Đó là hoàn cảnh của gia đình anh Phạm Văn Ba, trú thị trấn Thanh Chương, Nghệ An. Nhà vốn nghèo khi chỉ trông vào thu nhập ít ỏi từ làm nông nhưng bù lại, 4 người con của anh Ba đều học rất giỏi và là niềm tự hào của gia đình cũng như bà con lối xóm.
Mới đây, tin vui từ các kỳ thi tới tấp “bay về” với gia đình anh Phạm Văn Ba khi các con của anh trong kỳ thi lên cấp 3 và THPT quốc gia đều đỗ điểm cao.
Tuy thế, sau niềm vui là nỗi âu lo hiện rõ trên khuôn mặt gia đình anh Ba. Bởi anh hiểu hơn ai hết, mình sinh ra ở miền quê nghèo Thanh Chương nên khi trong gia đình chưa đủ ăn, để nuôi các con ăn học với vợ chồng anh là quá gian nan.
Anh bảo, vợ chồng lấy nhau và sinh được 4 người con. Cả 4 đứa con của anh đứa nào cũng ham học và học rất giỏi, cho nên dù cái nghèo, cái đói bủa vây nhưng cố chịu để các cháu được đến trường. Bởi vậy, cô con gái đầu Phạm Thị Bảo Châu cũng được gia đình cho ăn học và hiện đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Y Hà Nội.
Phạm Ngọc Thạch là con trai thứ hai có những thành tích học tập rất đáng nể: Lớp 9, Thạch đạt giải Ba cấp tỉnh môn Hóa; lớp 11 đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán và Hóa. Đặc biệt, trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Phạm Ngọc Thạch đậu Á khoa khối A của tỉnh Nghệ An với 27,6 điểm.
Cô em gái thứ ba Phạm Thị Bảo An noi gương anh chị đã có kết quả học tập xuất sắc. Năm lớp 5, Bảo An đạt Huy chương vàng Toán tuổi thơ cấp quốc gia; năm học 2017- 2018 em đạt giải Nhất cấp tỉnh môn Hóa và thủ khoa chuyên Hóa của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu với số điểm gần như tuyệt đối 19,75 điểm.
Con thứ tư Phạm Duy Thái năm nay học lớp 7 cũng học hành không thua kém gì anh chị của mình. Nhiều năm liền là học sinh khá và rất ngoan ngoãn.
Hôm cầm giấy báo trúng tuyển vào lớp chuyên Hóa của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu của cô con gái thứ ba Phạm Thị Bảo An, anh Ba ứa nước mắt vì thương con.
“Không cho con về thành phố học nghĩa là cắt đi cơ hội phát triển ở môi trường học tập tốt nhất của con bé Phạm Thị Bảo An muốn xuống thành phố đi học cấp 3 ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đó nhưng nghe khó quá vì kinh tế eo hẹp lắm”, anh Ba chia sẻ.
“Gia đình tui làm nghề nông thuần túy thôi chú à. Ngoài việc đồng áng, vợ tui còn chạy chợ bằng gánh hàng rau nhỏ. Kinh tế eo hẹp, khó khăn chồng chất… nhưng tui chưa bao giờ sao nhãng việc học hành của các con. Tui nói con bé Bảo An thì học trường làng, trường huyện thôi, chứ về thành phố học, bố mẹ không chu cấp nổi đâu, nhưng nó khóc, nó van xin phải về học bằng được trường Phan Bội Châu.
Nghe con nói thế, lẽ nào mình cản bước con, trước mắt tui cũng phải tìm cách để cho các con ăn học, nhưng có lẽ sau khi các cháu vào học sẽ vay thêm ngân hàng để trang trải vậy”, anh Ba tâm sự trong nước mắt vì quá thương các con.
Với anh, sự học luôn được ưu tiên hàng đầu, chỉ có tri thức mới giúp cho cuộc sống của các con tiến bộ. Thấu hiểu nỗi lòng bố mẹ, cả bốn đứa con anh đều ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập. Ngoài giờ học, các con luôn tranh thủ đỡ đần việc nhà, làm cả việc đồng áng phụ bố. Có lẽ kết quả học tập của các con chính là động lực giúp gia đình vượt qua được sự cực nhọc của cuộc mưu sinh.
Với anh trong suy nghĩ là vậy để cho các con yên tâm, nhưng để cho con về phố học thì gia đình anh lấy đâu ra tiền trang trải. Bởi vì năm học 2018- 2019 này, cậu con trai thứ 2 Ngọc Thạch cũng sẽ ra Hà Nội học đại học khi đó khó khăn lại chồng chất hơn.
Anh rầu rĩ: “Nuôi bốn con ăn học đã là một gánh nặng quá lớn với vợ chồng tui rồi, đằng này lại thêm hai con học Đại học ở Thủ đô rất tốn kém không biết trông nhìn vào đâu nữa. Nhưng có lẽ cuộc đời tui đây là cái số rồi, đành chấp nhận chứ biết răng. Cứ cho các con ăn học đã rồi tính tiếp chú à. Chứ giờ bắt các cháu nghỉ học, hoặc không được học những ngôi trường như mong muốn thì ân hận với các con lắm”.
Nghe anh tâm sự trong sự bất lực mà tôi không khỏi chạnh lòng và thầm ước...
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy
Nguồn tin: Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn