Nữ trưởng phòng Đắk Lắk sử dụng bằng cấp 3 giả từ 20 năm trước mà không ai hay biết |
Chia sẻ với Infonet về trường hợp mượn bằng giả của nữ trưởng phòng ở Đắk Lắk, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến khẳng định, “đã có hành vi lừa dối tổ chức, lừa dối cả những người tín nhiệm mình”.
“Cô ấy 'mượn' bằng của người nhà, người thân trong gia đình và coi đó là bằng của mình thì rõ ràng việc làm đó không xứng đáng”, ông Tiến nói. Ông cũng kiến nghị, hướng xử lý tới đây của các cơ quan chức năng đối với trường hợp này “không phải chỉ cho nghỉ việc” là xong mà phải “có hình thức kỷ luật tương xứng với hành vi lừa dối, sai trái đó”.
Ngoài ra, các cơ quan cần kiểm tra, xem xét trách nhiệm của cơ quan tổ chức cán bộ. “Tại sao bằng giả mà lại lọt vào được như vậy?”, ông Tiến đặt câu hỏi và nhấn mạnh “bằng cấp của người khác, tên của người khác, đã không phát hiện được lại còn có thể sư dụng làm "nấc thang" thăng tiến lên tới vị trí trưởng phòng rồi lúc đó mới phát hiện ra”.
Tỏ ra bức xúc, về việc cán bộ mua bằng giả, sử dụng bằng giả, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục – Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, chuyện “không phải gần đây mà nhiều năm trước đã xuất hiện” CBCC dùng bằng giả để tiến thân.
“Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do chúng ta đặt ra tiêu chuẩn ở vị trí này, vị trí kia phải có bằng cấp như thế này, như thế kia, đó cũng là một áp lực với mọi người. Nhưng lẽ ra, áp lực ấy là để học tập có bằng thật thì ngược lại họ lại mua bằng giả, sử dụng bằng giả hay có những trường hợp khác tuy là bằng thật nhưng mà kiến thức lại là giả. Tức là có bằng thật đấy nhưng họ không đi học, họ thuê người đi học, thuê người làm luận văn, luận án để có được bằng”, ông Tiến nói.
Lý giải những trường hợp hoàn toàn không có kiến thức gì mà mua bằng giả, ông Tiến cũng khẳng định “có cầu thì có cung. Có những người cần những bằng thế thì sẽ có nơi cung ứng”.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến |
“Đó là một thực trạng xã hội mà chúng ta phải lên án và các cơ quan bảo vệ pháp luật phải phanh phui, tìm ra những nơi cung cấp bằng giả nhưng đồng thời cũng phải giáo dục công chức của mình là không được có hành vi mua bằng giả để đưa vào hồ sơ cho nó đẹp phục vụ vào việc tiến thân, cất nhắc vào vị trí này vị trí kia. Đây là điều đáng lên án nhưng lên án cả người có nhu cầu mua bằng giả, cả người bán bằng giả. Nếu trong xã hội không có ai mua bằng giả nữa thì những người làm bằng giả bán cho ai?. Cho nên, trước hết phải răn chính CBCC của mình về việc sử dụng bằng giả”, ông Lê Như Tiến nêu vấn đề.
Nói đúng hơn đó là việc đánh lừa các cơ quan tổ chức có thẩm quyền, cơ quan tổ chức cán bộ, cơ quan cấp trên để họ xét duyệt. Trong thời gian qua thì chúng ta cũng đã phanh phui ra khá nhiều trường hợp, cả trung ương cũng có và ở cả địa phương.
“Và chúng ta khi đã phát hiện ra rồi thì phải xử lý thật nghiêm. Trước hết đây là hiện tượng lừa dối chính quyền, lừa dối cấp trên. Đã lừa dối trước hết phải hủy bằng giả, thứ hai là hủy quyết định đề bạt, cất nhắc, nâng lương, luân chuyển… Khi đã phát hiện phải làm thật nghiêm”, ông Tiến kiến nghị.
N. HuyềnÝ kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn