
Yên tâm chinh phục biển khơi
Những ngày đầu xuân Đinh Dậu này, đến cảng Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh), mọi người sẽ dễ dàng nhận thấy sự hiện diện của 2 con tàu vỏ thép đầu tiên và lớn nhất ở đây. Ngư dân Nguyễn Văn Lòng (58 tuổi, trú thôn Hòa Thành, xã Thạch Kim) sở hữu tàu vỏ thép mang tên Thành Đạt 08, số hiệu HT 96708 TS không giấu nổi vui mừng - cho biết, bản thân theo nghề biển hàng chục năm trời trên con tàu gỗ nhỏ bé, nhiều lần gặp nguy hiểm trên biển nên từ lâu đã ấp ủ sẽ đóng một con tàu thật hiện đại để chinh phục biển cả, đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả đánh bắt cao nhất.
Do vậy, sau khi Chính phủ có nghị định 67 về việc hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép vươn khơi, ông đã mạnh dạn đăng kí ngay, dù biết rằng chi phí đóng vô cùng lớn, hơn 90% giá trị tàu là vay ngân hàng. Sau khi hoàn thiện các thủ tục, ngày 7.7.2016, Cty CP Cơ khí đóng tàu thủy sản Việt Nam tại Hải Phòng đã tiến hành đóng tàu vỏ thép cho ông. Sau gần nửa năm, con tàu hiện đại nhất trong đời mình sở hữu đã về tay ông. Tàu có chiều dài 25m, rộng 7m, công suất 829 CV. “Được sở hữu con tàu hiện đại này, tôi phấn khởi vô cùng. Từ nay có thể yên tâm bám biển dài ngày, đánh bắt ở ngư trường xa có nguồn hải sản dồi dào nhất” - ngư dân Lòng tâm sự.
Là một trong hai người đầu tiên của huyện Lộc Hà sở hữu tàu vỏ thép, ngư dân Trần Xuân Sinh (43 tuổi, trú xã Thạch Bằng) cũng vô cùng phấn khởi khi vừa đón con tàu vỏ thép mang tên Triệu Vi 09 trị giá 15,7 tỉ đồng. Tàu dài 26m, rộng 7,1m, công suất 829 CV. “Từ năm 2006, sau khi đi Đài Loan làm thuyền viên trên con tàu hiện đại về, tôi đã ấp ủ sẽ đóng một con tàu thật lớn để làm thuyền trưởng trên vùng biển của mình. Thế nhưng do khó khăn, không có vốn nên phải trì hoãn. Sau này có nghị định 67 được nhà nước hỗ trợ rất lớn nên tôi đã mạnh dạn đăng ký. Tàu đóng hoàn thiện vào giữa tháng 1.2017. Tết đã xong, dự kiến sau rằm, chúng tôi sẽ ra khơi chuyến đầu tiên trên con tàu này với hy vọng đánh bắt thật hiệu quả” - anh Xuân phấn khởi tâm sự.
Mong có nhiều tàu vỏ thép hơn nữa
Ông Phan Văn Nhàn - PCT UBND huyện Lộc Hà - cho biết, hiện toàn huyện mới có 2 con tàu vỏ thép đầu tiên, một tàu là của ngư dân Lòng xã Thạch Kim, một tàu của ngư dân Xuân xã Thạch Bằng. Cả 2 con tàu hoàn thiện gần như cùng thời điểm vào giữa cuối tháng 1.2017. “Với việc 2 ngư dân đầu tiên của huyện nhà sở hữu tàu vỏ thép, đại diện chính quyền, chúng tôi cũng rất phấn khởi. Mong rằng các ngư dân sở hữu tàu hiện đại sẽ phát huy được lợi thế của nó để đánh bắt hiệu quả, đạt sản lượng lớn. Ngoài ra, còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” - ông Nhàn nói. Ông Nhàn cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều ngư dân của không chỉ huyện Lộc Hà mà của cả tỉnh Hà Tĩnh mạnh dạn đóng tàu vỏ thép để vươn khơi bám biển.
Ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh - cho biết, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 7 tàu vỏ thép. Trong đó, huyện Nghi Xuân có 4 cái, huyện Lộc Hà 2 cái, huyện Cẩm Xuyên 1 cái. Trong khi tàu vỏ gỗ từ 90 CV trở lên hiện có 316 cái, hơn 700 cái công suất dưới 90CV đánh bắt vùng lộng.