Bảo đảm hậu cần, vũ khí trong Chiến dịch Điện Biên Phủ: Dốc toàn lực giành toàn thắng

Thứ tư - 17/04/2024 06:49
Theo lãnh đạo Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Kỹ thuật, trong chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ 70 năm về trước, bên cạnh nhiều yếu tố then chốt, công tác đảm bảo hậu cần và bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) đã góp phần rất quan trọng vào thành công của chiến dịch này.
Huy động sức mạnh toàn dân

Theo Trung tướng Trần Duy Giang - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ (ĐBP), vấn đề cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém về tác chiến, khó khăn về cung cấp không kém khó khăn về tác chiến... Chính vì vậy, quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta có thể khắc phục được khó khăn này”.

Ông Giang cho biết, chuẩn bị cho chiến dịch ĐBP, công tác hậu cần gặp rất nhiều trở ngại khi chiến trường ở xa hậu phương, địa hình rừng núi hiểm trở, đường vận tải cơ giới khó khăn, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn lạc hậu, địch lại tập trung đánh phá ác liệt trên toàn tuyến và các khu vực trọng điểm. Trong khi đó, nhu cầu bảo đảm vật chất hậu cần rất lớn, chỉ tính riêng về lương thực, bình quân phải sử dụng khoảng 90 tấn/ngày để bảo đảm cho các lực lượng tính từ Sơn La đến chiến trường (riêng tại ĐBP phải bảo đảm 50 tấn).
 
D20240041702
Tranh vẽ tái hiện hình ảnh đội quân xe đạp thồ vận chuyển hậu cần đảm bảo cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, T.Ư Đảng và Chính phủ, Hội đồng Cung cấp mặt trận từ T.Ư đến các liên khu, khu và tỉnh cùng với hậu cần Quân đội, hậu cần địa phương và hậu cần nhân dân đã huy động nhân lực, vật lực của toàn dân, với tổng khối lượng vật chất khoảng 20.000 tấn; huy động hơn 261 nghìn dân công với 12 triệu ngày công bảo đảm hậu cần “đủ, đúng, kịp thời” cho chiến dịch giành thắng lợi.

Để đáp ứng được nhu cầu vật chất hậu cần trên cho chiến dịch, ngoài việc huy động lực lượng bộ đội, dân công và thanh niên xung phong phục vụ hỏa tuyến, ta phải động viên một số lượng lớn phương tiện vận chuyển, với trên 20.000 xe đạp thồ, 17.000 ngựa thồ, trên 11.800 thuyền bè mảng và 628 xe ô tô.

Theo Trung tướng Trần Duy Hưng - Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, với tinh thần “yêu xe như con”, trong Chiến dịch ĐBP, các chiến sĩ lái xe, thợ sửa chữa ngày đêm chăm sóc, bảo quản xe - máy luôn có chất lượng tốt, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, tăng tốc độ xe, tăng trọng lượng chở lương thực, đạn và kéo pháo vào trận địa đúng theo kế hoạch và thời gian quy định; những xe hỏng được nhanh chóng sửa chữa ngay trên đường hành quân để giảm thời gian “chết”. Hơn 800 lái xe, 300 thợ sửa chữa của ngành xe - máy và ngành giao thông công chính đã được động viên, bổ sung kịp thời cho chiến dịch.


Cũng theo ông Giang, đánh giá kỳ tích huy động sức mạnh nhân dân trong chiến dịch ĐBP, nhiều học giả nghiên cứu về chiến dịch quân sự đều cho rằng, bất ngờ lớn nhất đối với Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp chính là ở chỗ quân và dân Việt Nam khắc phục được khó khăn, huy động sức mạnh toàn dân, dốc toàn lực bảo đảm cho chiến dịch giành toàn thắng.

Nhà báo Pháp Giuyn Roa khẳng định: “Không phải viện trợ Trung Quốc đã đánh bại tướng Nava mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot thồ 200kg, 300kg hàng và đẩy bằng sức người - Những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm ni lông” .

