Hạnh phúc của người trai quyết lấy đàn ông chuyển giới làm vợ

Thứ bảy - 10/06/2017 03:27
Một chàng trai tân ở xứ dừa Bến Tre, là con trai út trong một gia đình nông dân, hiện đang công tác tại UBND của một xã, đã chấp nhận gạt bỏ mọi thị phi, áp lực gia đình để yêu và chung sống với một “phụ nữ chuyển giới”.
Cẩm Tú và chồng
Một buổi chiều đầu tháng 8, chúng tôi tình cờ gặp Cẩm Tú – một “người đẹp chuyển giới”, quê ở vùng giáp ranh 2 huyện Châu Thành và Bình Đại của tỉnh Bến Tre. Đang trò chuyện với chúng tôi, Cẩm Tú được một thanh niên dáng vẻ thư sinh, còn khá trẻ, đi xe máy đến đón. Tú tự hào chỉ vào chàng trai giới thiệu: “Đây là anh L., chồng của em, chồng vợ đàng hoàng à. Hai đứa em chung sống với nhau đã hơn 3 năm rồi”.

Vượt qua rào cản gia đình để yêu

“Hồi đó, em mới bị chồng cũ phụ bạc, bỏ rơi. Buồn quá, em mở tiệm uốn tóc, gội đầu, làm móng tay, móng chân với mong muốn công việc bận rộn sẽ giúp em quên đi mọi ưu phiền. Ban ngày em làm ở tiệm, còn ban đêm thì đi hát giúp vui cho các đám cưới, đám giỗ. Trong một lần đi hát đám cưới, em đã gặp được anh L., chồng em bây giờ”, Cẩm Tú bồi hồi kể lại chuyện tình của cô và L..

Hôm đó, sau khi Cẩm Tú hát xong mấy bản nhạc trữ tình, thì L. lên tặng hoa và khen cô hát hay. Anh còn rót một ly rượu mời cô để làm quen. Suốt buổi tối hôm đó, L. cứ ngồi uống rượu và nhìn Cẩm Tú hát. Tiệc tàn, trước khi ra về, L. chủ động đến gặp Cẩm Tú, xin số điện thoại di động và địa chỉ nơi cô sinh sống. Từ đó, hai người thường xuyên gọi điện cho nhau, hẹn hò đi chơi. L. thường nhiệt tình chở Tú đi hát ở đám giỗ, đám cưới khi có yêu cầu. Và chuyện gì đến phải đến, một buổi chiều đẹp trời, L. tìm đến nhà Cẩm Tú và ngỏ lời yêu. Lúc đầu, Tú cũng không dám tin đó là sự thực, cô suy nghĩ, cô tự ti, mặc cảm về bản thân. Nhưng khi thấy chàng trai với ánh mắt tha thiết, nghiêm túc đề nghị muốn cưới cô làm vợ, cô đã không thể từ chối tấm chân tình của anh.

Nhưng khi cả 2 đưa nhau về nhà L. bày tỏ ý định sẽ tổ chức đám cưới thì vấp phải sự phản kháng quyết liệt của gia đình L. Cũng dễ hiểu, bởi gia đình L. rất thành kiến với những người giống như Cẩm Tú. Hơn nữa L. lại là con trai út trong gia đình chỉ có 3 chị em, nên cha mẹ và bà con dòng họ luôn mong mỏi L. cưới một cô vợ đúng nghĩa để có người nối dõi tông đường.

Trong khi đó, những người chuyển giới như Cẩm Tú thì hoàn toàn không thể sinh con. “Hồi đó chuyện của em và anh L. nhiều cay đắng lắm. Mọi đám tiệc ở gia đình, ảnh đều đưa em về phụ giúp như con dâu trong nhà, mong cha mẹ hai chị gái, bà con thân tộc hồi tâm chuyển ý chấp nhận tình yêu của hai đứa. Nhưng không ai đồng ý, không ai thèm nói chuyện, tiếp xúc với em, thậm chí còn khinh khi ra mặt, nói cạnh nói khóe đủ điều. Sau khi cha mẹ ảnh qua đời, cho đến giờ này, hai chị gái của anh ấy vẫn nhất quyết không chấp nhận chuyện của bọn em. Ở nhà đã vậy, ra đường, đi đến đâu, em cũng bị thiên hạ xầm xì, to nhỏ, dè bỉu, chê cười sau lưng. Khổ tâm lắm anh ạ. Nhiều lúc buồn quá, em đề nghị anh ấy chia tay, để ảnh về nhà sinh sống, lo cưới vợ, sinh con nối dõi tông đường, nhưng ảnh không chịu. Cuối cùng, ảnh về chỗ em ở luôn, không thèm về nhà nữa. Hiện nay, ngôi nhà thờ của gia đình, ảnh vẫn để cho chị gái trông coi”, Cẩm Tú kể.

