Cơn bão số 3 hồi cuối tháng 7/2018 gây mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh Nghệ An, có những nơi mưa lớn liên tục 10 ngày. Mưa lớn kéo dài gây nên tình trạng sạt lở núi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông đi lại ở các xã Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải (Kỳ Sơn, Nghệ An).
Ông Lữ Quang Hưng – Chủ tịch UBND xã Mường Ải cho biết: “Trận mưa do ảnh hưởng cơn bão số 3 kéo dài đến 10 ngày, kỉ lục 10 năm trở lại đây. Mưa lớn kéo dài, kết cấu đất đá trên núi yếu đã xảy ra sạt lở, một khối lượng đất đá lớn đổ xuống đường gây chia cắt, cô lập nhiều bản làng trong xã. Con đường từ trung tâm huyện vào xã cũng bị chia cắt, mưa dứt 3-4 ngày mới thông.
Đến thời điểm này, đường vào các bản đã cơ bản thông nhưng đoạn từ giáp ranh giữa Mường Ải và Mường Típ do sạt lở nặng, một tảng đá nặng hàng chục tấn rơi xuống, án ngữ ngang đường, chỉ cách vực khoảng 50cm, xe cộ đi qua hết sức nguy hiểm. Với sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng và cán bộ Đoàn kinh tế quốc phòng 4, chúng tôi đang nỗ lực giải tỏa, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua đây”.
Mưa lớn, nước lũ cuồn cuộn đổ theo dòng sông Nậm Típ gây nên tình trạng xói lở bờ sông phía thuộc địa phận Việt Nam, tác động trực tiếp đến con đường vành đai biên giới. Trên đường vành đai biên giới, nhiều chỗ bị nước lũ “ăn sâu” vào đến tim đường. Tình trạng sạt lở vẫn đang có nguy cơ tiếp diễn bởi dòng nước đục ngầu vẫn cuồn cuộn đổ từ thượng nguồn về.
Ngày 8/8, nhiều đoạn sạt lở phía đang được cơ quan chức năng khắc phục. Tuy nhiên, việc khắc phục chỉ thực hiện được ở phía giáp thị trấn Mường Xén, nơi xe cẩu có thể vào được. Càng đi vào phía trong, tình trạng sạt lở có giảm nhưng khó khắc phục hơn bởi nền đường yếu, nhiều đoạn bị nứt ngang hoặc ăn sâu vào tim đường, lòng đường chỉ vừa một xe máy đi qua.
Anh Nguyễn Văn Thông là người thường xuyên bỏ hàng cho một số quán tạp hóa ở xã Mường Típ, Mường Ải cho biết: “Bình thường đi lại trên cung đường này đã rất vất vả. Từ đợt mưa lũ cuối tháng 7, đường sá hư hỏng, đi lại nguy hiểm hơn bội phần. Hôm trước có người chở hàng vào, đường hẹp nên lạc tay lái, rơi xuống sông, may người văng ra rơi gần bờ, còn xe và hàng hóa thì bị nước lũ cuốn trôi. Vận chuyển khó khăn nên hàng hóa vào đây khan hiếm, giá cũng tăng cao hơn”.
Ông Hoa Văn Ngành – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Típ (xã Mường Típ) chia sẻ: “Năm học mới cận kề, giao thông đi lại khó khăn, các thầy cô cũng vất vả hơn. Việc tổ chức bữa ăn cho gần 200 em học sinh bán trú cũng sẽ khó hơn do nguồn thực phẩm từ bên ngoài vào khan hiếm, đội giá. Trước mắt, thời gian đầu các em nhập học trường tự chủ được một phần thực phẩm từ chuồng trại chăn nuôi nhưng cũng chỉ lo được một thời gian ngắn thôi, nếu tình trạng này kéo dài sẽ rất gay go”.
Một số hình ảnh do PV Dân trí ghi lại trên tuyến đường vành đai biên giới Tây Nghệ An:
Tác giả bài viết: Hoàng Lam
Nguồn tin: Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn