy chỉ chạy thử nghiệm, chưa hoạt động chính thức nên không thể cho nguồn thải ra ngoài môi trường được?!
Tuy nhiên, khi tiếp cận ghi hình từ ngoài tường bao phía sau nhà máy thì phát hiện một hồ gom nước thải có lót bạt chống thấm. Phía góc trái (nhìn từ ngoài vào) có một ống nhựa khá to đang dẫn nước chảy vào bể lắng, nước màu đỏ đục. “Việc công ty TTĐ có tổ chức sản xuất trong thời gian qua, chúng tôi không dám chắc chứ thỉnh thoảng thấy ống khói xả khói đen là có. Để xác định có sản xuất hay không thì cơ quan điều tra cứ thu thập chỉ số công tơ điện sản xuất của công ty thì sẽ có đáp án”, ông N.H.T ở thị trấn Vũ Quang đề xuất.
Ô nhiễm do quặng sắt?
Kết quả sau nhiều lần lấy mẫu nước thí nghiệm từ cơ quan chức năng, cho thấy thành phần trong nguồn nước có hàm lượng sắt cao.
Khu vực xã Sơn Thọ (huyện Vũ Quang), thượng nguồn đập dâng và ngay khu vực vách núi của bờ đập dâng có trữ lượng sắt khá lớn. Toàn bộ nguồn nước trên địa bàn xã Sơn Thọ chủ yếu đổ về Hói Trươi rồi đổ thẳng ra đập dâng. Trong khi đó, Hói Trươi lại chảy qua tường bao phía sau của nhà máy gỗ TTĐ trước khi đổ vào đập dâng.
Vì có trữ lượng quặng sắt, đá sắt lớn, nhằm tận thu khoáng sản tránh lãng phí và giảm thiểu tác động môi trường cho công trình đại thủy lợi Ngàn Trươi, năm 2008, tỉnh Hà Tĩnh cho xây dựng nhà máy quặng sắt huyện Vũ Quang, trên diện tích 19ha với tổng số vốn đầu tư hơn 158 tỷ đồng. Tháng 5/2009, nhà máy đi vào hoạt động với công suất ước 500.000 tấn quặng/năm, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy thép Vạn Lợi (khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh). Tuy nhiên, từ năm 2010, nhà máy Vạn Lợi bị “chết yểu” vì thiếu vốn, dẫn tới nguyên liệu của nhà máy quặng Vũ Quang làm ra không thể tiêu thụ.
Đến ngày 7/8/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 2205/QĐ-UBND về việc thu hồi giấy phép hoạt động của nhà máy. Hiện, những đống quặng sắt thô khổng lồ nằm ngổn ngang, phơi giữa mưa nắng, đe dọa môi trường xung quanh; các giàn máy móc đồ sộ hoen rỉ; nhiều hạng mục như hệ thống đập, nghiền, sàng quặng, lò đốt thiêu kết, các dây chuyền thiết bị của nhà máy đã hư hỏng vì bị mưa nắng bào mòn, tàn phá.
Lãnh đạo Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh thừa nhận, sản phẩm quặng tồn kho từ năm 2013 của nhà máy khoảng 8 vạn tấn. Trong đó 4 vạn tấn thành phẩm, số còn lại bán thành phẩm. Số hàng này như núi ngoài trời và không được che chắn.
Qua những số liệu, thông tin chúng tôi thu thập được cho thấy nghi vấn về ô nhiễm nguồn nước tại đại thủy lợi Ngàn Trươi do ô xít sắt là có cơ sở. Tuy nhiên, nguyên nhân nào dẫn tới ô nhiễm bất thường, chất nào tham gia vào quá trình phản ứng hóa học và xuất xứ từ đâu để tạo nên màu đỏ “bền vững” trong môi trường nước? Những câu hỏi lớn về sự bí ẩn hai phía chân đập chính thủy lợi Ngàn Trươi đang chờ cơ quan chức năng trả lời trước ngày 8/8.