Chúng tôi hỏi L. việc anh chung sống với Cẩm Tú, ngoài chuyện gia đình phản đối thì cơ quan có ý kiến gì không, L. cười: “Lúc đầu mấy anh cũng góp ý, phê bình. Nhưng tôi nói tôi sống với người mình yêu, hơn nữa tôi cũng chưa có vợ con nên không vi phạm luật pháp gì. Lâu ngày, mấy ảnh cũng thông cảm, không nói gì nữa. Cho đến nay mấy anh trong cơ quan đều xem Cẩm Tú là vợ của tôi, tuy chưa có cưới hỏi chính thức”.

Là người chuyển giới, Cẩm Tú khao khát có một đứa con

Cháy bỏng khao khát có một đứa con

Khi chúng tôi về vùng giáp ranh 2 huyện Châu Thành, Bình Đại hỏi chuyện vợ chồng Cẩm Tú, nhiều người dân lắc đầu ngao ngán. Nhưng cũng có những người thông cảm với hoàn cảnh éo le của L. và Cẩm Tú. “Hồi đầu thấy hai đứa nó chung sống với nhau, ai cũng bất bình, vì từ trước đến nay ở địa phương chưa từng có trường hợp nào như vậy. Hơn nữa L. là cán bộ xã, làm như vậy sẽ tạo hình ảnh, gây dư luận không tốt trong cộng đồng dân cư. Nhưng lâu ngày thấy tụi nó thương nhau thiệt, riết rồi mọi người cũng quen mắt, không ai đàm tiếu, dè bỉu nữa. Mặt khác, luật pháp cũng chưa cấm người bình thường sống như vợ chồng với người chuyển giới”, một cán bộ nơi L. công tác, nói.

Cẩm Tú tâm sự, vấn đề khó khăn nhất với vợ chồng cô hiện nay là khao khát có một đứa con. “Em thì không thể sinh con. Nhiều lần vợ chồng bàn nhau xin con nuôi cho nhà cửa có tiếng trẻ, nhưng nghĩ lại nếu không biết rõ gốc tích đứa trẻ thì ngại lắm. Có nhiều người khuyên chúng em đi bệnh viện xin trứng, rồi làm thụ tinh trong ống nghiệm để anh L. có đứa con. Nhưng làm như vậy thì tốn nhiều tiền quá, trong khi thu nhập của em bấp bênh, lương của ảnh chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Em chỉ sợ mình không thể có con, sau này ảnh sẽ chán rồi bỏ em”, Cẩm Tú tâm sự.

Khi chúng tôi hỏi nếu chuyện đó xảy ra thì Cẩm Tú sẽ như thế nào, cô cười buồn, nói: “Nếu anh L. bỏ em thì em đau khổ lắm. Nhưng cũng phải chấp nhận thôi, đau buồn một thời gian rồi sẽ nguôi ngoai”. Còn L., khi nghe Cẩm Tú nói vậy, anh chỉ ngồi im lặng uống rượu và thỉnh thoảng liếc yêu vợ, không nói câu nào.

Theo luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang), việc người bình thường, chưa vợ con, yêu và chung sống với người chuyển giới (nhưng không tổ chức đám cưới) không thấy luật pháp quy định cụ thể cấm hay không cấm. Tuy nhiên với dư luận xã hội, đặc biệt là vùng nông thôn, chuyện này rất khó được mọi người chấp nhận, nên chắc chắn người trong cuộc sẽ phải gánh chịu áp lực rất lớn.

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây