Những cột điện cũ, cột viễn thông trở thành phế liệu và xuất hiện ở nhiều nơi, từ những cánh đồng đến dọc trục đường liên xã, nằm ngay các trạm biến áp, trong khuôn viên các công sở và ngay tại nhà của các hộ dân.
Tại xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn hệ thống cột viễn thông dư thừa gây cản trở việc triển khai các công trình hạ tầng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ông Hà Học Tuấn - Chủ tịch xã Sơn Hòa chia sẻ: “ Trên địa bàn có hàng cột viễn thông không dây đứng trơ trọi đã 7 năm nay nhưng không rõ là của mạng viễn thông nào. Vì không biết là do nhà mạng nào quản lí nên trong quá trình xây dựng các công trình tại địa phương, những cột nào bị vướng thì chính quyền buộc phải tự hạ xuống”.
Tại huyện Đức Thọ thực trạng cũng diễn ra tương tự, một hàng cột viễn thông dài hàng km chạy dọc đường liên xã từ xã Đức La đến xã Đức Quang được đầu tư đã 4 năm nay dường như “chết yểu”. Hệ thống cột giờ đứng trơ trọi, rêu bám…Nhiều người dân đã “tận dụng” hàng cột để treo biển quảng cáo, biển chỉ đường. ..
Ông Chu Đình Lưu - Chủ tịch UBND xã Đức Quang cho biết: “Đây là cột viễn thông của nhà mạng Viettel dựng lên đã 4 năm nhưng không kéo dây. Trong quá trình xây dựng NTM, một số cột đã được hạ xuống để địa phương mở rộng đường. Tiếp đây dự án mở rộng đường liên xã được triển khai thì rất nhiều cột viễn thông này sẽ nằm trong hành lang giải tỏa”.
“Rác” cột điện, cột viễn thông tồn tại nhiều năm qua gây mất mỹ quan, cản trở việc tiến hành xây dựng các công trình hạ tầng trong quá trình phát triển NTM, gây trở ngại cho người dân khi canh tác sản xuất, thậm chí là nguy cơ gây tai nạn khi cột bị gãy đổ do xuống cấp vì không được bão dưỡng, không được chằng néo…
Tại các xã như Sơn Thịnh, Sơn Hòa, Sơn Ninh, Sơn Trung (huyện Hương Sơn), các xã Sơn Thọ, Hương Thọ, dọc tỉnh lộ 5 xã Đức Bồng (huyện Vũ Quang), nhiều hệ thống cột điện mới đã được thay thế, tuy nhiên các cột điện cũ vẫn chưa được thu hồi, thậm chí là cả cột điện cao thế. Bên cạnh đó các cột điện do người dân bỏ lại khi đã được thay bằng đường điện mới cũng tràn lan.
“Việc thu hồi các cột điện cũ sau khi đã được thay thế còn tùy thuộc vào vị trí. Các vị trí không thể thu hồi như ở trong nhà dân, vùng đầm lầy máy móc không xuống được; cột không gây mất mỹ quan, không ảnh hưởng đến dân đời sống dân sinh…”, một cán bộ điện lực Hương Sơn thông tin.
Ông Nguyễn Hồng Tân, Giám đốc Chi nhánh điện lực huyện Vũ Quang cho biết: Trong tất cả các cột điện đã được thay thế thì số cột cũ phải được thu hồi để đưa vào phục vụ cho những vùng có hệ thống cột chưa đảm bảo. Nếu không thu hồi thì cũng phải hạ xuống đập bỏ lấy thép để tránh mất mỹ quan.
Theo nguyên tắc, tất cả những dự án nếu thực hiện giữa chừng mà không hiệu quả thì phía chủ đầu tư phải thu hồi cơ sở vật chất đã tiến hành xây dựng.Tuy nhiên nhiều dự án đường truyền viễn thông đang “chết yểu” vẫn chưa được xử lý.
Trong khi nhiều hệ thống hạ tầng lưới điện tại nhiều địa phương vẫn còn tạm bợ, nhiều đường điện thả rong trên mặt đất vì không có cột thì số cột dư thừa đang bị bỏ quên là một sự lãng phí và cần sớm được thu hồi.