Phân loại rác thải tại nguồn là hoạt động phân chia rác thải ra các loại riêng biệt như rác hữu cơ, vô cơ... ngay nơi thải rác. Hoạt động này ngày càng nhận được nhiều sự đồng thuận từ người dân. Báo cáo từ Phòng TN&MT huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh), sau thời gian triển khai đến nay đã thực hiện rộng khắp trên 12 xã, thị trấn, trên 90 % hộ dân có giỏ thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.
Được biết, sau khi nhận được ý kiến, hướng dẫn từ Sở TN&MT, huyện Vũ Quang đã bắt tay vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt, triển khai hoạt động này đến các đơn vị, địa phương trong huyện. Qua đó, nêu cao ý thức cộng đồng, giúp người dân xác định rõ tham gia phân loại rác thải tại nguồn là trách nhiệm, hành động của tất cả chúng ta.
Ông Lê Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Đức Hương (huyện Vũ Quang) cho biết: “Sau khi có chủ trương, chính quyền đã phối hợp với phòng chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân việc phân loại rác thải. Người dân dần ý thức được việc phân loại rác sẽ tiết kiệm chi phí vận chuyển, xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường".
Được biết, huyện Vũ Quang đang triển khai xây dựng hố ủ phân thí điểm ở hai xã NTM nâng cao là Đức Hương và Hương Quang để sử dụng các loại rác thải dễ phân hủy tại các hộ gia đình. Từ loại rác thải này người dân có thể tận dụng sản xuất phân vi sinh ngay tại nguồn, dùng để bón cho cây trồng. Mô hình này sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Vũ Quang cũng đã triển khai được 4.352 lò đốt rác hộ gia đình do do Hội liên hiệp Phụ nữ phát động nhằm xử lý các loại rác thải như lá cây, cỏ…Bên cạnh đó, các loại rác thải như túi nilon, nhựa thuộc nhóm rác thải tái chế được đem bán tạo nguồn thu. Riêng rác thải khó phân hủy thì Hợp tác xã Môi trường tập trung thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý.
Đánh giá về hoạt động phân loại rác thải tại nguồn, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Phòng TN&MT huyện Vũ Quang cho biết: “Sau thời gian triển khai đã có hiệu quả rõ rệt, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, lượng rác phải vận chuyển, xử lý hiện chỉ còn ½ tổng lượng rác phát sinh. Nhờ vậy, giảm được chi phí vận chuyển, giảm tải cho các bãi xử lý, trạm trung chuyển. Các xã viên HTX cũng đỡ vất vã trong quá trình thu gom, xử lý”.
“Với tổng lượng rác thải phát sinh trên địa bàn thực tế là 15.000 tấn/ngày. Do đó, thời gian tới huyện Vũ Quang sẽ tiếp tục phát động rộng khắp trên toàn huyện để giảm áp lực cho công tác thu gom, xử lý rác thải cũng như môi trường hiện nay”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ý kiến của Sở TN&MT Hà Tĩnh: Mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh 650 tấn rác thải, trong đó, lượng rác thải thu gom mới chỉ đạt 68%. Các loại túi nilon, rác thải nhựa vẫn thải ra môi trường đang là vấn đề đáng báo động. Vì thế, phân loại, thu gom rác thải tại nguồn đang là một giải pháp hiệu quả, cần được phát động rộng rãi, nhân lên trách nhiệm, hành động của tất cả chúng ta đối với môi trường sống hiện nay. |