Hiện Trường Đại học Hà Tĩnh tuyển sinh đạt thấp. Ảnh: Trần Tuấn.
Quy hoạch mênh mông...
Ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động ngày 23.2, trong khuôn viên rộng lớn tại cơ sở chính của Trường Đại học Hà Tĩnh (ở xã Cẩm Vịnh), nhiều dãy kí túc xá bỏ hoang, rêu phủ, trong khuôn viên trường bạt ngàn rừng keo, nhiều ha trồng lúa, thả cá, làm trại nuôi gà, chưa kể diện tích đất bỏ trống cũng còn rất lớn.
Cụ thể, hiện 2 dãy nhà ký túc xá B1, B2 mỗi tòa cao 5 tầng của trường bỏ trống không dùng đến, tường bong tróc, rêu xanh dần bao phủ. Tòa kí túc xá B3 cao 5 tầng và 3 tòa ký túc xá cao tầng khác cũng ít sinh viên ở.
Một phần diện tích lớn khác đã đươc thu hồi cho Đại học Hà Tĩnh giờ đang được trồng lúa, nuôi cá, nuôi gà.
Một người đàn ông lớn tuổi cho biết, ông được thuê mỗi tháng 5 triệu đồng để chăn nuôi gà cho thầy Thái ở Khoa Nông nghiệp của Trường Đại học Hà Tĩnh. Có thời điểm, số gà nuôi đến hơn 1.000 con gà thịt để bán cho các nhà hàng ở thành phố. Ngoài ra, trại còn bán gà con, gà giống...
Một người dân thôn Bình Minh (xã Cẩm Bình) cho biết, trước đây, gia đình ông bị thu hồi 500m2 đất ruộng tại đây để làm trường Đại học Hà Tĩnh, một số hộ khác cùng thôn còn bị thu hồi nhiều hơn. Thế nhưng, trường lấy đất quá nhiều mà không sử dụng đến rất lãng phí. Giờ thì trường cũng đang làm ruộng.
Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, ông Đoàn Hoài Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh xác nhận phần diện tích đang làm ruộng và nuôi gà là do Tiến sĩ Lâm Xuân Thái - công tác tại Khoa Nông nghiệp Đại học Hà Tĩnh – thực hiện. Ông Sơn cho rằng đó là trại thực nghiệm để sinh viên Khoa Nông nghiệp - Môi trường của nhà trường thực tập, thực hành chứ trường không cho ai thuê. Việc thầy Thái có thuê người làm công là quyền của thầy Thái để chăm sóc, bảo quản tài sản.
Với câu hỏi, chỉ có ít ỏi sinh viên Khoa Nông nghiệp - Môi trường nhưng các mô hình thực nghiệm rộng lớn quá như vậy có cần thiết không, ông Sơn cho rằng càng rộng càng tốt để sinh viên thực tập, trải nghiệm.
Ông Sơn cũng cho hay, hiện trường đang trồng hơn 10 ha keo, có thể trồng keo chưa phù hợp nhưng trước mắt là để phủ xanh đất trống, sau này sử dụng vào công trình gì thì chặt bỏ keo sau.
Tuyển sinh giảm dần
Theo ông Đoàn Hoài Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh, Trường Đại học Hà Tĩnh cơ sở chính ở xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên) có diện tích 70ha, hiện nhiều hạng mục không sử dụng hết vì tuyển sinh khó khăn.
Theo đó, hiện trường có 7 khoa, 2 bộ môn và đang có gần 3.000 sinh viên, học viên theo học gồm các hệ chính quy, vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng chứng chỉ... Tổng toàn trường có 300 cán bộ, giảng viên, nhân viên.
"Việc tuyển sinh hiện nay rất khó khăn, trong đó do có vướng Nghị định 116 năm 2020 quy định về hỗ trợ học phí cho sinh viên ngành sư phạm. Với Nghị định đó, trường không tự quyết định chỉ tiêu tuyển dụng ngành sư phạm được mà phải do tỉnh phê duyệt" - ông Sơn chia sẻ.
Ông Sơn dẫn chứng như năm 2021, nhà trường tuyển được 700 chỉ tiêu sư phạm nhưng sang năm 2022 không có chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm nữa.
"Ở nhiều trường cũng đang vướng không tuyển được chỉ tiêu sư phạm vì đang vướng Nghị định 116" - ông Sơn nói và tỏ ra tiếc nuối khi cho rằng nhu cầu người học sư phạm còn rất lớn.
Do vậy, từ năm 2022 đến nay, kết quả tuyển sinh của Trường Đại học Hà Tĩnh đạt thấp, như năm 2022 chỉ tuyển được khoảng 500 sinh viên, học viên.
Hiệu trưởng Đại học Hà Tĩnh cũng thông tin thêm, trước đây, trường tuyển sinh được số lượng sinh viên Lào theo học khá lớn nhưng gần đây không tuyển được nữa. Hiện toàn trường chỉ còn khoảng 300 - 400 sinh viên Lào đang theo học.
Trường có 6 tòa ký túc xá cao tầng, có sức chứa khoảng 2.000 chỗ ở cho sinh viên. Thế nhưng hiện nay chỉ có khoảng 1.000 sinh viên ở kí túc xá, đang có 2/6 tòa nhà kí túc xá, mỗi tòa cao 5 tầng bỏ không, xuống cấp.
2 dãy kí túc xá cao tầng này đang bỏ không vì ít sinh viên. Ảnh: Trần Tuấn
Về việc Trường Đại học Hà Tĩnh sở hữu diện tích "khủng" nhưng tuyển sinh khó khăn, ông Sơn cho rằng, trường được quy hoạch là thành phố đại học cho tầm nhìn tương lai.
"Khi thành lập còn định lấy diện tích nhiều hơn nữa vì theo tầm nhìn tương lai. Tuy nhiên, tùy từng giai đoạn phát triển, như giai đoạn này tuyển sinh đang khó khăn quá" - ông Sơn cho biết.
Nhiều ha đất đang được Trường Đại học Hà Tĩnh sử dụng trồng lúa và nuôi cá, được Hiệu trưởng thông tin là mô hình thực nghiệm để sinh viên Khoa Nông nghiệp học tập, thực hành. Ảnh: Trần Tuấn
Link gốc: https://laodong.vn/ban-doc/dai-hoc-ha-tinh-tuyen-sinh-kho-khan-co-so-vat-chat-bo-hoang-lang-phi-1150817.ldo?fbclid=IwAR3x2Z0WLrYog1uK69ocYWBRPZtm_T23795GAhFkDFRBXqQmN2q7In3QUn0