Bảo đảm đầy đủ đạn dược

Luận giải về chiến thắng lịch sử này, Trung tướng Trần Duy Hưng - Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, khẳng định: Kinh nghiệm về sự linh hoạt, sáng tạo trong công tác bảo đảm VKTBKT, là một trong những bài học có giá trị sâu sắc trong phát huy sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi của Chiến dịch ĐBP.

Theo ông Hưng, đây là lần đầu tiên ngành Kỹ thuật phải tiến hành bảo đảm khối lượng VKTBKT nhiều nhất cho một lực lượng lớn bộ đội chủ lực. Tổng số đơn vị bộ binh tham gia Chiến dịch ĐBP có 27 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn được trang bị 144 súng trường, 95 tiểu liên, 18 trung liên, 2 cối 60mm và 2 cối 81mm. Tổng số đơn vị pháo binh có một trung đoàn sơn pháo 75mm (15 khẩu), 2 tiểu đoàn lựu pháo 105mm (24 khẩu), 4 đại đội súng cối 120mm (16 khẩu), một trung đoàn pháo cao xạ 37mm (24 khẩu) và phương tiện của một trung đoàn công binh (gồm 2 tiểu đoàn)…


“Thành công của công tác hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của toàn ngành hậu cần Quân đội. Kết quả này đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn”.

Trung tướng TRẦN DUY GIANG - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần


Sự linh hoạt, sáng tạo bảo đảm an toàn, đầy đủ đạn dược cho chiến dịch được thể hiện ở nhiều hoạt động. Nổi bật là cùng với nhiệm vụ đưa pháo vào trận địa, công tác bảo đảm đạn pháo, đạn cối cũng gấp rút được triển khai. Như với đạn lựu pháo 105mm, bước vào chiến dịch ta chỉ có 3.600 quả đồng bộ với pháo do Trung Quốc viện trợ. Ta đã nhanh chóng tập trung chuyển hết 11.715 quả đạn 105mm thu được ở Chiến dịch Biên Giới năm 1950 gửi ở Long Châu (Trung Quốc) và 400 quả thu được trong Chiến dịch Trung Lào để ở Chu Lễ (Hà Tĩnh) về phục vụ chiến dịch.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các kho được lực lượng bảo đảm linh hoạt, sáng tạo bằng cách sử dụng hang, hốc đá cất chứa đạn là chủ yếu. Ở Sơn La, ta dựa vào hang đá ở Bản Lầu làm tổng kho vũ khí, đạn dược cho chiến dịch (trong hang kê gỗ, ván tránh ẩm ướt). Ở hỏa tuyến, các kho đạn đều dựa vào địa hình có lợi, đào hầm sâu vào sườn núi, kê gỗ, lót ván bố trí dọc đường… Nhờ ngụy trang kín đáo, không những trong kho mà cả đường xe ra vào, nên dù địch ra sức dùng máy bay trinh sát những nơi nghi ta bố trí kho tàng nhưng cũng không phát hiện được. Trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, các kho đạn của ta đều được bảo vệ an toàn.

Ông Hưng cho biết, trong quá trình chuẩn bị, do yêu cầu cấp thiết về vũ khí, đạn dược cho chiến dịch, lực lượng kỹ thuật còn linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức tiếp nhận tốt số hàng viện trợ. Tính từ tháng 1 đến tháng 5/1954, lực lượng bảo đảm đạn đã tiếp nhận 1.100 quả đạn lựu pháo 105mm; 4.000 quả đạn sơn pháo 75mm; 29.480 quả đạn pháo cao xạ 37mm viện trợ. Trong những ngày cuối của chiến dịch, một tiểu đoàn ĐKZ 75mm và một tiểu đoàn hỏa tiễn H6 (Cachiusa) do Trung Quốc viện trợ được gửi thẳng lên mặt trận đã kịp thời tham gia đợt tổng công kích cuối cùng vào chiều ngày 6/5/1954.
Theo Thụy Du Tiền phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây